Lòng tin vào pháp đình
Trong mắt người già 22/04/2024 09:35
Pháp luật được thực thi, các hành vi phạm tội được xử lí nghiêm minh ngày càng mang lại niềm tin cho Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự vận hành của bộ máy công quyền trong đó nổi lên là hệ thống cơ quan điều tra, truy tố và xét xử. Viện kiểm sát, tòa án là hai cơ quan sau cùng xem xét, luận tội và kết án bảo đảm đúng người, đúng tội, góp phần hoàn thành một chu trình của cuộc đấu tranh loại trừ quốc nạn tham nhũng.
Đã qua một thời từng có những “án bỏ túi”, nay người dân ngày một tin tưởng hơn vào bộ máy thực thi pháp luật là tòa án các cấp. Khi người dân đã tin thì chắc chắn, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, nhất là cơ quan quản lí nhà nước càng phải đặt niềm tin vào cơ quan này và định hướng cho dư luận toàn xã hội.
Bị cáo Đỗ Hữu Ca tại phiên tòa. Ảnh: Báo CAND |
Tuy nhiên vừa qua có một việc “lạ” khiến dư luận băn khoăn. Trong phiên xét xử vụ án của Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh với một bị can về tội chạy án, một loạt cơ quan như Uỷ ban MTTQ xã Kênh Giang, Ủy ban MTTQ huyện Thủy Nguyên, Hội Luật gia, Giáo hội Phật giáo, Công an TP Hải Phòng đã có đơn gửi TAND tối cao, TAND tỉnh Quảng Ninh để xin giảm nhẹ tội cho cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca! Chưa biết tính hợp lí, hợp tình của những đơn đề nghị là thế nào nhưng một điều đã thể hiện ra là các cơ quan này chưa tin tưởng vào cơ quan hành pháp là Tòa án.
Năm 2022, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết đã xác định 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong đó có một đặc trưng nêu rõ: “Độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Việc các tổ chức, nhất là cơ quan trong bộ máy Nhà nước gửi đơn thư đề nghị trong khi vụ án đang được xét xử không có cách hiểu nào khác hơn là sự tác động vào tính độc lập của tòa án, không theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Những năm qua đã có hàng loạt cán bộ cấp cao, kể cả Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị… vi phạm pháp luật được đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh. Ai cũng biết đó là những người có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng.
Trước tòa họ đều được định lượng giữa công và tội để có một bản án vừa nghiêm minh vừa thấu tình, đạt lí nhưng cũng đầy tính nhân văn. Tuy nhiên, tất cả phải trên cơ sở tranh tụng và phán quyết tại tòa chứ không vì một lí do nào khác tác động từ bên ngoài.