Bình Thuận: Mỗi CLB Liên thế hệ tự giúp nhau phải trở thành điển hình để nhân rộng
Đời sống 22/08/2019 10:41
Thực hiện chủ trương của Trung ương trong bối cảnh Bình Thuận chưa có kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng mô hình CLB LTHTGN nhưng căn cứ vào khả năng, điều kiện của các địa phương trong tỉnh, Ban Đại diện Hội NCT tỉnh và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chọn 4 huyện, thành phố gồm: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết, mỗi nơi chọn 1 xã, phường, thị trấn theo Kế hoạch 842/KH-UBND ngày 10/3/2017 của UBND tỉnh để xây dựng theo đề án.
Theo báo cáo các huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, thị xã La Gi, huyện Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và TP Phan Thiết, qua 3 năm (2017-8/2019) đã xây dựng và đi vào hoạt động 13 CLB LTHTGN đạt 325 % so với kế hoạch với 696 thành viên, trong đó có 480 NCT đạt tỉ lệ 137,1 %. Có 162 thành viên được vay vốn, chiếm tỷ lệ 23,27 %, tổng số tiền vay 470,6 triệu đồng, mỗi CLB có từ 8 triệu đến 164 triệu đồng…
Toàn cảnh lớp tập huấn về phương pháp của Đề án |
Các CLB LTHTGN ở các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam tổ chức từ 3-6 nhóm hoạt động gồm: Nhóm tuyên truyền vận động và giám sát; y tế chăm sóc sức khoẻ; văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao; khoa học kĩ thuật, vật nuôi, cây trồng; phát triển kinh tế, tăng thu nhập hoặc phụ trách về kinh tế (huy động vốn, cho vay, thu hồi vốn); tự giúp nhau hỗ trợ cộng đồng; bảo vệ quyền và lợi ích của thành viên; truyền thông. Câu lạc bộ LTHTGN phường Phú Trinh (TP Phan Thiết) thành lập các tổ chăm sóc sức khoẻ, tổ thể dục dưỡng sinh, tổ văn nghệ… các thành viên tham gia nhóm hoặc tổ có từ 7-16 người. Các CLB LTHTGN xây dựng quy chế hoạt động, duy trì sinh hoạt 1 lần/ tháng, Ban chủ nhiệm họp mỗi tháng. Mỗi lần sinh hoạt định kì đều tổ chức khám sức khoẻ cho các thành viên. duy trì hoạt động văn nghệ, thể dục dưỡng sinh. CLB LTHTGN xã Đức Tân (Tánh Linh) tổ chức đưa 44 thành viên đi khám tổng quát ở Bệnh viện TO Đồng Nai.
Các CLB LTHTGN hoàn toàn tự lực về nguồn vốn ban đầu và đã vận dụng thực hiện nhiều cách như: Các thành viên có điều kiện đóng góp từ 500.000 – 1.500.000 đồng, muợn tiền chân quỹ của Chi hội, vận động các doanh nghiệp cho mượn từ 3-5 triệu đồng sau 3 năm trả lại không tính lãi, có CLB góp vốn xoay vòng hằng tháng ưu tiên cho thành viên nghèo; khó khăn nhận trước. Đặc biệt ở huyện Tánh Linh lãnh đạo UBND huyện đã vận động giúp 10 triệu đồng/CLB. Lãi suất cho vay của CLB từ 0,5 – 1%/tháng, thời hạn 6 tháng đến 1 năm. Các thành viên được vay đều sử dụng đúng mục đích dùng vào chăn nuôi, sản xuất làm kinh tế gia đình bước đầu có hiệu quả.
Qua 3 năm triển khai nhiều CLB LTHTGN trên địa bàn đã biết vận dụng cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và khả năng hoạt động của tổ chức Hội thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra. Qua công tác tuyên truyền, vận động và một số kết quả bước đầu các thành viên CLB, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở đều có nhận thức chung đây là mô hình hay, nếu làm tốt sẽ phát huy được tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau của cộng đồng, cùng chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới, mọi người được bình đẳng, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được chăm sóc về sức khoẻ và vui vẻ về tinh thần.
Xây dựng và nhân rộng mô hình CLB LTHTGN ở các địa phương đã triển khai đều được cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo cụ thể và cùng chung tay vào cuộc với Hội NCT cơ sở, ngành LĐ-TB&XH triển khai thực hiện. Theo ông Đào Xuân Nay, Trưởng Ban Đại diện Hội NCT Bình Thuận: Thời gian tới, BĐD sẽ tiếp tục kiện toàn, hỗ trợ tạo điều kiện để các CLB LTHTGN thực hiện tốt 8 nội dung, hoạt động đúng thực chất theo tiêu chí, tránh hình thức. Mỗi CLB LTHTGN phải trở thành điển hình để phát triển nhân rộng tại địa phương.