Chủ động các phương án sản xuất để không bị thiếu lương thực
Đời sống 14/08/2021 08:45
Chuẩn bị nguồn giống cho sản xuất
Nỗi lo về việc nguồn cung nông sản dư thừa không vận chuyển kịp thời được tới nơi tiêu thụ chưa qua, ngành nông nghiệp lại đối mặt với nỗi lo sản xuất đình trệ dẫn tới thiếu hụt nhiều loại thực phẩm thiết yếu phục vụ trong nước và xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Tình hình dịch bệnh phức tạp khiến nhiều vùng nguyên liệu tại các tỉnh phía Nam bị phong tỏa, không chỉ ảnh hưởng tới việc thu hoạch và sản xuất, mà còn khiến cây trồng không được chăm sóc tốt, ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm trong vụ tới. Trong một cuộc họp mới đây, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhấn mạnh, ngành nông nghiệp phía Nam phải vừa bảo đảm phòng chống dịch Covid-19, vừa phải duy trì và phục hồi sản xuất nhằm tránh làm “đứt gãy” các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm. Việc “đứt gãy” các chuỗi sản xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong nước cũng như xuất khẩu.
Để có chiến lược giống cho thời gian tới, sẵn sàng nguồn giống đưa vào sản xuất ngay khi nhu cầu thị trường tăng trở lại, ông Trần Thanh Nam chỉ đạo các cục, vụ thuộc Bộ NN&PTNT cần làm việc với các đơn vị cung cấp giống và nhấn mạnh: “Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung dẫn tới giá giống tăng, từ đó dẫn tới lợi ích nhóm”.
Kiểm tra tôm giống |
Theo báo cáo của các đơn vị, ở thời điểm hiện tại, nguồn cung giống các loại vật nuôi, cây trồng cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất các tháng cuối năm. Trong đó, lượng tôm bố mẹ tại các cơ sở sản xuất giống còn khoảng 55.000 con, lượng giống cá tra trong tháng 8 và tháng 9 cũng ở mức khoảng 100 triệu con. “So với diện tích cần xuống giống và số lượng giống thì không có khó khăn” - ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đánh giá.
Về giống chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định, nguồn cung giống lợn hoàn toàn đáp ứng nhu cầu sản xuất. Riêng về giống gà, hiện đang trong tình trạng dư cung do giá gia cầm xuống thấp, lượng gà tồn dư trong chuồng còn rất lớn.
Ưu tiên tháo nút thắt về đầu ra
Nguồn cung giống về cơ bản không thiếu, song hoạt động sản xuất nông nghiệp cho vụ mùa tới vẫn phải đối mặt với không ít nỗi lo, đặc biệt là khâu tổ chức tiêu thụ. Thời điểm hiện tại, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu xuống giống tôm vụ 2, nhưng việc cung ứng giống gặp nhiều khó khăn do tôm giống phải vận chuyển từ các tỉnh Nam Trung Bộ vào trong điều kiện giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, dù nguồn cung giống hiện tại đang đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhưng nếu tình trạng ách tắc hiện nay không sớm được tháo gỡ, các trại giống sẽ khó có thể cầm cự được lâu dài. Ghi nhận tại một số trại giống gia cầm ở khu vực Nam Trung Bộ, giá gà giống hiện giảm xuống mức 4.000 đồng/con nhưng vẫn không bán được. Câu chuyện người chăn nuôi ở Tây Ninh, trong đó có NCT phải đốt bỏ hàng triệu con gà giống chính là sự cảnh báo cho lo ngại kể trên.
Đối với lúa gạo, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng cho hay: “Điều đáng lo hiện nay không nằm ở nguồn cung giống lúa, mà ở chỗ người nông dân có bỏ tiền ra mua giống để sản xuất hay không”. Theo đó, một bộ phận nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có tâm lí băn khoăn, chần chừ trong tái đầu tư sản xuất.
Để người nông dân (trong đó có đến 50% là hộ nông dân NCT) đầu tư giống, thuốc bảo vệ thực vật cho vụ mới, các DN tiêu thụ cần ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của họ để họ có vốn tiếp tục tái đầu tư. Trong lúc khó khăn này, các ngân hàng cần đưa ra chính sách để họ được vay vốn, có thể cho họ được thế chấp bằng sản lượng dự kiến thu hạch của vụ tới để họ có đủ vốn đầu tư cho vụ tới với quy mô bằng và hơn vụ trước và cam kết bao tiêu sản phẩm để khắc phục tình trạng “chần chừ” của họ.
Do đó, cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự động viên vào cuộc của các cấp, các ngành để khôi phục sản xuất, không để thiếu hụt nguồn cung lương thực, thực phẩm trong các tháng cuối năm. Trong đó, việc lưu thông tiêu thụ đang là “nút thắt” lớn nhất trong toàn bộ chuỗi, giải quyết được điều này, toàn bộ chuỗi sản xuất sẽ sớm được vận hành nhịp nhàng trở lại.
Chiến dịch tiêm vắc xin cần ưu tiên tập trung cho khâu tiêu thụ trước tiên, cụ thể là hệ thống các chợ, siêu thị, cơ sở giết mổ và hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa. Việc tiêm vắc xin cho lao động tại các khâu sản xuất, cụ thể là các nhà máy, khu công nghiệp, cũng rất quan trọng, nhưng cần đặt ưu tiên cho khâu tiêu thụ lên hàng đầu. Bởi lẽ nếu sản xuất mà không có đầu ra thì khó khăn vẫn chưa thể giải quyết triệt để.