Bệnh binh già vượt khó làm giàu
NCT làm kinh tế giỏi 06/06/2023 09:08
Thôn Trúc, nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều hạn chế. Để có ngôi nhà khang trang và khu vườn Thanh Long xen cây ăn quả, cây dược liệu bạt ngàn như của ông Hải là cả sự nỗ lực, tinh thần vượt khó không nhỏ.
Ông Nguyễn Đình Hải, 71 tuổi, hiện là Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông dược huyện Bá Thước. Năm 1972, sau khi tốt nghiệp cấp III, ông Hải tình nguyện nhập ngũ, trực tiếp chiến đấu tại các chiến trường miền Nam. Hoà bình lập lại, ông tiếp tục công tác trong Quân đội, cho tới năm 1991, ông nghỉ hưởng chế độ bệnh binh 2/3.
Trước đây, gia đình ông Hải cũng giống như bao gia đình thuần nông khác; chỉ thâm canh lúa, ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ nên cuộc sống hết sức khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Hải (người đội mũ) trong khu vườn thanh long của gia đình. |
Với đức tính cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất, ông Hải đã mày mò nghĩ tới việc dựa vào điều kiện đất đai để sản xuất kinh doanh mô hình vườn trại tổng hợp, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Hải cho biết: Với sản xuất nông nghiệp tập trung thâm canh 5 sào lúa hai vụ, hiệu quả rất thấp nhưng với diện tích này cùng với việc cải tạo vườn tạp, ông đã trồng trên 1,5ha thanh long ruột đỏ xen các loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao như: Mít, dổi lấy hạt, nhãn lồng, hồng xiêm, dừa xiêm, đu đủ đực lấy hoa... Dưới tán cây, ông còn trồng các loại cây dược liệu như cà gai leo, khôi nhung tía, xạ đen, ngải cứu… Ngoài ra, gia đình ông còn có hơn 1ha luồng; kết hợp nuôi ngan, gà, cùng trên 40 đàn ong...
Ở nông thôn, nhất là miền núi, nơi có diện tích đất rộng là một nguồn lực quan trọng nhưng không phải là tất cả. Muốn làm giàu, cần phải chịu khó học hỏi để tìm cây, con phù hợp. Điều quan trọng nữa là phải biết đa dạng hoá các loại cây trồng, vật nuôi vì nếu chuyên một cây, con nào đó thì khi xảy ra dịch bệnh hoặc thay đổi về thị trường, người nông dân sẽ rất khó xoay xở.
Tổng thu nhập của mô hình kinh tế tổng hợp của ông Hải lên đến trên 500 triệu đồng. Khi có chút “của ăn của để”, ông tiếp tục đầu tư mảng dịch vụ tổ chức sự kiện và dịch vụ nông nghiệp, đem lại nguồn thu trên 500 triệu đồng, nâng tổng doanh thu lên tới hơn 1 tỉ đồng/năm.
Từ mô hình kinh tế, ông đã thường xuyên tạo việc làm cho 3 lao động, với mức thu 4,5 triệu/người/tháng; giải quyết lao động thời vụ cho hàng chục người. Với tấm lòng thơm thảo, ông Hải hằng năm hỗ trợ cộng đồng bằng những việc làm thiết thực thông qua hoạt động từ thiện, khuyến học khuyến tài, với số tiền trên 5 triệu đồng. Ông cho người nghèo vay không lãi hàng trăm triệu đồng; đồng thời hỗ trợ cây con giống và hướng dẫn cách làm ăn cho người hoàn cảnh khó khăn; tương trợ giúp đỡ NCT.
Như vậy việc linh hoạt áp dụng mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình ông Hải đã thay đổi hoàn toàn. Để có kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, ông thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế khác ở những địa phương lân cận. Ngoài ra, ông còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi tự tìm tòi, nghiên cứu phương pháp chọn giống; phòng, điều trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi thông qua sách báo, truyền hình và tham gia các lớp tập huấn...
Với những nỗ lực và kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Đình Hải vinh dự được các cấp, các ngành tặng nhiều Giấy khen; hai lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; Hội NCT Việt Nam tặng Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò NCT; được công nhận gia đình ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo; NCT làm kinh tế giỏi của huyện Bá Thước.