Cán bộ lãnh đạo phải nêu gương "văn hóa từ chức"
Nghiên cứu - Trao đổi 01/02/2023 10:26
"Văn hóa từ chức" thể hiện lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm của người đang nắm giữ trọng trách trong bộ máy lãnh đạo đối với sự nghiệp chung. Khái niệm từ chức với cách chức hoặc bãi nhiệm, miễn nhiệm do kỉ luật đều có mối liên quan, bởi có cùng một nguyên nhân là đến lúc không còn đủ tư cách, uy tín và năng lực để hoàn thành chức trách đang giao. Tuy nhiên, khi cán bộ, công chức tự giác từ chức và trở thành "Văn hóa từ chức" thì phẩm chất của người cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao có thể không hoàn toàn mất đi, mà vẫn còn, thậm chí có trường hợp còn xứng đáng hơn những cán bộ còn chức vụ trên giấy nhưng không còn trong lòng dân.
Phải xuất phát từ lợi ích chung và cán bộ, công chức nào tự giác từ chức thì mới trở thành văn hóa, còn nếu vì động cơ cá nhân, vụ lợi hoặc để trốn tránh trách nhiệm, che giấu sai phạm trước khi bị tổ chức phát hiện, xử lí kỉ luật thì đó không phải là "văn hóa từ chức". Vì vậy, văn hóa từ chức là một phẩm chất cần có cho mọi cán bộ, công chức chân chính và phải biết xây ngay từ khi mới được bổ nhiệm, đề bạt. Bất cứ cán bộ lãnh đạo nào khi nhậm chức đều nên có ý thức rõ ràng, nếu trong thời gian đảm nhiệm công vụ mà không hoàn thành nhất là để giảm sút uy tín, kể cả mất uy tín do buông lỏng quản lí giáo dục gia đình, người thân để xảy ra tiêu cực tham nhũng, gây mất lòng dân thì dù chưa đến mức kỉ luật cũng tự giác từ chức để Đảng, Nhà nước kịp thời chọn cử người thay thế, thực thi công vụ đạt hiệu quả cao hơn, tốt hơn, được lòng dân hơn...
Việc tập trung xây dựng và thực hiện "văn hóa từ chức" đang là một đòi hỏi cấp bách hiện nay của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Bởi “văn hóa từ chức” vừa là đạo lí, vừa là pháp lí; vừa rất nghiêm khắc, vừa rất nhân văn, nhân ái của công tác cán bộ, đặc biệt còn có ý nghĩa giáo dục răn đe, ngăn chặn các tệ nạn tham vọng chức quyền, tham nhũng chính trị, suy thoái tư tưởng đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Tuy nhiên, 10 năm gần đây, theo thống kê, cả nước chỉ có khoảng 3.000 cán bộ, công chức mà chủ yếu là ở các địa phương từ chức với nhiều lí do khác nhau, trong đó đại bộ phận chưa phải là tự giác từ chức theo đúng nghĩa của “văn hóa từ chức”. Thậm chí ở một số nơi còn có một số cán bộ đang bị Ủy ban Kiểm tra xem xét xử lí nghiêm khắc thì xin "từ chức" hòng để tránh phải kỉ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng và chính quyền. Điều đó cho thấy còn có những hạn chế, bất cập trong vấn đề xây dựng “văn hóa từ chức” của cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao.
Về vấn đề này, tại Hội nghị lần thứ sáu (khóa XIII) vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, quyết định để cán bộ diện Trung ương quản lí thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 "về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ" và Thông báo số 20-TB/TW ngày 8/9/2022 "về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lí sau khi bị kỉ luật", Trung ương đã nhất trí cho một số cán bộ cao cấp xin từ chức đã thực sự là một tấm gương soi cho những ai còn ảo tưởng trông vào các "kẽ hở" trong các quy định, quyết định của Đảng và Nhà nước.
Như vậy, việc tự nguyện từ chức và "văn hóa từ chức" không còn là việc hô hào, mà đã được quy định cụ thể và thực hiện nghiêm minh. Thông qua đây, Trung ương chứng minh với Nhân dân rằng "Nói phải đi đôi với làm", giúp hạn chế, khắc phục hiện tượng cán bộ bị xử lí kỉ luật song vẫn tại vị, hoặc được cất nhắc ở vị trí tương đương.... từ nay sẽ không còn. Điều đó, phản ánh đúng quy định "có đủ tiêu chuẩn thì lên, khi không còn đủ tiêu chuẩn thì xuống"; "khi có đủ uy tín thì vào, khi đã mất uy tín thì ra" trong công tác cán bộ là việc bình thường và phải được nghiêm túc thực hiện trong Đảng cũng như trong toàn hệ thống chính trị.