Cánh tay nối dài...
Cùng suy ngẫm 10/09/2020 13:00
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản nghiêm cấm thì các trường lại “lách luật” bằng cách kí “Biên bản thỏa thuận” thông qua ban phụ huynh dưới danh nghĩa tự nguyện đóng góp. Thế nên, ban phụ huynh mới được gọi là “cánh tay nối dài” của hiệu trưởng, bởi không phải ra mặt, nhà trường vẫn thu được các khoản… muốn thu một cách êm đẹp nhờ vào sự “bài binh bố trận” của ban phụ huynh.
Đó là những ngày khai giảng, còn khi kết thúc năm học, nhất là ở các lớp cuối cấp rất nhiều câu chuyện bi hài, cười ra nước mắt, nhưng ít thấy được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chắc có lẽ niềm vui về điểm số, về thành tích học tập của con em khiến phụ huynh phấn khởi mà trở nên dễ tính hơn chăng?
Những năm con tôi học tiểu học, chẳng hiểu sao vừa bước vào lớp 1, đã có ngay một ban phụ huynh lâm thời. Mà tài thật, rõ là ban giám hiệu có con mắt tinh đời. Nhìn ban phụ huynh ai cũng có nhận xét là toàn những người… có điều kiện, vòng xích vàng đeo đầy người, mắt mũi xăm sắc lẻm, ăn nói thì cứ như ngoài chợ. Nói là lâm thời, nhưng rồi cũng chẳng có gì thay đổi. Nhiệm vụ chính của ban phụ huynh chủ yếu là đề xuất thu tiền. Đủ các loại, trong đó nhiều nhất là thu quỹ để mua quà tặng cô giáo, ban giám hiệu nhà trường không chỉ ngày 20/11 mà tuốt tuột các ngày lễ 8/3, 20/10, tết Dương lịch, tết Nguyên đán, 30/4-1/5…
Trước khi kết thúc cấp tiểu học, tại buổi họp phụ huynh cuối cùng, trưởng ban phụ huynh lên nói một thôi một hồi, ca ngợi công lao của các thầy cô giáo và nhà trường… Cuối cùng chốt lại: “Để bày tỏ lòng biết ơn, tôi đã nhận lớp mình làm một cột cờ bằng inox hoành tráng tặng nhà trường, chi phí khoảng hơn 30 triệu, tôi đóng góp 5 triệu còn các bác cùng nhau đóng nốt, được không?”. Chị ta nói xong, hầu hết các vị phụ huynh ngồi im, nhìn nhau tỏ vẻ bất bình. Tôi bèn hỏi: “Trước khi nhận làm cột cờ chị đã trao đổi với ai chưa? Ban phụ huynh chỉ là tự nguyện, không có quyền quyết định thay cho bất cứ vị phụ huynh nào ngồi đây. Đồng ý là trước khi con chúng ta ra trường cũng cần mua một món quà tặng nhà trường, nhưng món quà đó chỉ mang ý nghĩa tượng trưng với chi phí vừa phải, ví dụ như một bức tranh hoặc một bình hoa đẹp rồi ghi tên lớp, niên khóa là được. Còn cột cờ thuộc về đầu tư cơ bản cơ sở vật chất, nhà trường phải làm, kinh phí xây dựng trường năm nào các con chúng ta cũng đóng. Thế thì tại sao lại phải ủng hộ”. Được lời như cởi tấm lòng, hầu hết các phụ huynh đều đồng tình với ý kiến của tôi. Kế hoạch của ban phụ huynh giúp nhà trường “tận thu” các lớp cuối cấp bị phá sản. Nghĩ mà ngán ngẩm. Trong môi trường giáo dục mà người ta nghĩ ra trăm ngàn vạn cách để moi tiền của phụ huynh!
Vì sao năm nào câu chuyện lạm thu cũng được nhắc đến nhưng năm nào cũng “nóng”? Một lí do có thể dễ dàng nhận thấy là dù phát hiện ra việc lạm thu nhưng không ai bị xử lí nghiêm, không bị đuổi khỏi ngành, không bị truy cứu trách nhiệm… bởi họ đâu có trực tiếp thu, mọi việc đã có “cánh tay nối dài” nên dù cơ quan quản lí có ra văn bản kiểu này kiểu khác để nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng tình hình vẫn “vũ như cẩn”.