Cần hủy bản án sơ thẩm vì có nhiều dấu hiệu sai phạm
Đơn thư bạn đọc 10/02/2022 07:55
Nhà và đất do ông Nguyễn Quang Trung đã nhận chuyển nhượng hợp pháp 12 năm, nay vẫn bị Toà án cấp sơ thẩm tuyên huỷ hợp đồng chuyển nhượng. |
Căn cứ hồ sơ vụ án và được luật sư tư vấn hướng dẫn các qui định pháp luật, ông Nguyễn Quang Trung có đơn đề nghị khẩn cấp gửi TAND tỉnh Đồng Tháp để đề nghị huỷ toàn bộ Bản án sơ thẩm số 49/2021/DS-ST ngày 6/7/2021 của TAND thành phố Cao Lãnh, vì có nhiều dấu hiệu thể hiện sai lầm nghiêm trọng trong nội dung bản án sơ thẩm mà không thể khắc phục được ở tòa án cấp phúc thẩm.
Một, Vi phạm nguyên tắc tự định đoạt của đương sự.
Trong vụ án trên, nguyên đơn là bà Lê Thu Hồng khởi kiện yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa ông Nhu, bà Cúc với bà Tuyết vô hiệu một phần (vô hiệu đối với phần đất 132m2) và yêu cầu xử lý hợp đồng vô hiệu theo hướng buộc bà Tuyết, ông Trung phải trả lại phần đất 132m2 cho bà Cúc để đảm bảo thi hành án.
Tuy nhiên, phía bà Tuyết, ông Trung không yêu cầu Toà án giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu, đồng thời nêu rõ ý kiến của mình là “Trường hợp toà án tuyên huỷ một phần hoặc toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng đất thì bà Tuyết, ông Trung sẽ khởi kiện thành một vụ án khác” để yêu cầu bà Cúc, ông Nhu hoàn trả lại số tiền đã nhận và bồi thường thiệt hại do hợp đồng vô hiệu.
Thế nhưng, thay vì dành quyền khởi kiện vụ án khác cho bà Tuyết, ông Trung theo yêu cầu của các đương sự thì bản án sơ thẩm lại buộc bà Cúc, ông Nhu phải hoàn trả lại số tiền đã nhận của bà Tuyết từ việc nhận chuyển nhượng đất ngay trong vụ án này, là vi phạm nguyên tắc tự định đoạt của đương sự theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Việc bản án sơ thẩm buộc bà Cúc, ông Nhu phải hoàn trả số tiền đã nhận ngay trong vụ án này, một mặt là vi phạm nguyên tắc tự định đoạt của đương sự, mặt khác đã tước đi quyền khởi kiện của bà Tuyết, ông Trung trong một vụ án khác về yêu cầu giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu, trong đó có yêu cầu về bồi thường thiệt hại trên cơ sở số tiền bà Cúc đã nhận từ việc chuyển nhượng đất.
Hai, xét xử vượt quá yêu cầu khởi kiện và trái quy định pháp luật về xử lý hợp đồng vô hiệu.
Theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 131 Bộ luật Dân sự về hậu quả pháp lý của hợp đồng dân sự:
Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Như vậy, khi giải quyết vụ án dân sự liên quan đến yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu, nếu đương sự có yêu cầu giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu thì toà án chỉ có thể giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu trong phạm vi quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 131 Bộ luật Dân sự hiện hành. Tức là, không được giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu ngoài phạm vi qui định của Điều 131 Bộ luật Dân sự hiện hành.
Trong vụ án này, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tuyên bố một phần hợp đồng chuyển nhượng đất vô hiệu và xử lý hợp đồng vô hiệu theo hướng buộc bà Tuyết, ông Trung phải trả lại phần đất 132m2 cho bà Cúc.
Thế nhưng, ngoài việc chấp nhận các yêu cầu nêu trên, bản án sơ thẩm còn tuyên xử “Các đương sự được đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh và đăng ký giấy chứng nhận QSDĐ” là vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự.
Mặt khác, việc đính chính hay điều chỉnh giấy chứng nhận QSDĐ (nếu pháp luật có quy định) không phải là một trong các phương thức xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự hiện hành, mà đây là quan hệ pháp luật hành chính do cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai thực hiện theo trình tự, thủ tục đã được quy định trong Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành. Vì vậy, việc bản án sơ thẩm giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, nhưng quyết định cả vấn đề điều chỉnh giấy chứng nhận QSDĐ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là trái với quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự hiện hành về hậu quả của giao dịch vô hiệu.
Ba, Vi phạm về xem xét tính hợp pháp của quyết định cá biệt.
Tại Mục 6 của phần quyết định (trang 22) bản án sơ thẩm tuyên xử: “Các đương sự được đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh và đăng ký giấy chứng nhận QSDĐ…”.
Theo tinh thần quy định tại Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thì trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, mà không phụ thuộc vào việc đương sự có yêu cầu hủy bỏ hay không.
Tại phần II Văn bản giải đáp nghiệp vụ số 02/2016/GĐ – TANDTC ngày 19/9/2016 của TAND Tối cao cũng nêu rõ: “Khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức thì Tòa án phải xem xét, đánh giá về tính hợp pháp của quyết định cá biệt đó […]”.
Như vậy, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, toà án chỉ có thể xem xét việc huỷ (hay không huỷ) một phần hoặc toàn bộ quyết định cá biệt. Ngoài ra, không có quy định pháp luật nào cho phép toà án có thẩm quyền tuyên trong bản án các hành vi liên quan đến việc “Điều chỉnh giấy chứng nhận QSDĐ”.
Việc bản án sơ thẩm tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Nhu bà Cúc với bà Tuyết vô hiệu một phần (đối với diện tích 132m2) nhưng lại không tuyên bố huỷ bỏ một phần giấy chứng nhận QSDĐ do UBND thị xã Cao Lãnh đã cấp cho bà Tuyết, ông Trung, mà lại để cho các đương sự tự yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy chứng nhận QSDĐ, là trái với quy định tại khoản 1 Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và hướng dẫn tại Văn bản giải đáp nghiệp vụ số 02/2016 của TAND Tối cao.
Việc không huỷ bỏ một phần giấy chứng nhận QSDĐ như bản án sơ thẩm đã tuyên, sẽ dẫn đến hệ quả là bản án không thể thi hành được. Vì các lẽ sau:
a) do bản án tuyên “Các đương sự được đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh và đăng ký giấy chứng nhận QSDĐ…” nên khi đương sự (là bị đơn) không có yêu cầu điều chỉnh thì cơ quan có thẩm quyền không có cơ sở để điều chỉnh lại diện tích trong giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp.
b) Luật Đất đai năm 2013 (đang có hiệu lực pháp luật) cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành chỉ quy định về thủ tục “Đính chính, thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp” (Điều 106 Luật Đất đai năm 2013). Ngoài ra, không có quy định nào về thủ tục “Điều chỉnh giấy chứng nhận QSDĐ”. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền sẽ không có căn cứ pháp luật để thực hiện hành vi “Điều chỉnh giấy chứng nhận QSDĐ” theo quyết định của bản án sơ thẩm.
Sai phạm của bản án sơ thẩm về việc không huỷ một phần giấy chứng nhận QSDĐ được xem là thuộc trường hợp “tại phiên toà phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được” và là căn cứ để huỷ án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Bởi lẽ, đây là vấn đề cấp sơ thẩm chưa xem xét giải quyết nên nếu cấp phúc thẩm khắc phục án sơ thẩm bằng cách huỷ một phần giấy chứng nhận QSDĐ thì sẽ làm mất quyền kháng cáo của các đương sự trong vụ án, đặc biệt là đối với UBND thị xã Cao Lãnh.
Bốn, vi phạm về thẩm quyền giải quyết vụ án
Trong vụ án này, bản án sơ thẩm tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa nguyên đơn và bị đơn vô hiệu một phần (đối với diện tích 132m2) nên theo quy định của pháp luật cần phải huỷ một phần giấy chứng nhận QSDĐ do UBND thị xã Cao Lãnh đã cấp cho bà Tuyết, ông Trung. Và như vậy, thẩm quyền giải quyết vụ án không thuộc TAND thị xã Cao Lãnh mà thuộc TAND tỉnh Đồng Tháp.
Việc TAND thị xã Cao Lãnh thụ lý và giải quyết vụ án là vi phạm về thẩm quyền của Toà án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Năm, sai lầm về áp dụng pháp luật.
Tại trang 9 bản án sơ thẩm ghi nhận: “ … Ngày 24/4/2007 cơ quan Thi hành án xác minh thể hiện ông Nhu, bà Cúc có diện tích đất 300m2 … và đang thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh thành phố Cao Lãnh để đảm bảo số nợ vay 100.000.000 đồng. Do ông Nhu, bà Cúc không tự nguyện thi hành án nên ngày 25/4/2007 chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế kê biên tài sản số 33/QĐTHA vào ngày 8/5/2007…”
Trong khi, tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 163/2006/NĐ – CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, quy định: “Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp và có giá trị pháp lý với người thứ ba thì Toà án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác không được kê biên tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ khác của bên bảo đảm, trừ trường hợp có quy định khác…”
Như vậy, việc Cơ quan Thi hành án ra quyết định kê biên tài sản đối với diện tích đất 132m2 (trong tổng số 300m2 đất của ông Nhu, bà Cúc) trong khi toàn bộ diện tích đất này, trước đó đã được ông Nhu, bà Cúc thế chấp hợp pháp tại ngân hàng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ, là hoàn toàn trái với quy định tại Khoản 4 Điều 4 Nghị định 163/2006 của Chính phủ.
Lẽ ra trong trường hợp này, bản án sơ thẩm phải xác định rõ, việc cơ quan Thi hành ra quyết định kê biên tài sản (trong khi tài sản đó đã thế chấp hợp pháp tại ngân hàng) là trái pháp luật. Trên cơ sở đó, bác bỏ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Thế nhưng, bản án sơ thẩm lại căn cứ Mục IV Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT – BTP – VKS của Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để cho rằng, chấp hành viên có quyền kê biên tài sản là hoàn toàn trái pháp luật. Vì quy định tại Mục IV Thông tư liên tịch số 12/2001 chỉ áp dụng đối với các trường hợp tài sản đang thuộc sở hữu của người phải thi hành án (chưa cầm cố, thế chấp để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ) và sau khi có bản án, quyết định của toà án thì họ chuyển nhượng tài sản đó cho người khác.
Trái lại, đối với các tài sản đã được thế chấp hợp pháp tại ngân hàng thì theo định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 163/2006 của Chính phủ, Cơ quan Thi hành án không được kê biên để thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào khác.
Như vậy, bản án sơ thẩm trong vụ án dân sự này có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng không thể khắc phục ở cấp xét xử phúc thẩm và áp dụng pháp luật nội dung sai lầm làm ảnh hưởng đến quyền lợi các đương sự.
Từ các lẽ trên đây, cho thấy hoàn toàn có cơ sở khi ông Nguyễn Quang Trung có đơn gửi TAND tỉnh Đồng Tháp và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp để đề nghị huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm số 49/2021/DS-ST ngày 6/7/2021 của TAND thành phố Cao Lãnh.
Trang 20 |
Bản án sơ thẩm số 49/2021/DS-ST ngày 6/7/2021 của TAND thành phố Cao Lãnh |
Đơn của ông Nguyễn Quang Trung kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm số 49/2021/DS-ST ngày 6/7/2021 của TAND thành phố Cao Lãnh |
Thông báo về việc thụ lí vụ án để xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Tháp |
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin kết quả giải quyết vụ án.