Các đồng minh của Ukraine đứng trước lựa chọn khó khăn
Đời sống 24/11/2022 12:29
Các quan chức quốc phòng hàng đầu châu Âu cho biết, tình trạng thiếu vũ khí tại các nước đồng minh phương Tây của Ukraine đang buộc họ phải có những cuộc đàm phán khó khăn về cách cân bằng sự hỗ trợ dành cho Ukraine với những lo ngại về nguy cơ chính mình trở thành mục tiêu tấn công.
Các thành viên NATO đã gửi vũ khí và thiết bị trị giá hàng tỉ USD cho Ukraine đang thảo luận về mức dự trữ vũ khí mà họ cần để đáp ứng các nghĩa vụ của mình theo hiệp ước phòng thủ chung. Các quyết định mà họ phải đối mặt có thể gây ra hậu quả đối với an ninh của chính họ và đối với Ukraine trong cuộc chiến đẩy lùi lực lượng Nga.
Chủ tịch Ủy ban quân sự của NATO, Đô đốc Rob Bauer cho biết, tình trạng căng thẳng đối với các kho dự trữ vũ khí đã xảy ra “trên diện rộng” và đặc biệt nghiêm trọng về đạn dược. Những năm trước khi viện trợ cho Ukraine, một số quốc gia duy trì kho dự trữ ở mức một nửa công suất hoặc ít hơn vì thấy ít rủi ro hoặc không thể chi nhiều hơn, và áp dụng cách tiếp cận “vừa đúng lúc, vừa đủ” đối với ngành công nghiệp quốc phòng.
Binh sĩ Ukraine nã pháo vào các vị trí của Nga gần Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 20/11/2022. |
Theo chuyên gia này, sau khi Nga chịu những tổn thất về binh lính, xe tăng và máy bay trên chiến trường Ukraine, các đồng minh của Ukraine phải thực hiện những tính toán phức tạp về khả năng và tốc độ Moskva có thể tái thiết lực lượng.
Phát biểu qua video tại Diễn đàn Halifax, Tổng thống Volodymyr Zelensky cảnh báo, không nên cho Nga nghỉ ngơi lúc này. Ông Zelenksy bác bỏ ý tưởng về một thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn với Nga. “Việc chấm dứt chiến tranh như vậy không bảo đảm hòa bình. Nga hiện đang tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn ngắn, một thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức mạnh. Một số người có thể gọi đó là sự kết thúc chiến tranh, nhưng việc tạm dừng như vậy sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”, ông Zelensky nói.
Đối với những quốc gia bị cắt giảm ngân sách quân sự nhiều lần kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, một bước ngoặt đột ngột đang diễn ra. Những thay đổi “địa chấn” đang xảy ra ở Thụy Điển, quốc gia đang đối mặt lo ngại bị Nga trả đũa sau khi xin gia nhập NATO.
Trong một cuộc phỏng vấn, chỉ huy tối cao quân đội Thụy Điển, Tướng Micael Bydén cho biết, một thách thức hầu như mọi quốc gia phương Tây đang mong muốn ngành công nghiệp quốc phòng phát triển mạnh mẽ để đáp ứng đồng thời nhu cầu quốc phòng trong nước lẫn việc hỗ trợ cho Ukraine.
Lầu Năm Góc cũng đang thảo luận với ngành công nghiệp về cách vừa tăng cường sản xuất vũ khí mới, vừa phối hợp giữa các đồng minh. Trong khi chờ đợi, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thúc ép các đồng minh phải “cung cấp thêm năng lực”.
Đó là một thách thức gay gắt đối với một số thành viên nhỏ của NATO, như Hà Lan, quốc gia thậm chí từ trước khi viện trợ hơn 800 triệu USD cho Ukraine đã chật vật để có thể đáp ứng các nghĩa vụ trong NATO. Tướng Onno Eichelsheim, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan cho biết, kho dự trữ của Hà Lan “không cao” khi gửi cho Ukraine đạn pháo 155mm và tên lửa phòng không.
Chính phủ Hà Lan và các đồng minh châu Âu khác đã thảo luận với ngành công nghiệp về kế hoạch mua sắm dài hạn để khuyến khích tăng sản lượng, cũng như cách ưu tiên giao hàng dựa trên quốc gia nào cần vũ khí nhất. Mục tiêu của họ là xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu và không phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ…