Chuyện về y phục
Nghiên cứu - Trao đổi 27/04/2022 10:32
Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc 1954 cho đến những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đời sống vô cùng khó khăn, nhiều phụ nữ Việt Nam thời đó vẫn theo phong tục xưa chỉ dùng cái yếm che ngực. Yếm của phụ nữ vừa là đồ lót nhưng cũng chính là chiếc áo để mặc trong những ngày Hè nóng nực. Yếm độc đáo ở chỗ, phía trước có thể hở hoặc che kín đến tận cổ nhưng phía sau lại hở cả lưng. Dù chỉ là tấm áo nhưng có rất nhiều chuyện xung quanh vuông vải này. Mẹ tôi và những người đàn bà lúc đó đều mặc yếm. Con đòi bú chỉ kéo vạt yếm lên là con bú dễ dàng, lúc nóng bức thì kéo vạt yếm lau mồ hôi hay dùng thay quạt một chút. Thời đó, mặc yếm cho con bú ngay giữa nhiều người tại cuộc họp thôn, hợp tác xã hay đám cưới,… là chuyện bình thường vì quan niệm của mọi người rất đơn giản, tự nhiên.
Ảnh minh hoạ |
Yếm đi vào thơ ca, hò vè… lúc thì bóng gió, có khi lại nói “toạc móng heo”. Trong trích đoạn Thị Mầu lên chùa vở “Quan Âm Thị Kính” có câu: Gió xuân tốc dải yếm đào/Chàng trông thấy oản sao không vào thắp hương? Trong tình cảm, yếm là vật để các chàng trai mang ra trêu chọc, thách thức khi hát đối: Trời mưa lấy yếm mà che/ Có anh đứng gác còn e nỗi gì. Các cô cũng chẳng ngại ngần mà đáp lại: Ước gì sông hẹp tày gang/Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi. Yếm cũng là mong ước của chàng trai và cũng có thể là ý tứ của một cô gái gửi cho người mình yêu: Trời mưa trời gió kìn kìn/ Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông. Chắc nhiều người còn nhớ bài “Chân quê” của Nhà thơ Nguyễn Bình, chiếc yếm lại trở thành chuẩn mực đạo đức cho các cô gái ở nông thôn: Còn đâu cái yếm lụa sồi/Cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen/Nói ra sợ mất lòng em... Trong các ghi chép của nhiều người Pháp đến Hà Nội cuối thế kỉ XIX, họ đều ngạc nhiên trước cái yếm. Bác sĩ Hocrquad viết: “Chỉ có một mảnh vải đơn sơ trước ngực nhưng nó làm cho cánh đàn ông phải suy nghĩ, nhất là khi các cô gái thắt chiếc dây ở ngang lưng một cách lỏng lẻo”.
Nếu cái yếm ở các vùng quê đồng bằng Bắc Bộ may bằng vải thô nhuộm nâu, gụ hay bằng đũi thì ở Hà Nội, yếm còn là thứ trang điểm cho người phụ nữ và càng hấp dẫn hơn khi nó được may bằng lụa với hình dạng khác nhau. Từ màu nâu ở thôn quê ra đến Hà Nội thì yếm lại là màu trắng, xanh lơ, hoa hiên và hoa đào phơn phớt. Song, khác với phụ nữ ở vùng quê có thể mặc yếm ra đường mà không ai dị nghị thì phụ nữ, nhất là phụ nữ chưa chồng ở Hà Nội không bao giờ mặc yếm ra đường mà không có áo ngoài. Phụ nữ thành thị mặc yếm cho đến đầu thập niên 30 thế kỉ XX. Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp phải lòng người đẹp qua bài thơ Em đi chùa Hương:… Nho nhỏ cái đuôi gà cao/ Em đeo cái dải yếm đào… Chiếc yếm dường như ít được phụ nữ thành thị mặc hơn vào cuối những năm 1930 khi thời trang Pháp ngày càng trở nên phổ biến trong thanh nữ. Thay thế chiếc yếm là chiếc áo lót kiểu phương Tây được du nhập vào Việt Nam.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, chiếc yếm được ra đời là để tôn lên cái lưng ong vốn được xem là một nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Yếm đi với áo cánh, tôn vẻ đẹp của cổ cao ba ngấn, bờ vai tròn lẳn; yếm trắng với áo dài tứ thân, màu nâu non tạo sự nền nã của các chị tiểu thương hay các cô thôn nữ… Yếm đỏ, yếm đào trong bộ áo mớ ba mớ bảy của các cô gái trảy hội ngày Xuân, tôn lên sự rực rỡ nhưng hài hòa. Yếm với vẻ đẹp lãng mạn dưới con mắt của đấng “mày râu”, rất gợi cảm: “Đàn bà yếm thắm, hở lườn mới xinh…”.
Đó là chuyện cái yếm ngày xưa. Thời nay thì khác, áo lót đủ kiểu với màu sắc rực rỡ và một số chị em thường muốn nửa kín nửa hở, khoe để thiên hạ biết. Chẳng thế mà trên một tờ báo online có hàng tít: Tranh cãi chuyện: “Phụ nữ hiện đại không ngại hở nội y” khi một người xem phát hiện đã nói: “Che cái áo con lại chị ơi”, đáp lại bình luận trên, nữ beauty blogger bày tỏ: “Ủa em, phụ nữ ai cũng mặc áo lót mà, có gì lạ lắm đâu mà phải che nhỉ?” Thậm chí còn có trào lưu phụ nữ không mặc áo ngực để thấy bình thường về việc không phải che đậy cơ thể mình nữa. Trên thế giới hiện nay, phong trào “No Bra” (không áo ngực) đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia như Mỹ, Canada, Hàn Quốc,…
Xã hội ngày càng phát triển, bên cạnh những ý kiến cho rằng, việc quá soi mói và quan tâm đến vấn đề nội y của phụ nữ là vô duyên và có phần cổ hủ thì cũng có những bình luận cho rằng, dù có thế nào nội y vẫn luôn là đồ vật mang tính nhạy cảm, phụ nữ cần đặc biệt ý thức khi sử dụng chúng trong đời sống hằng ngày… Phải chăng tất cả là do “cái đầu” của con người khi quan niệm hay hoặc không hay, tốt nhất hãy nhìn nhận nó một cách bình thường để ứng xử phù hợp nhưng đa số ý kiến cho rằng, kín đáo vẫn tốt hơn!