Chính quyền vi phạm, ai xử lí?
Trong mắt người già 13/11/2019 16:09
Vẫn biết chính quyền các cấp được pháp luật quy định chức năng, quyền hạn, nghĩa vụ rất rõ ràng; phải “sống và làm việc theo pháp luật”, như khẩu hiệu mà trụ sở cơ quan công quyền nào cũng treo một vài cái. Nhưng phải hỏi như trên, bởi đó là sự thật, một sự thật chua chát vẫn đang ngang nhiên tồn tại: Chính quyền vi phạm không ai xử lí (!?).
Do chính quyền vi phạm không ai xử lí nên ở địa phương nào hiện nay cũng nhan nhản những dự án “treo”. Không phải “treo” 3 hay 5 năm, mà nhiều dự án “treo” đến 10 năm, 15 năm, thậm chí có dự án hơn 20 năm rồi vẫn… “treo” (!).
Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai quy định:
“i: Đất được nhà nước giao cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp bất khả kháng”.
Pháp luật quy định rõ ràng như vậy, nhưng nhiều cấp chính quyền không chịu thực thi, nên mới có chuyện cả nước có hàng chục vạn héc-ta đất thuộc các dự án “treo” đang bị hoang phế. Nhiều nông dân không có việc làm, hằng ngày nhìn những cánh đồng một thời là “bờ xôi ruộng mật”, nay trở nên “đất cằn sỏi đá” chỉ biết ngửa mặt kêu trời (!). Trong khi đó tranh chấp đất gây khiếu kiện kéo dài; vì vài thước đất dẫn đến bao chuyện đau lòng, mất trị an xã hội, như con từ cha, vợ chồng li hôn, anh em ra tay sát hại nhau,…
Tại sao những người có trách nhiệm, có chức tước trong các cơ quan công quyền thuộc luật làu làu, biết rất rõ những giá trị của đất, mà vẫn để cho tài nguyên của quốc gia bị lãng phí vô tội vạ như vậy?!.
Không chỉ nhiều dự án bị “treo”, mà ngay khi chính quyền cũng bất chấp pháp luật, chây ì không chịu thi hành án. Như chuyện từ năm 2008, ông Lê Ân, đại diện của Ngân hàng VCSB (hiện là Hội đồng Thanh lí của VCSB) khởi kiện UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc thu hồi 20.000 m2 đất của VCSB, ở 141 (nay là 198) Bình Giã, phường 8, TP Vũng Tàu trái pháp luật. Mặc dù TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh đã xử: Hủy Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 2/2/2007 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; buộc UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải bồi hoàn cho Ngân hàng VCSB trị giá 15.776,5m2 đất theo loại sản xuất kinh doanh (Bản án hành chính phúc thẩm số 19/2015/HCPT ngày 9/3/2015). Bản án trên đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/3/2015, nhưng UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn không chấp hành, tiếp tục khiếu nại. Ngày 28/1/2019, TAND Tối cao có Thông báo số 22/TB-TA, trả lời UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Không có cơ sở để giám đốc thẩm Bản án số 19/2015/HCPT. Từ đó đến nay, ông Lê Ân liên tục có đơn yêu cầu UBND tỉnh thi hành án, nhưng UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, còn các cơ quan thi hành án dân sự chắc “sợ” chính quyền, nên vẫn “án binh bất động”, quyền lợi của các cổ đông Ngân hàng VCSB bị xâm hại một cách cực kì nghiêm trọng. Vậy pháp luật nghiêm minh ở đâu?!.
Phải chăng một số người có trách nhiệm trong các cơ quan công quyền hiện nay cho mình là “củ khoai” và xem pháp luật như “con kiến”? Cho nên mới có hàng trăm, hàng ngàn dự án “treo” vô tội vạ; mới có chuyện thích thì thi hành án, không thích thì “sống chết mặc bay”, mà không bị xử lí ?. Đó là nguyên nhân làm cho những cơ quan, những người thi hành công vụ trong các cơ quan công quyền “nhờn luật”, gây hậu quả nghiêm trọng cho công dân và cho đất nước?!