Bản án sơ thẩm “độc nhất vô nhị” ở Bình Dương: Dài 18 trang, hơn 10.000 chữ, nhưng thiếu “một từ”, trở nên vô nghĩa (!)
Đơn thư bạn đọc 20/08/2021 18:10
Dựng hàng rào bít mặt tiền các thửa đất của bà Huê, ông Bình |
Dựng cửa rào, chắn ngang đường bê tông rộng 3m lối đi chung của người dân địa phương |
Đơn “kêu oan” của vị cán bộ hưu trí 50 năm tuổi Đảng
Kèm các tài liệu, chứng cứ và Bản án dân sự sơ thẩm số 40/2021/DS-ST ngày 4/6/2021 của TAND TP TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Hùng Dũng, sinh năm 1946, ngụ đường Bàu Bàng, phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, trình bày: Ông Dũng cán bộ về hưu, 50 năm tuổi Đảng, có con ruột là ông Nguyễn Thái Dương, con dâu là bà Lê Kim Huệ (vợ ông Dương), ngụ đường Bàu Bàng, phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, là nguyên đơn trong vụ tranh chấp lối đi, bị TAND TP. Thủ Dầu Một tuyên xử có dấu hiệu oan sai.
Hồ sơ thể hiện: Bà Lê Kim Huệ là chủ sử dụng hợp pháp thửa đất số 2240 (số mới 2300), tờ bản đồ số 57, tọa lạc khu phố 8, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CK 009100, do Sở TN&MT tỉnh Bình Dương cấp ngày 12/7/2017 cho bà Phạm Phú Mỹ Nga, cập nhật đăng ký biến động sang tên cho bà Huệ ngày 1/11/2018.
Hiện nay, bà Huệ chỉ có một lối đi duy nhất để ra vào thửa đất là con đường bê tông 3m nối liền với đường Nguyễn Thị Minh Khai. Tương tự, ông Nguyễn Thanh Bình, con trai ông Nguyễn Hùng Dũng, cũng có 3 thửa đất số 2282, 2285, 2287, liền kề với thửa đất bà Huệ, cũng sử dụng lối đi duy nhất này. Ông Bình được toà xác định là người“có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” trong vụ tranh chấp.
Ông Dũng khẳng định: Con đường bê tông 3m để ra vào khu đất là lối đi công cộng, hiện hữu suốt mấy chục năm qua, thể hiện rõ trên bản đồ địa chính chính quy. Việc này đã được lãnh đạo UBND Phú Hòa, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Dầu Một xác nhận. Sở TN&MT tỉnh Bình Dương cấp các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 4 thửa đất này cũng thể hiện có con đường bê tông rộng 3m.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện con đường bê tông 3m |
Sau khi được UBND TP Thủ Dầu Một cấp Giấy phép xây dựng, gia đình bà Huệ khởi công xây nhà vào ngày 3/9/2019, thì bị ông Nguyễn Minh Tiếp, ngụ đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Phú Hòa đứng ra ngăn cản. Không chỉ thế, ông Tiếp đã tổ chức cho nhóm người xây hàng rào lưới B40 dài hơn 15m rào chắn ngang mặt tiền của cả bốn thửa đất của hai con ông Dũng. Chưa dừng lại, ông Tiếp còn thoải mái dựng thêm cổng rào chặn ngang con đường 3m, ngang nhiên như chốn không người! Đây là hành vi lộ rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật, không chỉ “cấm cửa” các con ông Dũng ra vào khu đất mà còn thể hiện gây cản trở giao thông đường bộ rất nghiêm trọng.
Ông Dũng bức xúc: “Không biết lý do tại sao ông Tiếp làm vậy nên con tôi nhiều lần gặp ông ấy để hỏi chuyện, nhưng không có kết quả. Tôi được biết, ông Tiếp có người em ruột tên Nguyễn Văn Ân, đang là cán bộ đảng viên chủ chốt, đương chức của TP Thủ Dầu Một, cũng là người “có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” trong vụ tranh chấp. Không loại trừ, ông Tiếp dựa vào ông Ân để muốn độc chiếm con đường và cũng được toà “thương” khi ra phán quyết”.
Các cơ quan chức năng nói gì?
Ông Nguyễn Hùng Dũng trình bày tiếp: Quá bức xúc nên con dâu của ông đã nộp đơn đến UBND phường Phú Hòa đề nghị giải quyết. Ngày 3/10/2019, UBND phường Phú Hòa tổ chức buổi hòa giải lần đầu về “tranh chấp đường đi” nhưng ông Tiếp vắng mặt. Đến ngày 10/10/2019, UBND phường Phú Hòa tổ chức buổi hòa giải lần hai, ông Tiếp mới tham gia.
Ông Tiếp cho rằng, con đường là đất của ba ông để lại, các anh chị em của ông thống nhất chia đất và dành ra phần đất để làm đường đi chung. Ông là người đã tráng nhựa con đường để gia đình anh em đi. Ông không đồng ý cho bà Huệ, ông Bình đi chung trên đường này.
Ông Nguyễn Thái Dương (chồng bà Huệ) cho rằng: “Trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thể hiện rõ con đường 3m trước khi vợ chồng tôi nhận chuyển nhượng thửa đất. Nay, tôi có thiện chí muốn đi trên con đường này và hỗ trợ cho bên anh Tiếp số tiền 500 triệu đồng đã đầu tư con đường”.
Sự thiện chí của phía gia đình ông Dương không được ông Tiếp đáp lại nên hoà giải không thành. Bà Huệ khởi kiện, được TAND TP. Thủ Dầu Một thụ lý ngày 18/12/2019, giao thẩm phán Nguyễn Thị Minh Nga giải quyết vụ án.
Ngày 9/9/2020, đích thân thẩm phán Nga và thư ký đến UBND phường Phú Hòa làm việc để xác minh về “hiện trạng, nguồn gốc, việc quản lý, sử dụng đối với lối đi đang xảy ra tranh chấp giữa bà Lê Kim Huệ và ông Nguyễn Minh Tiếp”. Trong Biên bản xác minh, Chủ tịch UBND phường Phú Hòa Nguyễn Thị Kim Thuý cung cấp cho tòa án, xác định rất rõ:“Lối đi tranh chấp giữa các đương sự nêu trên là lối đi công cộng, đã được thể hiện trên bản đồ địa chính chính quy. Các hộ dân có đất tiếp giáp với lối đi khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều thể hiện lối đi này”. Và thẩm phán Nga cũng ký vào Biên bản này.
Trang 1 |
Biên bản xác minh, Chủ tịch UBND phường Phú Hòa xác định "Lối đi tranh chấp là đường đi công cộng được thể hiện trên bản đồ địa chính chính quy" |
Không chỉ lãnh đạo phường Phú Hoà xác định, ngày 11/1/2021, ông Đặng Huy Cường, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng kí đất đai TP. Thủ Dầu Một, kí Văn bản số 55/CNTDM, gửi TAND TP. Thủ Dầu Một, khẳng định: “Lối đi được thể hiện trong các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và lối đi hiện nay bà Lê Kim Huệ đang tranh chấp với ông Nguyễn Minh Tiếp được thể hiện bản vẽ (mảnh trích đo địa chính ngày 13/7/2020 của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Thủ Dầu Một) là đường bê tông 3m do UBND phường Phú Hoà quản lý theo biên bản xác minh về việc xác định các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, các tuyến cấp điện, chiếu sáng, thông tin viễn thông, cấp thoát nước, kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn) và có được thể hiện trên bản đồ địa chính chính quy”…
Trang 1 |
Trang 5 |
Văn bản số 55/CNTDM của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Dầu Một xác định: "Lối đi đang tranh chấp do UBND phường Phú Hoà quản lý". |
Bản án dài 18 trang, hơn 10.000 từ (!)
Hoàn tất hồ sơ, TAND TP. Thủ Dầu Một đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm ngày 28/5/2021. Hội đồng xét xử (HĐXX) bao gồm: Thẩm phán Nguyễn Thị Minh Nga làm chủ toạ, cùng hai Hội thẩm Nguyễn Thị Nữ và Đặng Minh Lý.
Tại phiên toà, phía nguyên đơn yêu cầu HĐXX buộc ông Tiếp tháo dỡ hàng rào lưới B40, trả lại hiện trạng lối đi chung. Phía bị đơn cho rằng đây là con đường riêng của gia đình nên yêu cầu toà không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, trình bày ý kiến: Bà Lê Kim Huệ là người quản lý sử dụng phần đất thuộc thửa số 2240 (số mới 2300). Hiện nay, quyền sử dụng đất này chỉ còn một lối đi duy nhất là đường bê tông rộng 3m. Đây là lối đi công cộng được thể hiện trên bản đồ địa chính chính quy. Vì vậy, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở, phù hợp quy định của pháp luật nên đề nghị HĐXX xem xét chấp nhận.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Thủ Dầu Một tham gia phiên tòa là Kiểm sát viên Lê Thị Thủy, nêu quan điểm về việc giải quyết vụ án: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở để chấp nhận. Đề nghị HĐXX xem xét.
Sau khi nghị án kéo dài, ngày 4/6/2021 HĐXX tuyên Bản án dân sự sơ thẩm số 40/2021/DS-ST:“Không nhận yêu cầu của nguyên đơn bà Lê Kim Huệ về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất (lối đi chung)” đối với bị đơn ông Nguyễn Minh Tiếp” (trích nguyên văn).
Theo HĐXX, mặc dù lối đi là đường bê tông rộng 3m mà các bên đang tranh chấp được thể hiện trên bản đồ địa chính chính quy năm 2000, năm 2014 nhưng có căn cứ xác định con đường này (diện tích đo đạc thực tế là 369,6m2) có nguồn gốc của gia đình bị đơn thống nhất chừa ra để anh chị em trong gia đình bị đơn sử dụng. Nên việc nguyên đơn cho rằng đây là lối đi chung (lối đi công cộng) là không có căn cứ. Hiện nay lối đi duy nhất để vào thửa đất của bà Huệ và 3 thửa đất của ông Bình là đường bê tông. Tuy nhiên, đây là lối đi do ông Tiếp chừa ra để sử dụng cho các anh chị em trong gia đình của bị đơn. Theo quy định của pháp luật và thực tế nguồn gốc của con đường thì việc nguyên đơn yêu cầu ông Tiếp trả lại lối đi chung là không có căn cứ, kể cả quyền về lối đi qua đối với con đường này theo quy định tại Điều 254 của Bộ luật Dân sự cũng không có cơ sở.
HĐXX cho rằng ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là không có căn cứ chấp nhận. Còn phát biểu của Kiểm sát viên là chưa phù hợp với nhận định của HĐXX.
Ai cũng rõ, chỉ HĐXX chưa “tỏ” (?)
Ông Nguyễn Hùng Dũng đưa ra bằng chứng để chứng minh Bản án dân sự sơ thẩm số 40/2021/DS-ST ngày 4/6/2021 của TAND TP. Thủ Dầu Một lộ rõ dấu hiệu trái pháp luật, gây oan sai, bởi 5 điểm sau đây:
Một, nguyên đơn khởi kiện tranh chấp “lối đi chung”, không có tranh chấp nội dung khác; phía bị đơn không có đơn phản tố. Thế nhưng, HĐXX xác định quan hệ trong vụ án này tranh chấp “quyền sử dụng đất (lối đi chung)” là không đúng. Cả nguyên đơn và bị đơn đều không tranh chấp quyền sử dụng đất.
Hai, con đường bê tông 3m là lối đi công cộng tồn tại từ thế kỷ trước. Chính thẩm phán Nguyễn Thị Minh Nga khẳng định con đường thể hiện trên bản đồ địa chính chính quy năm 2000, đến nay đã hơn 20 năm. Rồi cũng đích thân thẩm phán Nga đi xác minh hiện trạng con đường cũng như nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng…Từ lãnh đạo phường Phú Hòa đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đât đai TP Thủ Dầu Một đều xác định đây là con đường là lối đi công cộng, do UBND phường Phú Hòa quản lý.
Sở TN&MT tỉnh Bình Dương cũng xác định là lối đi công cộng hiện hữu trên bản đồ địa chính chính quy nên mới duyệt cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Huệ và ông Bình cùng nhiều trường hợp khác đều thể hiện rõ con đường 3m này.
Vì xác định là lối đi công cộng hiện hữu trên bản đồ địa chính chính quy nên UBND TP. Thủ Dầu Một mới duyệt cấp Giấy phép xây dựng cho căn nhà có mặt tiền hướng ra con đường bê tông 3m.
Chính quyền từ phường Phú Hoà đến TP. Thủ Dầu Một rồi Sở TN&MT tỉnh Bình Dương đều xác định rõ ràng về con đường công cộng, Cả Viện Kiểm sát cũng xác định như thế mới kết luận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở. Lạ thay, các cơ quan chức năng ai cũng rõ nhưng HĐXX lại chưa “tỏ” nên mới phán quyết oan sai.
Ba, không ai công nhận gia đình ông Tiếp là chủ sử dụng 369,6m2 đất để làm con đường 3m. Bởi phần đất lối đi chung gia đình ông Tiếp không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng và bị đơn cũng không có khiếu nại cho đến nay. Trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bị đơn (ông Tiếp) và anh em của bị đơn đều thể hiện rõ phần diện tích đất được công nhận, giáp con đường 3m do Nhà nước (UBND phường Phú Hoà) quản lý.
Do không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng 369,6m2 đất làm lối đi chung nên ông Tiếp không có quyền định đoạt đối với con đường này. Việc ông Tiếp dựng rào bít đường công cộng, chắn ngang đất của nguyên đơn đã ngăn chặn việc đi lại của bà Huệ, ông Bình và người dân có nhu cầu; ngăn chặn, gây cản trở giao thông đường bộ. Hành vi này là thể hiện trái quy định pháp luật nhưng ông Tiếp lại được HĐXX “thương” nên không buộc tháo dỡ, mà cho giữ nguyên (!)
Bốn, với hàng loạt văn bản xác định của các cơ quan chức năng, nguyên đơn và ông Bình có quyền sử dụng con đường rộng 3m, bởi vì đây là lối đi công cộng, đã tồn tại từ lâu, thể hiện trên bản đồ địa chính chính quy năm 2000; và không thuộc quyền sử dụng riêng của ông Tiếp. HĐXX bác đơn của nguyên đơn là hoàn toàn không có căn cứ. Chưa hết, HĐXX “thương” bị đơn, biến con đường giao thông công cộng thành đường riêng của ông Tiếp nhưng không xem xét đối với bốn thửa đất “bít bùng” của bà Huệ và ông Bình là không đúng quy định pháp luật.
Năm, Bản án dân sự sơ thẩm số 40/2021/DS-ST ngày 4/6/2021 do thẩm phán Nguyễn Thị Minh Nga ký tên, đóng dấu dài đến 18 trang, với 10.114 từ (!). Tuy nhiên, tại phần Quyết định của Bản án, HĐXX tuyên“Không nhận yêu cầu của nguyên đơn…”, thiếu mất từ “chấp” quan trọng nhất (chính xác phải là “Không chấp nhận…”). Do HĐXX tuyên thiếu từ “chấp” khiến cho phần Quyết định của bản án trở nên mù mờ và nguyên đơn cũng không rõ kết quả xét xử như thế nào! Thẩm phán là người được Đảng và Nhà nước giao quyền cầm cân nảy mực, “Nhân danh Nước cộng hoà XHCN,…”, kết quả phán xét như thế này có thể gây ảnh hưởng, làm liên luỵ đến một cá nhân, hay cả gia đình, dòng họ, nên không thể chấp nhận việc xét xử thiếu khách quan, ra bản án sai sót dù là nhỏ nhất.
Bản án tuyên thiếu từ "chấp", khiến cho phần Quyết định của bản án trở nên mù mờ và nguyên đơn cũng không rõ kết quả xét xử như thế nào! |
Tạp chí điện tử Ngày mới trân trọng chuyển những bức xúc của ông Nguyễn Hùng Dũng đến lãnh đạo TAND tỉnh Bình Dương để xem xét và có phán quyết khách quan trong phiên toà phúc thẩm sắp tới.