Chính sách xã hội là thách thức lớn trong bối cảnh dịch Covid-19
Đời sống 26/03/2020 08:52
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết với nhiều điểm sáng. Nghị quyết đặt ra 26 chỉ tiêu, đến nay, có 24/26 chỉ tiêu đạt và vượt, trong đó 8 chỉ tiêu về đích trước 2 năm, 16 chỉ tiêu đạt vào năm 2020.
Cả nước xác nhận được 9,2 triệu người có công, trong đó, trên 1,3 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. 99,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư địa phương.
Về chính sách việc làm, thu nhập và giảm nghèo, bình quân hằng năm giải quyết việc làm trong nước cho 1,5 - 1,6 triệu người và đưa trên 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, khoảng 2 - 2,2%, tỉ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3,5%.
Người lao động tìm hiểu thông tin về tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. |
Phát triển bảo hiểm xã hội có sự đột phá, chiếm khoảng 32% lực lượng lao động. Riêng bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2019 có thêm gần 300.000 người tham gia, đưa tổng số người tham gia lên khoảng 574.000 người, bằng 10 năm thực hiện trước đó. Đến hết năm 2019, số người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 85,3 triệu người, chiếm 90% dân số, cơ bản đã bao phủ toàn dân, vượt trước 4 năm so với mục tiêu Nghị quyết. Về chính sách trợ giúp xã hội, hiện có gần 3% dân số được hưởng trợ cấp tiền mặt hằng tháng, trong đó có 1,65 triệu NCT.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, chính sách xã hội còn chưa bao phủ hết các đối tượng, triển khai chưa đồng bộ. Ở một số nơi, một số cấp chưa quyết liệt. Vẫn còn 2 chỉ tiêu cần phấn đấu để đạt là tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và tỉ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia.
Trong bối cảnh mới, chúng ta đối diện nhiều thách thức như già hóa dân số, cuộc cách mạng 4.0, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 lây lan hiện nay, thì càng thấy thách thức lớn đối với lĩnh vực xã hội.
Nghị quyết Trung ương 5, nhấn mạnh quan điểm con người là trung tâm của quá trình phát triển, bảo đảm chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa với phát triển kinh tế. Đầu tư thực hiện chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển. Chính sách xã hội phải bảo đảm phát triển bao trùm, toàn diện, đặc biệt nâng cao chất lượng phát triển con người, tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho mọi người. Kiểm soát tốt hơn nữa phân hóa giàu nghèo, giảm bất bình đẳng xã hội, đạt bình đẳng giới, xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói cho mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm, tập trung giải quyết nhóm nghèo nhất, vùng nghèo nhất, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc. An sinh xã hội phải phát triển toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân.
Còn 3 quý nữa là hết năm 2020, cần phải cố gắng tối đa thực hiện một số nội dung chưa đạt được và nghiên cứu đề án về chính sách xã hội giai đoạn 2021 - 2030 để trình Ban Chấp hành Trung ương. Trước mắt, phát huy mọi nguồn lực chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả; hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động thất nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội. Thời điểm hiện nay, cần suy nghĩ về một gói cứu trợ quốc gia về an sinh xã hội có tính thiết thực với người lao động.