Cả đời yêu thương
Tâm sự 31/01/2024 09:10
Bố mẹ tôi phải lo mưu sinh nuôi ba chị em tôi, thời gian chăm sóc chị em tôi hơi khan hiếm, thế là từ cơm áo gạo tiền, chăm lo dạy dỗ ba chị em tôi đều trút cả lên đầu, lên vai bà ngoại. Ngoại tôi là nhà giáo nghỉ hưu, ngoại vui vẻ nói: “Cả đời ngoại tất cả vì học sinh thân yêu, bây giờ về hưu, ba cháu là ba học sinh ngoại cưng chiều nhất”. Mỗi buổi học ở trường về, ngoại kiểm tra bài học của tôi, điểm yếu trong bài học, bài làm, ngoại góp ý đến nơi, đến chốn, chỉ dẫn tôi tận tình, chu đáo, tôi ngày càng học giỏi, kết quả đó là động lực chính thôi thúc tôi phấn đấu trong học tập. Ngoại nói với tôi rằng: “Con cố gắng học tập, học thật giỏi để làm một công dân tốt, một người sống tốt, sống đẹp với mọi người và để cống hiến tốt cho xã hội”. Lời dạy của ngoại tôi ghi sâu trong dạ, trong lòng.
Ảnh minh họa |
Hằng ngày, ngoại đi chợ sớm chiều, mua thức ăn tươi ngon, tất bật lo cơm dẻo, canh ngọt phục vụ ba bữa ăn cho cả nhà. Bữa nào ngoại cũng đổi món, đổi vị, cả nhà tôi ăn ai cũng khen ngon. Ba chị em tôi, tôi là chị cả và hai em trai, cứ mỗi dịp sinh nhật, ngoại đều mua quà tặng phù hợp với sở thích của từng người.
Qua lời kể của mẹ, tôi được biết ông bà ngoại tôi kết hôn với nhau trong hoàn cảnh gia đình nghèo khó, từ hai bàn tay trắng, bà vừa đi dạy học, vừa làm ruộng để có cuộc sống ổn định. Ông ngoại tôi hiền lành, với đồng lương công chức “ba cọc ba đồng” nên cuộc sống thiếu thốn mọi bề. Vừa đi dạy học, về nhà ngoại tôi xin thêm ruộng xa, ruộng xấu thùng, vũng cấy lúa để có thêm gạo ăn, rồi đi chợ “buôn thúng bán mẹt” để có thêm tiền tiêu, rồi nuôi lợn, nuôi gà để có thêm nguồn thu nhập. Ngoại tôi thường nói: “Lao động là nguồn sống, niềm vui, niềm hạnh phúc của con người, lao động tạo ra của cải vật chất, của cải tinh thần, kĩ năng sống và góp phần nâng cao cuộc sống”. Chăm chỉ làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, cuộc sống của gia đình ổn định và khá dần lên. Ngoại tôi là một nhà giáo, nhà quản lí giáo dục giỏi. Khi còn là giáo viên dạy Văn cấp hai. Bà là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, không dừng lại ở đó, bà càng nỗ lực phấn đấu trong chuyên môn để không ngừng nâng cao trình độ, từ đó bà tiếp tục hướng dẫn nhiều đồng nghiệp trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Bà yêu học sinh như chính con cháu ruột thịt của mình, chăm chút cho học trò từ nét chữ, nét người, động viên học trò thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy. Khi ở cương vị Phó hiệu trưởng, bà coi trọng xây dựng đội ngũ giáo viên có chuyên môn giỏi, yêu nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu. Với phong trào học tập của nhà trường, bà phát động mạnh mẽ phong trào thi đua “Em làm hoa điểm 10”, “Con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt”, “Xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến”, “Làm nghìn việc tốt”...
Bà đã cùng Ban Giám hiệu xây dựng Trường THCS Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh luôn luôn đạt danh hiệu Trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, Trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2. Ở cương vị Bí thư Chi bộ, bà coi trọng xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh toàn diện, chăm lo bồi dưỡng các nhà giáo ưu tú trở thành đảng viên. Dưới sự lãnh đạo của bà, chi bộ liên tục đạt danh hiệu chi bộ trong sạch vững mạnh toàn diện.
35 năm (1975 - 2010) làm nhiệm vụ trọng trách “trồng người”, bà đã mang hết tinh thần, nghị lực của mình chăm sóc, vun trồng thế hệ tương lai của đất nước, quê hương Kinh Bắc. Nhiều học trò của bà thành đạt trở thành nhà khoa học, nhà kinh tế, nhiều người trở thành những cán bộ chủ chốt của huyện, của tỉnh. Hạnh phúc lớn nhất, nguồn lực mạnh mẽ nhất để bà vượt qua mọi gian khó chính là học sinh thân yêu, là đồng nghiệp mến yêu, động viên bà làm thật tốt trọng trách “trồng người” mà Đảng và Nhân dân giao cho. Bà thường nói: “Với tôi nghề “trồng người” tựa hồ như nghề trồng cây, muốn có hoa thơm, trái ngọt, cây cần được chăm sóc chu đáo từ nhỏ, cần uốn nắn cho thẳng, nhổ cỏ, bắt sâu… Còn việc “trồng người” thì càng hệ trọng hơn nhiều, với con người cần dạy bảo ân cần, chu đáo, phải hiểu hoàn cảnh gia đình của học sinh, tâm lí của từng em, sở trường, sở đoản (khả năng của từng em) để dạy sao cho phù hợp. Dạy các em học sinh điều cơ bản là yêu thương, gần gũi, chăm sóc các em chu đáo, không chỉ dạy chữ, mà quan trọng hơn cả là dạy đạo lí làm người”.
Bà ngoại tôi nay đã 70 tuổi, ở cái tuổi xưa nay hiếm bà vẫn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. Hằng ngày bà lo cho ba chị em tôi cơm ngon, canh ngọt, kiểm tra, hướng dẫn ba chị em tôi học hành. Tôi là cháu gái lớn, còn dạy cả nữ công gia chánh, bà dạy tôi và hai em: “Anh chị em ruột thịt thì phải yêu thương, nhường nhịn nhau. Còn với mọi người cần phải kính trên, nhường dưới, đoàn kết thương người như thể thương thân, biết giúp đỡ mọi người lúc khó khăn, khi hoạn nạn...
Ngoại tôi đã nghỉ hưu 14 năm nay (2010 - 2024) nhưng ngoại vẫn luôn được đón tiếp tấm lòng của các thế hệ đồng nghiệp, tấm lòng của các thế hệ học trò yêu quý đến thăm. Những lúc đó, nhà tôi rộn rã tiếng cười về chuyện đời, chuyện người dài lắm. Tôi được sống trong một gia đình hạnh phúc, chan chứa nghĩa tình. Ngoại tôi luôn là ngọn lửa hồng sưởi ấm và thắp sáng niềm tin cho cả nhà.