Chuyện ghi được ở một xã anh hùng
Phóng sự 24/07/2020 07:56
Mười chín con người, trẻ nhất cũng 60, cao nhất đã 87 tuổi. Người đang sinh sống tại nơi chôn nhau cắt rốn Dị Nậu, người cùng con cháu lập nghiệp, định cư ở quê hương thứ hai xa xôi. Song, tất cả, với trái tim nhiệt huyết, họ vẫn từng ngày, từng giờ hỗ trợ, cùng nhau xây dựng cuộc sống, làm giàu cho gia đình, xã hội. Hơn thế, trong từng công việc làng xã, họ tham gia có trách nhiệm như những chiến sĩ năm xưa xông pha trên khắp các chiến trường giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, không nề hà gian khó, không quản ngại nắng mưa, tiếp tục hi sinh và cống hiến.
CLB LLVT nghỉ hưu xã Dị Nậu sơ kết 6 tháng đầu năm |
CLB Lực lượng vũ trang (LLVT) nghỉ hưu xã Dị Nậu hội tụ những con người ấy. Tôi “có duyên” được hòa trong mối thâm tình đặc biệt này đúng ngày của các nhà báo (21/6), khi về dự buổi sơ kết 6 tháng đầu năm hoạt động CLB. Sự hiện diện của hội viên kì nào cũng rất đông đủ; có người về từ các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Hòa Bình hay Thủ đô Hà Nội… Nhưng sự có mặt của lãnh đạo UBND xã, MTTQ, các đoàn thể không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của chính quyền địa phương đối với lớp người “cây cao bóng cả”, mà còn minh chứng cho những đóng góp quan trọng của CLB vào sự phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương này.
Đã gần 90 tuổi mà Đại tá Tạ Công Khoát còn khỏe mạnh, minh mẫn. Trong bất cứ hoạt động gì của CLB, cụ đều tiên phong, có mặt sớm nhất. Cụ Khoát từng là lính công binh tham gia mở đường phục vụ Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, rồi ngược lên Lạng Sơn phục vụ chiến tranh biên giới phía Bắc. Nghỉ hưu, cụ trở về quê hương, đoàn tụ với người vợ hiền tần tảo, bù đắp những năm tháng tuổi xuân hi sinh vì chồng vì con. Cụ bảo, còn khỏe còn tiếp tục cống hiến. Còn sinh hoạt được với CLB và làm được những việc có ích cho đời, cho quê hương là may mắn, hạnh phúc hơn những đồng đội đã nằm lại chiến trường. Người lính già không mong gì hơn thế!
Lãnh đạo xã và các thành viên CLB cùng ra quân phát cỏ chăm sóc rừng cây mới trồng |
Ông Hán Hưng Thanh, Chủ nhiệm CLB cho biết: Mỗi chương trình, kế hoạch của CLB đều đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai, khi thống nhất cao mới báo cáo địa phương cho triển khai. Vậy nên mới chỉ sinh nhật lần thứ ba, CLB đã hoạt động nền nếp, hội viên rất tự giác, tích cực hưởng ứng ủng hộ các phong trào do địa phương và Ban Chủ nhiệm phát động. Chỉ tính đợt ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 đây thôi, anh em đã xung phong đi đầu để CLB ủng hộ sớm nhất, nhiều nhất cho Quỹ phòng chống dịch. Rồi việc phục dựng cây đu cho mùa lễ hội; đảm nhiệm trồng cây xanh trên diện tích khoảng gần 2ha gò Trạm Lĩnh, nơi có ngôi đền Quốc Tế linh thiêng được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia…
Cùng ra quân phát cỏ chăm sóc rừng cây mới trồng |
Theo cụ Tạ Đình Hạp, Phó Trưởng ban Quản lí di tích xã thì trước đây, gò Trạm Lĩnh là một rừng lim và nhiều cây cổ thụ quý làm cho ngôi đền thêm cổ kính, trang nghiêm. Năm 1963, rừng bị chặt phá, để lại vùng đồi trơ trụi. Với sáng kiến khôi phục rừng nguyên sinh của địa phương, CLB LLVT nghỉ hưu đã đề xuất và được cấp ủy, chính quyền địa phương đồng ý cho trồng lại các loại cây bản địa từng tồn tại trong các khu rừng trước đây, khi rừng lên khỏe mạnh sẽ bàn giao cho địa phương quản lí. Đại tá Hán Hưng Thanh (Chủ nhiệm) và Trung tá Tạ Bá Khiêm (Phó Chủ nhiệm) vừa khích lệ hội viên dành thời gian, công sức tham gia, vừa chạy đôn chạy đáo lo tìm mua cây giống. Cũng không đơn giản bởi yêu cầu của việc trồng các loại cây bản địa là hết sức khắt khe, toàn giống cây quý như đinh, lim, sến, hồi, sưa, dổi, chò, trám... Có khi, Ban Chủ nhiệm phải đi cả trăm cây số mới mua được giống cây ưng ý; rồi chọn loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tìm hiểu kĩ thuật trồng, chăm bón sao cho cây sống trăm phần trăm khỏe mạnh mới bảo đảm yêu cầu.
Từ trên đồi cao nhìn xuống... |
Có cây giống, Ban Chủ nhiệm phát động trồng theo đợt, để các thành viên tham gia được đầy đủ, đợt này không tham gia được thì tham gia đợt tiếp theo, như vậy ai cũng có thể đóng góp sức mình. Tính đến nay, CLB đã trồng gần 500 cây các loại, góp phần làm đẹp cảnh quan di tích và phủ xanh đất trống trên khu vực gò đồi. Lâu lâu, lại tổ chức tỉa cây, phát cỏ, tạo môi trường thông thoáng cho cây phát triển. Dự kiến, khi lớp cây đầu tiên khép tán, CLB tiến hành trồng lớp cây ở tầng thấp hơn, trong đó có cả sim, mua, các loại cây dây leo. Việc trồng cây xanh sẽ lan dần xuống cả khu vực chùa, tạo thành quần thể xanh mát, hấp dẫn cho tuyến du lịch sinh thái, du lịch tâm linh của du khách và các tăng ni phật tử.
Đứng trên gò đồi Trạm Lĩnh nhìn xuống thung lũng, thấy mái ngói đỏ au ẩn hiện giữa lùm cây xanh tốt, tôi hình dung về một tương lai không xa, thế hệ trẻ của quê hương Dị Nậu thêm tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa quê hương và được hưởng bầu không khí trong lành từ cánh rừng mà các thành viên CLB LLVT nghỉ hưu đang miệt mài tạo dựng.