Bình Phước: Phá sản đúng luật, sao cơ quan THA im lặng, né tránh?
Đơn thư bạn đọc 14/11/2020 08:15
Trụ sở Chi cục THADS huyện Lộc Ninh |
Chi cục THADS huyện Lộc Ninh có làm trái pháp luật?
Công văn trên nêu rõ, việc THA theo Quyết định THA chủ động số 19/QĐ-CCTHADS ngày 2/10/2019 của Chi cục THADS huyện Lộc Ninh. Dấu hiệu của Chấp hành viên không chấp hành quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2 Điều 120 của Luật Phá sản năm 2014 và điểm g, khoản 2 Điều 11 của Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT ký ngày 12/6/2018 của TAND Tối cao - Viện KSND Tối cao và Bộ Tư pháp quy định phối hợp thi hành Quyết định phá sản của Tòa án.
Ngày 4/11/2020, Công ty, Tổ Quản Tài viên làm việc trực tiếp với ông Phạm Anh Ngọc, Chi Cục trưởng, Chi cục THADS huyện Lộc Ninh, là Chấp hành viên tổ chức THA đối với Quyết định THA chủ động số 19/ QĐ/CCTHADS.
Trong công văn trên, Tổ Quản Tài viên cho rằng ông Ngọc đã lợi dụng chức vụ Thủ trưởng cơ quan THADS huyện Lộc Ninh để ban hành văn bản yêu cầu Công ty Hợp danh quản lý và Thanh lý tài sản Đồng Nai, Tổ Quản Tài viên phải chuyển tiền thu được từ việc thanh lý tài sản vào một tài khoản khác của Chi cục THADS huyện Lộc Ninh mở tại Kho Bạc Nhà nước huyện Lộc Ninh (không phải là tài khoản được Chấp hành viên mở tại Ngân hàng Thương mại), theo đúng quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 120 Luật Phá sản 2014, để Chấp hành viên thực hiện thanh toán tiền cho các chủ nợ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được tiền do Công ty chuyển.
Sau khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu sai pháp luật, Chi cục Trưởng THADS huyện Lộc Ninh, Chấp hành viên Ngọc thừa nhận hành vi trái pháp luật nêu trên. Công ty, Quản tài viên đã yêu cầu ông Ngọc chuyển lại toàn bộ số tiền mà đã nhận từ Công ty, đồng thời mở tài khoản ngân hàng theo đúng quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 120 của Luật Phá sản năm 2014 để Công ty chuyển vào cho đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Ngọc không đồng ý chuyển trả lại tiền và nói Công ty không có quyền yêu cầu ông làm việc gì, mà chỉ có Cục THADS tỉnh Bình Phước mới có quyền yêu cầu ông.
Tại Công văn số 445/2020/CV/DNMC trên, cũng kiến nghị với Cục THADS tỉnh Bình Phước thanh tra, kiểm ra đối với việc mở tài khoản tại ngân hàng thương mại của Chấp hành viên dùng để thanh toán tiền cho các chủ nợ có đúng quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 120 của Luật Phá sản năm 2014 hay không? Nếu sai thì Công ty, Tổ Quản Tài viên đề nghị Cục THADS tỉnh Bình Phước chỉ đạo Chi cục THADS huyện Lộc Ninh chuyển trả lại tài khoản của Công ty số tiền mà Công ty đã chuyển; đồng thời đề nghị Cục THADS tỉnh Bình Phước chỉ đạo Chi cục THADS huyện Lộc Ninh tổ chức cưỡng chế các tài sản THA đã được bán đấu giá thành, nhưng hiện nay đang bị nhóm người (gồm ông Nguyễn Văn Mừng và ông Hà Ngọc Sơn) thuộc Công ty TNHH Cao su Trí Nguyễn chiếm giữ có dấu hiệu trái pháp luật.
Trang 1 |
Công văn số 445/2020/CV/DNMC ngày 5/11/2020, gửi Cục THADS tỉnh Bình Phước |
Cơ quan THADS không hợp tác!
Ngày 12/9/2019, TAND huyện Lộc Ninh ra Quyết định phá sản số 01/2019/QĐ-PS tuyên bố phá sản đối với Công ty TNHH Cao su Lộc An, địa chỉ tại ấp 54 xã Lộc An huyện Lộc Ninh. Theo đó, chấm dứt quyền hạn của người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Cao su Lộc An là ông Nguyễn Văn Mừng; Quản Tài viên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.
Trước khi ra Quyết định tuyên bố phá sản, ngày 4/12/2017, TAND huyện Lộc Ninh đã ra Quyết định chỉ định Công ty Hợp Danh Quản lý và Thanh lý Tài sản Đồng Nai tham gia giải quyết thủ tục phá sản của Công ty TNHH Cao su Lộc An theo Luật Phá Sản năm 2014.
Ngày 2/10/2019, ông Phạm Anh Ngọc, Chi Cục trưởng Chi cục THADS huyện Lộc Ninh ký ban hành Quyết định THA chủ động số 19/QĐ-CCTHADS, đồng thời Ngọc được phân công tổ chức thi hành Quyết định THA này. Trong quyết định THA chủ động số 19, nêu rõ: “Người phải THA (Công ty TNHH Cao su Lộc An) có trách nhiệm tự nguyện THA trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo hợp lệ quyết định này”.
Nhưng cho đến hôm nay, tròn 1 năm trôi qua, việc THA theo Luật Phá sản năm 2014 đối với Công ty TNHH Cao su Lộc An vẫn chỉ là THA trên giấy. Công ty Hợp Danh quản lý và Thanh lý tài sản Đồng Nai, Tổ Quản Tài viên gửi đơn kiến nghị “với mong muốn nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ trong việc chỉ đạo Chấp hành viên Phạm Anh Ngọc phối hợp cưỡng chế để sớm hoàn thành việc thanh lý tài sản” đến các cơ quan THADS, công an, VKSND, TAND tại tỉnh Bình Phước đều im lặng hoặc trả lời là không có thẩm quyền giải quyết.
Trong khi đó, Công văn số 3089/BTP-TCTHADS, ký ngày 9/9/2016 của Bộ Tư pháp về thi hành quyết định của Tòa án liên quan đến giải quyết phá sản quy định: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền ra quyết định THA.
Theo quy định của pháp luật, cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án, quyết định của tòa án (liên quan đến tài sản buộc thực hiện công việc hoặc chấm dứt thực hiện công việc). Theo Điều 108 của Luật Phá sản năm 2014, quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản có một số nội dung không thuộc thẩm quyền tổ chức THA của cơ quan THADS. Theo Luật Phá sản năm 2014, khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản, Quản Tài Viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản chỉ có trách nhiệm thanh lý tài sản. Do đó, quy định tại khoản 1 Điều 121, Luật Phá sản năm 2014 chỉ áp dụng khi vẫn còn tài sản của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản chưa được thanh lý hoặc chưa được thanh lý xong.
Đối chiếu với tinh thần của Công văn số 3089/BTP-TCTHADS, Công ty TNHH Cao su Lộc An được TAND huyện Lộc Ninh tuyên bố phá sản thì việc các Quản tài viên của Công ty Hợp danh Quản lý và Thanh lý tài sản Đồng Nai vào quản lý, thanh lý tài sản để trả nợ cho các chủ nợ của Công ty TNHH Cao su Lộc An là đúng quy định của pháp luật. Nhưng hơn 1 năm qua, các cơ quan THADS tỉnh Bình Phước né tránh và im lặng một cách đáng ngạc nhiên.
Liệu đằng sau việc không THA theo Luật Phá sản năm 2014 đối với Công ty TNHH Cao su Lộc An có gì khuất tất? Phá sản đúng luật, sao cơ quan THA im lặng, né tránh?