Chuyện bà tôi
Tâm sự 20/02/2024 09:30
Qua chuyện của nhiều người cao tuổi, trong xóm tôi có một gia đình sinh hạ được ba cô con gái và một con trai. Gia đình cụ tôi thì lại có ba con trai và một con gái út, người con gái út đó chính là bà tôi. Có lẽ sinh ra và lớn lên ở một vùng quê sông nước, các nam nữ trong làng hiểu và biết nhau hơn. Vì thế, các ông cậu tôi, lần lượt đính hôn với ba cô con gái của gia đình kia. Ba cặp vợ chồng cùng trong hai dòng tộc biết làm ăn chí thú, nên sau khi lấy nhau đều sinh con đẻ cháu và ở riêng rất hạnh phúc.
Cụ Hoàng Thị Cháu. |
Người trong làng chắc mẩm, bà tôi sẽ kết hôn với người con trai còn lại của gia đình ấy, cho thành “đại gia đình trong hai dòng tộc”, song ông trời không gật đầu. Tôi nghe người ta nói lại, người con trai út của gia đình ấy ngỏ lời muốn lấy bà tôi làm vợ nhưng bà tôi không nhận lời. Một thời gian sau, ông ấy cưới vợ là người cùng thôn.
Sống ở vùng ven sông, ven biển nhưng dân làng tôi không ai làm nghề chài lưới mà làm đủ nghề khác như: Lao công, mộc, nề, buôn bán,... Bà tôi chuyên mua hàng thủy sản của làng quê sông nước Bảo Ninh về các vùng nông thôn bán buôn. Khi chợ gần, khi chợ xa cho cuộc mưu sinh, bước chân nặng đôi quang gánh trên vai của bà tôi đã bôn ba tận xóm thôn của huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Sau đó, bà tôi quyết định xuống chợ Cẩm Lý, cách ga Cẩm Ly về phía Nam độ vài trăm mét, lập quầy nhỏ bán hàng thủy sản (mắm, ruốc, nước mắm, cá khô) ở đây.
Trên tuyến tàu chợ Thuận Lý (Đồng Hới) - Cẩm Ly (Lệ Thủy) thời kì trước 1945, bà tôi thường được một nhân viên soát vé tàu (thuở ấy gọi là ông xu) giúp đỡ. Lâu dần thành quen, tình yêu đã nảy nở. Ông xu ấy sau là ông tôi, mặc dầu bà tôi biết rõ, ông tôi đã có vợ và 4 con ở Nghệ An.
Để khắc sâu kỉ niệm, con gái đầu của ông bà (tức cô ruột tôi) được đặt tên Cẩm Lý (Hồ Thị Cẩm Lý). Ông tôi ít khi về thăm quê bà ở Bảo Ninh, vì công việc đương chức Nhà nước của Pháp cũng khá bề bộn. Sau cô tôi, một năm sau bác tôi ra đời. Kế tiếp năm sau là đến bố tôi chào đời. Vì công chuyện buôn bán, làm ăn ở chợ xa và thương chồng nên bà tôi thường thuê người nuôi các con mình khi chỉ được vài ba tháng tuổi. Vì người giúp việc trẻ tuổi, không có kinh nghiệm, mà bác tôi bị bệnh đường ruột qua đời lúc chưa tròn 3 tuổi.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, kế tiếp là kháng chiến chống Pháp quyết liệt đã diễn ra. Đường tàu Nam Bắc của Pháp lập ra trước đó bị phá hoại, ông tôi phải về quê sinh sống với vợ đầu và 4 con tại xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Đầu năm 1955, sau 10 năm xa chồng, bà tôi quyết định mang bố tôi ra Quỳnh Lưu để chồng vợ, cha con gặp lại nhau, và đó cũng là lần đầu tiên bà tôi về thăm quê chồng.
Sau gần 3 ngày chạy xe than, ô tô chở mẹ con tôi về đến bến xe Hoàng Mai (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Từ đây bà tôi phải đi bộ hơn 10km mới có thể về Quỳnh Phương quê ông. Bố tôi lúc đó là cậu bé 9 tuổi, chạy lon ton theo nhịp bước của mẹ. Đi cùng đường, có một bà kém bà tôi khoảng 10 tuổi, gánh nước mắm vượt lên. Thấy bà tôi ăn vận quần áo của miền Trung (ngoài đó phụ nữ thời kì đó chỉ mặc váy) liền nhanh miệng bắt chuyện. Bà tôi chân thật kể lại hết về thân thế và gia đình ông tôi. Bà bán nước mắm liền dừng lại, thảng thốt:
- Trời ơi, chị không biết là chồng chị đã chết rồi à? Tội nghiệp cho mẹ con nhà chị từ Quảng Bình ra đây thăm chồng và thăm cha mà không được gặp.
Rồi chị lại thoăn thoắt vượt lên trước, vì không thể theo nhịp bước chậm chạp của một người mẹ dẫn con ở tuổi lên 9 đi bộ trên quãng đường dài. Bà tôi ngồi sụp xuống bên đường và khóc tủi. 10 năm đợi chờ, tưởng sắp gặp được nhau, giờ đã thất vọng, tiếng khóc thảm thiết bà tôi trong chiều hoàng hôn ấy ám ảnh bố tôi suốt đời.
Bà hỏi được nhà ông tôi cũng là lúc màn đêm bắt đầu ập xuống. Tối đó, gia đình phải đi vay gạo của hàng xóm để nấu cho bà tôi ăn. Bà vợ trước của ông tôi đã kể trong nước mắt: “Chỉ làm ông xu nhưng ông ấy bị quy chụp địa chủ, bị còng tay mang ra đình làng để dân làng đấu tố.
Hai ngày, ông ấy không được miếng khoai, miếng nước lại bị bắt quỳ trên tổ kiến lửa. Ông ấy đã qụy chết khi bị trói quỳ như thế. Mấy ông chú, bà cô liều lĩnh đến đưa ông đi chôn. Vội vội vàng vàng, chỉ biết quấn chăn và đào lỗ đặt xuống rồi lấp đất lại”.
Bà tôi khóc rưng rức, cả đêm dường như không ngủ. Sáng hôm sau bà tôi bảo: “Thôi, hôm may mẹ con ta trở lại Quảng Bình”. Trước khi quay lại bến xe Hoàng Mai, bà tôi ra mộ ông tôi thắp nén hương lòng. Nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt đớn đau và thất vọng của người đàn bà 44 tuổi. Chỉ vỏn vẹn sống 3 năm có chồng, vì đặc trưng của công việc làm ăn của hai người, nếu cộng lại số ngày gần gũi với nhau chỉ độ vài chục bữa.
Bà tôi trở lại Quảng Bình thì lúc này công cuộc “cải tạo công thương nghiệp” ở đô thị đang diễn ra. Bà tôi, một tiểu thương nghèo nhanh chóng vào hợp tác xã thương nghiệp, biết làm ăn chí thú, thật thà, lại đã từng đóng góp của cải cho kháng chiến trước đây nên được đưa vào danh sách những cốt cán cho công cuộc “cải tạo công thương nghiệp” ở Đồng Hới.
Một thời gian sau, biết bà tôi nấu ăn giỏi, Sở Thuế vụ, rồi Liên đoàn Lao động Quảng Bình gọi vào làm cấp dưỡng cho cơ quan. Khi chiến tranh chống Mỹ xảy ra quyết liệt, bà tôi được Công an Đồng Hới, sau đó Ty Công an Quảng Bình mời vào làm cấp dưỡng cho cơ quan. Một vinh dự lớn lao, năm 1972, từ một xã viên hợp tác xã thương nghiệp, bà tôi được công nhận là nhân viên thuộc Ty Công an Quảng Bình. Đến tuổi, cơ quan công an đã làm mọi thủ tục để bà tôi được hưởng lương hưu. Năm 1990, bà tôi qua đời ở tuổi 79, vì tuổi già sức yếu.