Bà tôi như áng mây trôi
Tâm sự 25/01/2024 15:28
Năm đó, anh trai tôi học xong khoa Văn Đại học Tổng hợp nhưng chưa đi làm. Cha tôi không dám nhận thêm ruộng khoán để làm, vì không biết chắc anh tôi sẽ đi làm vào khi nào, nếu nhận, anh tôi đi rồi thì làm không nổi. Thưở đó, làm một sào ruộng mất rất nhiều công sức. Từ cày cấy, làm cỏ bỏ phân, lấy nước đến khâu thu hoạch đều làm bằng thủ công. Trâu cày thì thiếu, mạ để cấy lúa thì rất tốn và phải nhổ, rũ sạch bùn rồi bó lại rất mất công. Anh em tôi mới hơn mười tuổi đã phải đi nhổ mạ cho mẹ và chị gái cấy. Còn mùa gặt thì trục lúa, phơi rơm, bứt rạ. Chỉ cày bừa là chưa làm.
Nhà tôi nuôi một con trâu và làm năm sào ruộng. Cha tôi làm Trưởng trạm y tế xã và giúp mẹ làm năm sào ruộng nhưng vì làm “tay trái” nên năng suất lao động không cao.
Ảnh minh họa |
Mẹ tôi lại đau yếu liên miên nên bà nội tôi giúp mẹ quán xuyến việc nhà. Tuy đã cao tuổi nhưng bà tôi được trời phú cho sức khoẻ và trí tuệ rất minh mẫn. Mỗi mùa giáp hạt, nhìn đàn con cháu ăn, bà nội tôi không nỡ để các con cháu đói nên bà thường ăn sau. Mặc cho chúng tôi giục bà cùng ăn nhưng bà vẫn nhất quyết ăn sau. Bà nội tôi vẫn vui vẻ với phần cơm còn lại có khi vì đói quá mà chúng tôi sơ ý làm vơi đi phần còn lại của bà.
Rồi năm tháng khó khăn cũng qua. Anh tôi đi làm và mỗi dịp tết, đến Xuân về, anh lại gửi tiền và quà về cho cả nhà. Gia đình tôi bắt đầu khởi sắc.
Nhưng thói quen nhường nhịn của bà nội tôi vẫn không thay đổi. Bà tôi vẫn tằn tiện, nhịn ăn nhịn mặc vì con cháu. Cha tôi thương mẹ, luôn động viên mẹ và trong đời tôi, chưa bao giờ tôi nghe cha tôi có một lời lẽ hay hành động nào bất kính với bà. Cha tôi luôn lễ phép và ần cần với bà nội tôi.
Trong làng, bà nội tôi được nhiều người vị nể. Tôi nhớ, thầy giáo Khả dạy Văn cấp III có chuyện buồn gia đình mà không biết chia sẻ cùng ai. Thầy gặp và nhờ bà gỡ rối. Bà tôi nói thế nào đó mà vợ chồng thầy vượt qua sóng gió khi nguy cơ chia tay đã rất cao.
Rồi chuyện cô Quyên, giáo viên cấp I, chồng cô là công nhân đường sắt, có vợ bé nên hắt hủi vợ con. Để giữ chồng cho các con khỏi khổ, cô Quyên thường xuống nhà tôi tìm kiếm sự ủng hộ. Và bà nội tôi đã giúp cô rất nhiều trong việc tránh cho cô đổ vỡ gia đình. Chồng cô Quyên sau đó hối cải và quay về chăm lo vợ con.
Ông nội tôi mất sớm nên bà tôi phải làm việc cật lực từ trẻ cho tới già. Khi trẻ, bà là cô nuôi dạy trẻ. Hằng ngày, bà làm ở nhà trẻ của hợp tác xã, đêm về, bà dần gạo, sàng sảy rồi nấu rượu bán cho người làng. Những chai rượu bà nấu không lời lãi được nhiều nhưng cũng góp phần cho bữa ăn và chiếc áo, manh quần của chúng tôi tươm tất hơn.
Rồi năm tháng trôi nhanh. Chúng tôi đến tuổi trưởng thành. Bà lại ngóng trông đàn các cháu trở về. Bà lo cho chúng tôi như ngày chúng tôi còn thơ bé. Anh trai tôi là nhà báo. Khi giữ cương vị lãnh đạo một cơ quan báo chí nhưng anh vẫn nhỏ bé trước bà nội. Mỗi lần về với bà, anh tôi vẫn dành tình cảm trân trọng và yêu quý bà như một cậu học trò ngoan với cô giáo hiền.
Rồi bà tôi khuất núi. Tôi hụt hẩng và buồn đau một thời gian mới lấy lại được cân bằng. Tôi lên chùa, nơi bà tôi vẫn thường đến khi còn sống để tìm lại hình bóng bà. Trong mơ tôi vẫn thường gặp bà. Ở nơi xa, bóng bà vẫn như ánh trăng sao dẫn dắt đời tôi, bà vẫn như áng mây che mát cuộc đời tôi dù bà đang ở nơi nào.