Cám cảnh thân già
Phóng sự 14/07/2019 15:52
Đắng lòng gia cảnh
Cụ già 81 tuổi đưa bàn tay run rẩy lau những giọt nước mắt ít ỏi còn lại trên khuôn mặt nhăn nheo, nhọc nhằn dấu ấn thời gian. Phải mất vài phút nghẹn ngào, cụ mới trở lại câu chuyện. Sinh ra trong thời buổi loạn lạc, mạng người còn mất huống chi bữa ăn. Ống gạo nấu nồi cháo to toàn nước mà ai cũng nhường nhau, dù chỉ là nửa muôi cũng đỡ đói lòng. Rồi cụ ông tham gia hoạt động cách mạng, bị địch bắn chết trong một càn. Mình cụ tần tảo vượt bao gian nan nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Khi về già, tưởng những hưởng phúc lộc của con cháu mà nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Ai dè, thằng con lớn dính nghiện ngập chết trong một lần tiêm chích do sốc thuốc. Thằng thứ hai thì làm ăn với tây ta gì đó, để rồi có cái ngôi nhà chui ra chui vào khi cuối đời nó cũng bán đi mà không nói với mẹ câu nào. Cho đến khi người ta đến nhận nhà cụ mới biết nó không còn là của mình nữa.
…Hai vị khách bước vào. Cụ già tay run run rót vào li chút nước trà ở cái ấm tích đã ngả màu, chế thêm ít nước trắng, cho viên đá vào rồi đưa cho khách. Động tác nào cũng run run. Dường như đôi tay cụ không còn làm được những việc như thần kinh trung ương điều khiển nữa.
Cụ già 81 tuổi vẫn ra đường kiếm sống |
Đó chỉ là một trong rất nhiều người già hiện đang phải bươn chải mưu sinh. Họ, không phải những người làm kinh tế giỏi, bởi không còn đủ sức khỏe và niềm vui để lao động, mà việc phải ra đường kiếm từng nghìn lẻ sống qua ngày chỉ là bần cùng bất đắc dĩ. Cụ bảo: "Không ra đây thì lấy gì mà ăn? Chúng nó còn khóa cửa nhốt trong nhà cả ngày cũng đủ buồn mà chết!".
Bạo hành thể xác
Song, đó chỉ là sự bạo hành về tâm lí, tinh thần, khiến người già lao tâm khổ tứ, ăn không ngon ngủ không yên, nghẹn đắng mà không biết kêu ai. Vì vậy, họ dễ tủi thân và xúc động khi ai đó nhắc đến hoàn cảnh của mình. Thực tế còn rất nhiều kiểu bạo hành không kém độc ác nhằm vào đối tượng yếu thế là người cao tuổi. Có người bị con cháu, người nuôi dưỡng chửi bới, thượng cẳng chân hạ cẳng tay đánh đập vô cớ, vì "ông bà là cái gai trong mắt", hay "đồ vô tích sự, ăn bám", "không làm cái gì nên hồn". Có những ông bố, bà mẹ tuổi đã gần đất xa trời bị chính thằng con dấu yêu bao năm hi sinh cả tuổi xuân nâng niu chăm bẵm, chỉ vì chút hơi men do quá chén với bạn bè mà đánh bầm dập thâm tím mặt mày. Những đứa con hư mê lô đề cờ bạc, nghiện ma túy về nhà đòi tiền bố mẹ già, không có, thế là sinh chuyện, thậm chí còn kề dao vào cổ dọa giết chết kẻ đã sinh thành, dưỡng dục mình. Rồi lục tung tủ, phá két sắt, trộm cắp. Những đứa con bất hiếu đó đã bỏ qua tất cả, đạo đức, tình cảm, nhân cách, không coi luân thường đạo lí ra gì.
Lão ông Nguyễn Văn An ở tỉnh Thanh Hóa vốn là "đệ tử lưu linh", suốt ngày bê tha say xỉn, lúc nào trong người cũng nồng nặc mùi rượu. Đã không làm ăn gì thì chớ, lại còn mặc vợ còng lưng cõng cả gánh nặng gia đình, không đỡ đần trông nom, bảo ban con cháu. Nhà vốn đã thuộc hạng bần cùng, kiếm ăn từng bữa, có đồng nào ông lại mang đi kiếm rượu, rồi ngửa cổ nốc một hơi như người ta uống nước lọc. Chẳng người phụ nữ nào chịu được ông chồng như thế. Mới có chuyện, khi ông say xỉn đổ uỵch xuống sàn, vợ còn bồi thêm cho vài cái tát. Vậy mà tát đỏ má, sưng cả mặt vẫn lè nhè những gì chẳng ai nghe rõ.
Chuyện phòng the…
Lại có những chuyện nói đến thì vô cùng nhạy cảm như quan hệ vợ chồng, phòng the chăn gối. Đến tuổi "lão làng", thường các cụ bà đã giảm hoặc mất hẳn nhu cầu sinh hoạt tình dục, trong khi các cụ ông ở mức này mức khác, vẫn khát khao, mong muốn. Thế là, khi ông gợi ý, bà từ chối không cho với lí do mệt mỏi do phải trông cháu, giúp việc các con, rồi tìm cách lảng tránh, thậm chí trốn sang nhà con. Thế là mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia. Song, có những ông lão không chấp nhận sự từ chối của vợ, sinh ra cưỡng bức chính người bao năm đầu gối tay ấp, hoặc "đi tìm của lạ" để giải quyết nhu cầu. Nhà tan cửa nát cũng từ đây.
Tạo sân chơi bổ ích để người cao tuổi sống vui, sống khỏe |
Ông Nguyễn Văn Thuy ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, đã trên 60 tuổi mà còn sung mãn, nhu cầu sinh hoạt vợ chồng không khác thanh niên. Bà Thêm vợ ông nhiều lần tránh không được phải nghiến răng chiều chồng. Bà cho biết, có những khi ông ấy đòi hỏi suốt đêm, làm bà không sao ngủ được. Việc mất ngủ triền miên kèm theo nhu cầu quá cao của ông khiến bà mất sức, mệt mỏi. Nhiều lần bà phải tìm cớ về bên ngoại để tránh. Song, ông cũng không tha. Cứ gặp bà là ông tìm cách giữ lại, cưỡng bức để thỏa mãn ham muốn của mình. Một ngày kia, bà không chịu được, làm đơn và được Tòa án dân sự xử cho li hôn, với lí do "không đáp ứng được nhu cầu quá cao của ông". Không chịu được lâu, ông đi bước nữa, và rồi, sự việc lại lặp lại với người đàn bà đã không may mắn làm vợ ông.
Bi kịch cho cả gia đình khi một trong các thành viên, nhất là những người làm cha mẹ, ông bà lẽ ra phải là tấm gương mẫu mực để con cháu noi theo, thì lại hủy hoại sức khỏe bản thân, bán rẻ nhân cách. Những điều đó làm cho cuộc sống gia đình đảo lộn, thậm chí là cãi vã, xô xát; các thành viên luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi; con cháu không yên tâm làm ăn; có khi còn gây mất trật tự trị an thôn xóm, khu dân cư.
Cần lắm sự chung tay
Theo ông Ngô Trọng Vịnh, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam: "Hiện nay, ở hầu hết các địa phương, NCT được quan tâm chăm lo cả vật chất, tinh thần, sức khỏe. Song vẫn còn một bộ phận NCT chưa được người thân, gia đình kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng đầy đủ, cá biệt có NCT còn bị con cháu, người thân ngược đãi gây bức xúc trong dư luận. Những hành động ngược đãi, bạo hành NCT cần phải bị xã hội lên án mạnh mẽ và xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật". Ông Ngô Trọng Vịnh cũng cho biết, hiện các chế tài xử lí hành vi bạo hành NCT còn thiếu, không đủ sức răn đe.
Thiết nghĩ, cần lắm sự chung tay chia sẻ, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể để thường xuyên nắm bắt thông tin, can thiệp kịp thời những hành vi bạo hành trong từng ngôi nhà, ngõ ngách trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, tổ chức nhiều sân chơi thiết thực, thu hút NCT tham gia, góp phần giảm thời gian "nhàn cư vi bất thiện", nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho NCT.