Biểu tượng Rồng và năm con Rồng
Nghiên cứu - Trao đổi 12/01/2024 15:29
Nhưng dù quan niệm Rồng là sản phẩm của văn hóa Trung Hoa hay Rồng có nguồn gốc từ văn hóa Ấn Độ; Rồng có nguồn gốc từ văn hóa Đông Nam Á hay từ văn hóa Cận đông Ai Cập - Lưỡng Hà thì đều gặp nhau ở một điểm: Rồng hoàn toàn là con vật tưởng tượng, thực tế không có mặt trong thế giới động vật.
Có thuyết khá phổ biến nói Rồng là con vật huyền thoại đầu tiên đã xuất hiện ở vùng Ðông Nam Á và khu vực ngự trị của dân tộc Bách Việt ở phía nam sông Trường Giang (tên khác là Dương Tử giang, con sông dài nhất Trung Hoa). Vùng nam Trung Hoa và Ðông Nam Á chằng chịt sông hồ, lại có lượng nước mưa nhiều nhất thế giới. Phát xuất từ sự phát triển của lúa nước, dân Bách Việt và Ðông Nam Á phát sinh ra huyền thoại về Rồng. Theo sự nghiên cứu của nhà động vật học người Nga là D.V.Deopik thì Rồng là con vật tượng trưng cho nét đặc thù của các dân tộc Bách Việt như Mân Việt, Ngô Việt, Âu Việt, Lạc Việt. Từ đó, Rồng mới xâm nhập vào nền văn hóa Trung Hoa khi Hán tộc tiếp xúc với Việt tộc tại khu vực phía Nam sông Dương Tử - nơi người nông dân vùng sông nước có nếp sống tình cảm hiền hòa nên Rồng Á Ðông như một con vật linh thiêng, hùng dũng được con người mến mộ, yêu quý và phụng thờ.
Đôi rồng đá trên thềm điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long. Ảnh Tư liệu |
Người Việt Nam xưa nay đều nhận mình là con Rồng cháu Tiên hay con Lạc cháu Hồng. Chuyện họ Hồng Bàng (鴻龐氏傳) trong sách Lĩnh Nam chích quái của danh sĩ Trần Thế Pháp thời Trần sau đó được Vũ Quỳnh, Kiều Phú thời Lê sơ nhuận chính, rồi được Ngô Sĩ Liên đưa vào chính sử Đại Việt sử ký toàn thư, chép rằng: Mẹ Tiên Âu Cơ từ trên núi xuống đã kết duyên với bố Rồng Lạc Long Quân từ dưới biển lên sinh bọc trăm trứng, nở trăm người con trai. Sau đó 50 con theo mẹ lên núi suy tôn người con trưởng lên làm vua (Hùng Vương), lập ra nước Văn Lang, còn 50 con theo cha xuống miền biển. Từ Hán Việt quen thuộc đồng bào (同胞) nghĩa gốc là cùng một bọc (trăm trứng) để chỉ người cùng một dòng giống, cùng một nước xuất phát từ sự tích này.
Dựa trên cơ sở thuyết này và các thư tịch cổ nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nguồn gốc của rồng là ở Việt Nam. Rồng tuy là sản phẩm của huyền thoại nhưng Nhân dân ta, dù đi đâu, ở đâu trên khắp trái đất này đều luôn tự hào về nguồn gốc ?con Rồng, cháu Tiên. Hình ảnh rồng luôn là một biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức người Việt xưa nay, là biểu tượng của nhất nguyên vũ trụ, hội tụ cả âm - dương, trời - đất, có ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ tới nông nghiệp lúa nước một nghề xưa nhất trên đất Việt được hình thành trên cơ sở của hai yếu tố tự nhiên khởi nguyên là đất và nước. Vì sinh sống ở vùng lãnh thổ có nhiều biển cả sông nước, Hùng Vương đã dạy con dân của mình tục xăm mình hình rồng ở ngực, bụng và hai chân để không bị các loài thủy quái xâm hại. Trong đời sống dân gian, rồng còn tượng trưng cho thần linh, mây, mưa, sấm chớp...
Nhìn từ góc độ văn hóa, rồng gợi nhiều nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nhất là trong nghệ thuật tạo hình của người Việt. Hình tượng rồng tìm thấy trong văn hóa Đông Sơn với những hình trang trí chữ S và tục thờ tứ pháp trong cung đình và đời sống dân dã. Từ thời Lý - Trần, rồng đã được đặt ở những vị trí trang trọng nhất ở các công trình nghệ thuật, như trên bệ tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích, ở tháp Chương Sơn chùa Phổ Minh.
Vì rồng là con vật được hình thành từ sự tưởng tượng theo các con vật có thực, nên trong không gian và thời gian khác nhau, rồng có các hình dạng không giống nhau. Con rồng thời Lý nằm trong luồng phong cách tạo hình rồng của các nước Đông Á cùng thời kì như Tống, Cao Ly, Đại Lý, và người ta còn cho rằng rồng thời Lý là đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình rồng Đông Á thế kỉ XI, XII.
Đầu thời Trần, rồng vẫn là những phiên bản sao chép và kế thừa phong cách rồng thời Lý. Càng về sau, hình tượng rồng càng phát triển đa dạng, nhiều hình vẻ, mỗi nơi một khác, thể hiện sự tiếp biến và giao thoa mới. Từ cuối thời Trần, con rồng đã vượt ra khỏi kiến trúc cung đình để có mặt trong các kiến trúc dân dã, không chỉ có trong điêu khắc đá và gốm mà còn xuất hiện trên điêu khắc gỗ ở các đình chùa.
Những khác biệt của con rồng thời Lê sơ so với các thời đại trước thể hiện rõ nhất ở việc thay thế cái vòi bằng mũi của loài thú ăn thịt (đến thời Mạc lại xuất hiện một số tạo tác mũi trở lại dạng vòi) cùng với cái đuôi cá. Mặt rồng trông dữ hơn, lông mày cùng bộ râu quai nón rậm, thân hình to khỏe cứng cáp kết hợp với mây lửa, thể hiện sức mạnh uy quyền của bậc đế vương với con rồng 5 móng chỉ dành cho hoàng đế.
Rồng là một trong 4 loài vật thiêng được gọi là Tứ linh tượng trưng cho sự cát tường. Tứ Linh thứ tự theo Kinh Lễ là Lân Phượng Quy Long. Quan niệm Tứ linh ở nước ta rõ nét nhất từ thời Lê sơ lại theo thứ tự là Long Ly (Lân) Quy Phượng. Rồng luôn có mặt ở vị trí xứng đáng, hình tượng rồng phổ biến trên các bia đá. Do được tạo tác trên chất liệu này nên hầu hết các hình rồng đến nay còn tương đối nguyên vẹn. Điển hình là đôi rồng đá ở Điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long, rồng đá trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc tử Giám, ở các bia lăng, mộ vua chúa nhà Lê ở Lam Kinh, Thanh Hóa.
Đến thời Lê Trung hưng rồng thay đổi hẳn. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Thân rồng lượn hai khúc lớn. Chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai con rồng chầu mặt trăng (lưỡng long chầu nguyệt), chầu hoa cúc, chầu chữ thọ...
Rồng đi vào thành ngữ, tục ngữ, ca dao và cả thi ca hiện đại đã được nhiều người đề cập. Hình ảnh rồng đa dạng trong thơ Chế Lan Viên (1920 - 1989), xuất hiện bất ngờ trong thơ Xuân Diệu (1916 - 1985) và bất lực trong thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914 - 1938) đã được Tuấn Đạt giới thiệu trên báo Công An Nhân dân Xuân Nhâm Thìn (2012). Đáng nhớ nhất là con rồng giỏi nhào lộn trong thơ Tú Mỡ - Hồ Trọng Hiếu (1900 - 1976)?
Người tuổi Rồng được xem là tràn đầy năng lượng và sức mạnh, vừa có sức quyến rũ vừa tỏa sáng, quyền lực và giàu sang. Tính cách của người tuổi Rồng nhìn chung là hướng ngoại, cứng cỏi không thỏa hiệp, sống nhiệt tình, lạc quan, có chí tiến thủ cao.