Cần có thái độ đúng mực với mô hình dưỡng lão
Nghiên cứu - Trao đổi 12/09/2020 16:22
Tuy nhiên, trong xu hướng chuyển đổi mạnh từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân, con cái sống xa cách và bận rộn hơn. Việc chung sống cùng nếp nhà nhiều thế hệ cũng có những khó khăn cho cả NCT lẫn người trẻ, phiền toái nhiều khi khó tránh khỏi…
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, xu hướng chung ở các nước phát triển là NCT thường ở các trung tâm dưỡng lão ban ngày hoặc cả tuần, cả tháng. Xu hướng này cũng sẽ ngày càng phát triển ở nước ta, cho dù vẫn còn khác biệt với văn hóa truyền thống nhưng lại phù hợp với xã hội công nghiệp hiện đại.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số (Tổng cục Dân số) cho biết, tại Việt Nam, trong những năm gần đây, việc xã hội hóa công tác chăm sóc NCT đã được tăng cường với sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân. Các viện, trung tâm, nhà điều dưỡng, dưỡng lão được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc đang gia tăng. Các cơ sở chăm sóc này chủ yếu cung cấp các dịch vụ chăm sóc dài hạn và tiện nghi sinh hoạt cho một nhóm NCT cùng sống trong một trụ sở, hoặc chia sẻ khu vực sinh sống, mặc dù họ sống tại các phòng riêng biệt.
Ảnh minh hoạ |
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Trường, chăm sóc NCT tại các trung tâm, viện dưỡng lão là một mô hình tốt với nhiều tiện ích và các điều kiện chăm sóc đa dạng. Mô hình có điểm mạnh là hầu hết các trung tâm, viện được hình thành bởi một cá nhân hoặc nhóm cán bộ đã được đào tạo và có kinh nghiệm trong việc chăm sóc, bảo đảm nguồn nhân lực có chuyên môn và chất lượng. Bên cạnh đó, mô hình này quản lí gọn nhẹ, hướng vào mục tiêu hiệu quả để đạt các tiêu chuẩn về chất lượng trong chăm sóc NCT.
Giám đốc Trung tâm chăm sóc NCT Bách Niên Thiên Đức cho biết, hiện tại, ở Trung tâm có 400 NCT sinh sống với 400 hoàn cảnh khác nhau khi vào đây, trong đó 70% NCT có bệnh lí nền. Khi ở Trung tâm, ngoài sự chăm sóc về thể chất và y tế, NCT còn được chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Những NCT tại đây cảm thấy rất hạnh phúc khi cuối đời nhận được sự quan tâm, chăm sóc phụng dưỡng như người thân trong gia đình. Không ít người đã tìm lại được niềm vui trong cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
Tuy nhiên, chi phí để được vào các trung tâm dưỡng lão ở nước ta hiện còn rất cao so với thu nhập của số đông NCT và gia đình họ. Nên có tình trạng NCT muốn được vào Trung tâm chăm sóc NCT để an hưởng tuổi già nhưng không có đủ thực lực kinh tế. Không ít NCT có tích lũy, con cái có điều kiện nhưng lại mắc định kiến coi việc vào dưỡng lão là điều tiếng, thiên hạ chê cười, con cái sợ tiếng bỏ rơi bố mẹ, bất hiếu…
Gia đình bạn tôi kinh tế khá giả, sống cùng bố mẹ già yếu, công việc bận nay đi công tác, mai lại họp xa… để bố mẹ già tự chăm nhau anh chị không yên tâm vì ông bà đều ở tuổi xưa nay hiếm, mắt mờ chân chậm. Gia đình bạn cũng tính đến giải pháp lựa chọn một trung tâm chăm sóc để yên tâm khi bố mẹ được nâng giấc, lại có bầu bạn nhưng rồi ý định bị dập tắt chỉ vì lời ra tiếng vào từ họ mạc, xóm giềng.
Bà Phạm Hồng Thắm ở Cầu Giấy, Hà Nội tâm sự, mẹ bà hơn 90 tuổi, cụ vẫn còn khỏe mạnh minh mẫn. Cụ có đủ con trai con gái, dâu, rể, cụ ông mất cách đây hơn chục năm. Bản thân bà Thắm rất muốn đưa mẹ vào Trung tâm dưỡng lão để cụ có bầu bạn và được chăm sóc sức khỏe, nhưng cũng vấp phải ý kiến phản đối của người thân trong nhà. Mặc dù để mẹ ở nhà không có người chăm nom chu toàn nhưng các con cụ đều có tâm lí “kì thị” nếu mẹ phải vào viện dưỡng lão.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần tuyên truyền để mọi người ủng hộ sự đa dạng hóa nơi ở phù hợp với gia cảnh của NCT; không kì thị bất kì một hình thức tổ chức nào, miễn ở đó NCT được chăm sóc sức khỏe và tinh thần tốt nhất, gần nhất với điều kiện sống tại gia đình. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ các trung tâm dưỡng lão để giảm chi phí cho NCT.