Bản án sai pháp luật, không tôn trọng sự thật khách quan (Kì 1)
Pháp luật - Bạn đọc 16/10/2021 08:04
Nội dung vụ kiện
Trong vụ kiện này, nguyên đơn có 6 người gồm: bà Nguyễn Thị Khắc, ông Nguyễn Văn Phương, bà Nguyễn Thị Nội, bà Nguyễn Thị Sen, bà Nguyễn Thị Xén, bà Nguyễn Thị Đóa, đều là anh, chị, em với liệt sĩ Nguyễn Văn Huê. Bị đơn là bà Mai Thị Thế, vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Huê. Theo đơn khởi kiện và nguyên đơn trình bày tại Tòa, cụ Nguyễn Văn Phượng và cụ Lê Thị Khương có 7 người con. Hai cụ có 2 thửa đất sử dụng để ở và trồng rau, cây ăn quả, trong đó có thửa đất đang tranh chấp mang số 24a, tờ bản đồ số 1, diện tích 321m2. Năm 1970, cụ Phượng, cụ Khương cùng các con làm nhà cấp 4, tường đá ong trên diện tích 321m2 đất. Đến năm 1972 – 1973, khi biết tin ông Huê hi sinh, bà Thế xin ra ở riêng, các cụ đồng ý cho bà Thế ở trên diện tích 321m2 đất này. Do bà Thế và liệt sĩ Huê không có con chung, nên bà nhận cháu ruột của mình là anh Nguyễn Văn Huy làm con nuôi. Bà Thế và anh Huy sinh sống tại thửa đất số 24a đến khi ra ở nhà đất khác, ngay cạnh thửa đất số 24a. Căn nhà trên thửa đất số 24a dột nát, xuống cấp nhưng không được sửa chữa, cũng không thờ cúng liệt sĩ tại nhà, đất này nữa.
Năm 2002, gia đình nguyên đơn đặt vấn đề sửa chữa nhà làm nơi thờ cúng liệt sĩ Huê cho khang trang, nhưng bà Thế, anh Huy không đồng ý. Năm 2019 thì bà Thế, anh Huy tự ý phá dỡ nhà của cụ Phượng, cụ Khương để lại, mà không được sự đồng ý của gia đình nguyên đơn. Do đó, nguyên đơn khởi kiện, yêu cầu bà Thế, anh Huy trả lại toàn bộ thửa đất số 24a, do đây là di sản thừa kế của cụ Phượng, cụ Khương, đồng thời yêu cầu bà Thế bồi thường 100 triệu đồng giá trị ngôi nhà cấp 4, bị bà Thế, anh Huy phá bỏ; yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mang tên bà Thế, cấp ngày 22/7/2002 và sổ đỏ mang tên anh Huy, cấp ngày 26/4/2016.
Bị đơn, bà Mai Thị Thế trình bày: Trước khi bà về làm dâu, Diện tích thửa đất số 24a của nhà chồng bà, là loại đất vườn, nhưng để hoang không trồng trọt gì. Do đó, năm 1969 Nhà nước quản lí diện tích đất này. Bà làm đơn gửi HTX xin quản lí, sử dụng và được HTX đồng ý. Năm 1970 bố mẹ chồng bà làm gian nhà trên đất, năm 1971 cho gia đình bà ra ở riêng tại căn nhà làm trên thửa đất số 24a. Bà ở, sử dụng thửa đất này từ đó đến năm 2002 thì được Nhà nước cấp sổ đỏ mang tên bà, đến năm 2016 bà làm thủ tục cho tặng con nuôi là anh Nguyễn Văn Huy. Bà Thế cũng cho biết, bà nhận anh Huy làm con nuôi khi anh mới 6 tuổi, gia đình cụ Phượng, cụ Khương cũng biết và thừa nhận.
Bà Mai Thị Thế (bên trái) tỏ ra rất buồn với phán quyết của Tòa án |
Đầu năm 2019, bà và anh Huy tháo dỡ nhà cũ để làm nhà mới cho khang trang, làm nơi thờ cúng liệt sĩ. Thế nhưng anh Nguyễn Văn Lưỡng (con trai ông Nguyễn Văn Phương) ngăn cản, không cho làm. Do đó, hiện trên thửa đất không còn công trình kiến trúc gì, chỉ còn lại phần đốc nhà làm năm 1971 đang bị phá dỡ, cùng một đoạn tường bao đang xây dựng dở, thì chính quyền xã yêu cầu dừng lại. Quan điểm của bà, thửa đất số 24a ban đầu của gia đình cụ Phượng, cụ Khương, nhưng sau đó Nhà nước quản lí và bà đã xin, được HTX đồng ý cấp. Bà không có yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Nguyễn Văn Huê (liệt sĩ).
TAND TP Hà Nội thụ lí, xét xử vụ án này là trái pháp luật
Vụ kiện được TAND TP Hà Nội thụ lí, xét xử ra Bản án số 70/2020/DS-ST ngày 28/9/2020, tại phần trích yếu xác định: “Đòi lại di sản thừa kế là quyền sử dụng đất; hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Ở đây cần giải quyết 2 quan hệ pháp luật, một là giải quyết tranh chấp thửa đất số 24a, hai là yêu cầu hủy quyết định hành chính cá biệt trong vụ án dân sự (sổ đỏ). Bản án số 70/2020/DS-ST nhận định, nguyên đơn yêu cầu hủy sổ đỏ, do UBND huyện Chương Mỹ cấp, nên TAND huyện Chương Mỹ chuyển hồ sơ cho TAND TP Hà Nội thụ lí giải quyết, là đúng thẩm quyền, theo quy định tại Điều 32 Luật Tố tụng hành chính.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho anh Nguyễn Văn Huy |
Việc Tòa thụ lí giải quyết vụ kiện được xác định “Đòi lại di sản thừa kế”, cũng có dấu hiệu không đúng pháp luật. Tài liệu có trong hồ sơ cho thấy, cụ Khương mất năm 1992, cụ Phượng mất năm 2001. Theo quy định của pháp luật về dân sự, kể từ khi người có di sản thừa kế mất, cũng là lúc thừa kế mở. Ở đây cứ cho rằng, thửa đất số 24a là của cụ Khương, cụ Phượng, thì phần di sản thừa kế của cụ Khương bắt đầu mở năm 1992, di sản thừa kế của cụ Phượng mở năm 2001. Việc mở thừa kế này đều trước năm 2005, hơn nữa thời điểm bà Thế bắt đầu sử dụng đất cũng diễn ra trước năm 2005. Như vậy, cần phải áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Đất đai năm 1993 để xem xét vụ án.Tuy nhiên phải xác định, sổ đỏ (quyết định cá biệt), mà nguyên đơn yêu cầu hủy, có “rõ ràng trái pháp luật” hay không? Nếu có căn cứ quyết định cá biệt này “rõ ràng trái pháp luật”, thì thẩm quyền thụ lí giải quyết của TAND TP Hà Nội là đúng; nhưng nếu không “rõ ràng trái pháp luật”, mà TAND TP Hà Nội vẫn thụ lí giải quyết, là không đúng thẩm quyền. Trong vụ án này, không có căn cứ nào xác định sổ đỏ số U 295104, do UBND huyện Chương Mỹ cấp cho hộ bà Mai Thị Thế là trái pháp luật. Bản án sơ thẩm số 70/2020/DS-ST của TAND TP Hà Nội cũng không xác định được, việc chính quyền huyện Chương Mỹ cấp sổ đỏ cho bà Mai Thị Thế, trái pháp luật ở chỗ nào. Do đó, việc TAND TP Hà Nội thụ lí giải quyết vụ án này, chưa chứng minh được có đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật hay không!?
Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2005 về thời hiệu khởi kiện về thừa kế quy định: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình, hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế…”. Thời điểm mở thừa kế phần cụ Lê Thị Khương là năm 1992, thời điểm mở thừa kế phần cụ Nguyễn Văn Phượng là năm 2001, năm 2019 các ông, bà: Khắc, Phương, Nội, Sen, Xén, Đóa mới khởi kiện đòi chia di sản thừa kế, là hết thời hiệu rất lâu theo quy định của pháp luật (quá thời hiệu với phần cụ Khương 17 năm, với phần cụ Phượng là 8 năm). Như vậy, theo quy định của pháp luật, các nguyên đơn này không còn quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà Mai Thị Thế |
Mặt khác, theo quy định của pháp luật về dân sự, việc bà Mai Thị Thế sử dụng thửa đất số 24a, tờ bản đồ số 1, phải được xác định nằm trong trường hợp “chiếm hữu ngay tình”, quy định tại Khoản 1, Điều 247 Bộ luật Dân sự năm 2005, về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn… ba mươi năm đối với bất động sản, thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu…”. Bà Mai Thị Thế sử dụng thửa đất 24a từ năm 1971, đến thời điểm các nguyên đơn khởi kiện năm 2019, tính ra liên tục trong 48 năm, mà không ai tranh chấp. Do đó, theo quy định này của pháp luật dân sự, bà Mai Thị Thế phải được coi là chủ sử dụng hợp pháp thửa đất số 24a, tờ bản đồ số 1, diện tích 321m2.
Còn nữa
Huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội: Cần làm rõ bãi xe không phép được xây dựng trên đất của Trung tâm giống cây trồng Xuân Mai |