Chuyện nhặt ở làng Vũ Đại
Nhịp sống văn hóa 07/11/2019 14:20
Một ngày Thu nắng vàng óng, chúng tôi có chuyến về làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam thăm quê hương Nhà văn Nam Cao. Ông Trần Hữu Vịnh, 70 tuổi, cháu gọi Nam Cao bằng chú, người trông coi Khu tưởng niệm nhà văn, hồ hởi đón tiếp và trò chuyện với chúng tôi…
Câu chuyện tìm mộ nhà văn
Nhà văn Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh năm 1915 tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân. Học xong thành chung, ông đi nhiều nơi, nhưng vì bệnh tật phải về quê dạy học và viết văn. Ông lấy chữ đầu của huyện Nam Sang và tổng Cao Đà làm bút danh. Năm 1943, ông vào Hội Văn hoá cứu quốc. Tháng 8/1945, ông tham gia Tổng khởi nghĩa, được cử làm Chủ tịch xã. Kháng chiến chống Pháp, ông làm phóng viên tham gia đoàn quân Nam tiến, rồi lên chiến khu Việt Bắc làm công tác văn nghệ. Cuối tháng 11/1951, trên đường đi công tác vào vùng địch tạm chiếm Ninh Bình, ông cùng 2 cán bộ bị địch phục kích và anh dũng hi sinh khi mới 37 tuổi. Năm 1998, mộ phần của ông được đưa về quê hương.
Theo ông Vịnh, việc tìm kiếm hài cốt của Nhà văn Nam Cao cũng khá vất vả và li kì. Chẳng biết có là ngẫu nhiên không khi tên cái làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo của ông lại trùng hợp với tên làng Vũ Đại, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, nơi ông nằm xuống. Khi ông và 2 cán bộ hi sinh, du kích đưa được thi hài về chôn chung trong 1 hố vôi cũ. Sau này khi chuyển hài cốt về nghĩa trang liệt sĩ xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn bằng thuyền, gặp mưa gió, danh tính ghi trên tiểu bị trôi mất nên thành liệt sĩ chưa rõ tên. Khi Hội Nhà văn Việt Nam cùng 36 cơ quan, đơn vị tìm được hài cốt Nhà văn Nam Cao, gia đình đi giám định AND tại Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an thì nhận được kết quả là phần lớn hài cốt là của nhà văn, riêng xương đùi bên phải thì của người khác. Chuyện bỗng trở thành khó khăn, đành phải nhờ đến… nhà ngoại cảm. Rất may “vong” nhà văn nhập về bảo: “Tôi sống cùng đồng đội, chết cùng đồng đội. Nay tôi giữ 1 phần thi thể đồng đội thì đồng đội cũng giữ 1 phần thi thể tôi nên không có gì phải lo”. Chẳng biết câu chuyện “gọi vong” này có độ tin cậy đến đâu, nhưng chắc chắn đã làm cho gia đình và những người tham gia tìm mộ có một niềm tin nào đó.
1. Khu tưởng niệm nhà văn, nhà báo, liệt sĩ Nam Cao |
Điều nuối tiếc ở Khu tưởng niệm
Năm 2001, công trình Khu tưởng niệm nhà văn với kinh phí 500 triệu đồng được khởi công trên khu vực sân vận động của xã rộng 5.000m2. Khu đất này xa xưa là của lão Hạc, nhân vật trong truyện ngắn cùng tên của Nhà văn Nam Cao. Nhà Nam Cao trước cũng ở đó, nhưng do đói kém ông đã bán cho người khác. Năm 2004, Khu tưởng niệm khánh thành, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm về dự. Trong khuôn viên có nhà tưởng niệm với bàn thờ Nhà văn Nam Cao cùng các tác phẩm và chiếc giường của nhà văn. Mộ Nhà văn Nam Cao nằm ở bên phải, gần lối vào. Ông Vịnh bảo, theo thiết kế ban đầu, Khu tưởng niệm còn phục dựng một số cảnh và tượng một số nhân vật tiêu biểu trong các tác phẩm nổi tiếng của Nhà văn. Đoạn đường đi qua hồ vào nhà sẽ là cây cầu và dưới hồ sẽ thả giống cá do con trai nhà văn Nam Cao là ông Trần Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản lai tạo ra, nhưng đến nay chưa thực hiện được do khó khăn về kinh phí.
Hỏi ông Vịnh về thù lao trông coi Khu tưởng niệm, ông cười và cho biết, trước thì chẳng công xá gì, sau được 80.000 đồng/tháng. Con cháu nhà văn hoặc khách về thăm viếng có sắm sửa lễ lạt, tiền bạc thì đưa vào công đức để bảo tồn, sửa chữa những hư hỏng. Ông chỉ nhận những gì khách tặng riêng cho mình. Công việc ở đây cũng luôn tay, khuôn viên rộng, cứ ngơi mắt là lá rụng, cỏ mọc… còn ông thì cũng muốn nghỉ ở nhà với con cháu. Tuy nhiên, xã chưa tìm được người, bởi làm việc này không chỉ chịu khó mà còn phải có hiểu biết sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của Nhà văn Nam Cao. Mà cũng khó thật. Ông là cháu của nhà văn, có 15 năm trông giữ khu tưởng niệm, từng có 4 năm quân ngũ, gần 16 năm công tác cơ quan Nhà nước rồi mới nghỉ hưu. Ông cũng rất yêu quý chú mình nên luôn để tâm nghiên cứu, tìm tòi và có hiểu biết khá sâu về tác giả, tác phẩm. Các đoàn khách đến thăm viếng, học sinh, sinh viên các nhà trường đến học tập, ông đều giới thiệu và trả lời vanh vách các vấn đề họ muốn tìm hiểu về Nhà văn Nam Cao…
Nghe ông Vịnh nói chuyện, chúng tôi cảm thấy ấm lòng nhưng cũng khá nuối tiếc vì những dự định còn dang dở ở Khu tưởng niệm Nhà văn Nam Cao. Giá những dự định đó thành hiện thực thì chắc chắn đây sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều đoàn khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập. (Còn nữa)