Cần xây dựng và phát huy gia đình văn hóa
Nghiên cứu - Trao đổi 11/01/2023 10:38
Quan điểm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, nền tảng để bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng xã hội bắt đầu từ gia đình, dòng họ. Trải bao thế hệ, các thành viên, gia đình góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cũng nhờ sức mạnh văn hóa dân tộc mà mỗi gia đình có thể duy trì được những giá trị tinh thần, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững, toàn diện… Đây cũng là định hướng cho sự ra đời nhiều chính sách về công tác gia đình của Đảng và Nhà nước ta.
Tháng 1/2013, Nghị định số 02 của Chính phủ quy định về công tác gia đình được ban hành, hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là “lá chắn” phòng chống bạo lực gia đình, ngăn ngừa tệ nạn xã hội (TNXH) hiệu quả. Gia đình phát triển bền vững luôn là mục tiêu mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hướng tới bằng tất cả nỗ lực và quyết tâm cao. Từ năm 2001, “Ngày Gia đình Việt Nam” 28/6 hằng năm đã để lại dấu ấn trong đời sống xã hội với các hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm tôn vinh giá trị gia đình, vun đắp cho “tế bào” xã hội thêm bền chặt. Đặc biệt năm 2013 được lấy là “Năm Gia đình Việt Nam” với chủ đề thật gần gũi, nhân văn: “Kết nối yêu thương gia đình Việt”… Có thể nói, những năm qua, gia đình luôn là vấn đề được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cá nhân dành sự quan tâm đặc biệt và đề cao trách nhiệm phải củng cố, xây dựng gia đình trở thành tổ ấm của mỗi người và tế bào lành mạnh của xã hội.
Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, sự thay đổi về quan niệm sống, điều kiện sống trong cơ chế thị trường hiện nay đã tác động tới tâm lí, nhận thức và lối sống của mỗi người khiến giá trị gia đình truyền thống dần bị phá vỡ. Sự phát triển đó là tất yếu khách quan, nhưng quan hệ gia đình vì thế cũng dần có những khoảng cách nhất định bởi sự thẩm thấu, len lỏi của sản phẩm văn hóa độc hại vào mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Khi gia đình không là tổ ấm, không là “lá chắn” bảo vệ thì các thang bậc giá trị đạo đức và đạo lí truyền thống của dân tộc sẽ bị đảo lộn, phá vỡ.
Để vừa phát triển, vừa giữ gìn sự bền chặt của tổ ấm gia đình Việt Nam rất cần sự gắn kết yêu thương từ mỗi thành viên, gia đình với cộng đồng xã hội. Vì vậy, những hoạt động giao lưu, tọa đàm, hội thảo về hạnh phúc gia đình, vai trò gia đình trong giáo dục con trẻ; các cuộc triển lãm sách thiếu nhi “Kết nối yêu thương - nâng cao tầm vóc Việt”; triển lãm tranh cổ động về đề tài gia đình… chính là những động thái tích cực tạo ra chất keo gắn kết gia đình với cộng đồng xã hội; qua đó rèn kĩ năng sống, cách ứng xử văn hóa, xây dựng mối quan hệ và tổ chức cuộc sống gia đình.
Một trong những nội dung chủ đạo mà ngành văn hóa phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể và Nhân dân thực hiện thông qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa, đó là: Tăng số hộ gia đình văn hóa, giảm số gia đình có nạn bạo lực và mắc TNXH; tuyên truyền, vận động các gia đình dành thời gian chăm sóc, dạy dỗ và tạo điều kiện cho con cháu phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức, tinh thần. Giá trị cốt lõi và tốt đẹp của gia đình Việt là nền nếp gia phong, lối sống phù hợp đạo lí truyền thống, thuần phong mĩ tục được giữ gìn, bồi đắp, phát huy. Đây là yếu tố quan trọng ngăn chặn những tác động tiêu cực nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày.
Các cuộc vận động mang tính xã hội, các phong trào xây dựng làng, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa được xem là sợi dây liên hệ và kết nối yêu thương giữa gia đình với cộng đồng, khu dân cư, giúp từng cá nhân và gia đình có những điều chỉnh phù hợp trong ứng xử. Một khi gia đình là tổ ấm văn hóa bền vững chống mọi tác động tiêu cực của TNXH, thì môi trường xã hội lành mạnh sẽ được tạo dựng trong cộng đồng dân cưn