“Bà chúa nấm Việt Nam” hết lòng vì cộng đồng
NCT làm kinh tế giỏi 14/11/2023 13:24
Làm giàu chân chính từ cây nấm
PGS. TS. Nguyễn Thị Chính, sinh năm 1947, tại một vùng quê thuần nông của huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Bà nguyên là Phó Chủ nhiệm bộ môn Vi sinh, khoa Sinh học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Từ năm 2019 - 2021, bà trở thành Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô, phụ trách Hội đồng Khoa học và Khoa Y dược của trường.
Năm 1973, PGS. TS. Nguyễn Thị Chính đã mang các chủng nấm năng suất nhất ở châu Âu về trồng ở Việt Nam và được Tiệp Khắc (cũ) cấp “Bằng sáng chế” về Công nghệ sản xuất nấm sò trên rơm không cần khử trùng nguyên liệu cho năng suất cao. Trong quá trình nghiên cứu, PGS. TS. Nguyễn Thị Chính “bén duyên” với cây nấm và từ đó, tên tuổi của bà cũng gắn với loại cây trồng hữu ích này.
Từ phòng thí nghiệm vỏn vẹn 15m2 tại nhà, PGS. TS. Nguyễn Thị Chính đã trở thành người đầu tiên sản xuất thành công sinh khối nấm linh chi dạng sợi, có khả năng làm tan u tới 87,06%, khả năng khử gốc tự do đạt 59,9% với liều 217µg/ml, nấm búp đạt 76,7 % (Đề tài hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc theo nghị định thư Chính phủ, năm 2003). Đồng thời, bà cũng là người đưa ra công nghệ thu bào tử nấm linh chi cho năng suất cao, chỉ với 5 - 10kg nấm linh chi tươi đã thu được 1kg bào tử nấm. Đặc biệt loại bào tử này tốt gấp 75 lần so với quả thể nấm linh chi; giá trị kinh tế của bào tử nấm cũng cao gấp khoảng 10 lần so với quả thể.
Bà Chính cho biết: “Hoạt chất sinh học có trong nấm dược liệu vô cùng quý. Nấm dược liệu cung cấp những yếu tố cần thiết cho cơ thể, phục hồi trí tuệ, tăng khả năng miễn dịch và giúp hỗ trợ điều trị một số bệnh. Ví như: Nấm linh chi chứa 119 chất và các dẫn xuất khác. Còn nấm vân chi có khả năng chống ung thư tới 77,5%; với cơ chế tăng hệ miễn dịch, “thu dọn” các gốc tự do mà cơ thể sinh ra trong quá trình trao đổi chất, ngăn ngừa ung thư, có thể trung hòa chất độc rất tốt, kể cả điôxin...”.
Hiện PGS. TS. Nguyễn Thị Chính đã xây dựng trang trại 15.000m2 sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu ứng dụng công nghệ cao tại xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Trang trại chuyên trồng và nhân giống nhiều loại nấm quý như nấm linh chi, nấm vân chi, đông trùng hạ thảo, nấm đồng tiền... mang lại giá trị kinh tế cao. Các loại nấm dược liệu này đều trở thành nguyên liệu để PGS. TS. Nguyễn Thị Chính cùng các cộng sự sản xuất ra nhiều sản phẩm có công dụng hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh nan y, như ung thư, tiểu đường, viêm gan B,...
Trong những năm gần đây, PGS.TS. Nguyễn Thị Chính đã tổ chức các buổi tham quan trang trại miễn phí đồng thời chuyển giao kĩ thuật và công nghệ trồng nấm cho người dân, trong đó có NCT. Từ đó, bà đã hỗ trợ rất nhiều hộ gia đình xây dựng mô hình sử dụng phế phẩm trong công, nông và lâm nghiệp để trồng nấm ăn và nấm dược liệu, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và xóa đói giảm nghèo cho bà con.
Năm 2001, bà thành lập Công ty TNHH Nấm linh chi và trở thành một trong những đơn vị tiên phong nuôi trồng nấm linh chi tại Việt Nam. Đến nay, công ty của bà có gần 30 sản phẩm chiết xuất từ nấm linh chi dạng quả thể, bột sinh khối sợi, viên nang cứng, viên nang, nước uống... để phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, tổng doanh thu bán hàng của Công ty TNHH Nấm linh chi đạt gần 75 tỉ đồng, trong đó riêng 5 tháng đầu năm 2023, doanh thu đạt hơn 10,1 tỉ đồng.
Đầu tháng 11/2022, sản phẩm Beta Glucan Gold của Công ty TNHH Nấm linh chi đã được tặng giải thưởng Công nghiệp thực phẩm toàn cầu lần thứ 21 tổ chức tại Singapore với 70 nước và 1.500 nhà khoa học trên khắp thế giới tham dự. Sản phẩm có tác dụng hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 và chống tế bào ung thư biểu mô cổ tử cung Hep - 2C. Nghiên cứu cho thấy, sau 3 ngày thử nghiệm các nồng độ khác nhau của Beta glucan và 2 mẫu khác có chứa Beta glucan (hoạt chất sinh học có trong nấm dược liệu và có khả năng đáp ứng sinh học tăng hệ miễn dịch cho cơ thể), tế bào ung thư cổ tử cung của 3 mẫu thí nghiệm bị co cụm và chết 100% so với đối chứng. Điều này mở ra giá trị khoa học không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới, đây là tin vui đặc biệt cho các bệnh nhân ung thư.
PGS. TS. Nguyễn Thị Chính trong phòng thí nghiệm nuôi cấy nấm |
Nỗ lực đóng góp cho cộng đồng
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với cây nấm, PGS. TS. Nguyễn Thị Chính nhớ lại: “Những năm 1980, đời sống người dân cả nước vẫn còn khó khăn, thực phẩm, rau xanh không đủ. Giá trị dinh dưỡng trong bữa ăn của các gia đình rất nghèo nàn, nhưng người Việt ở thành phố cũng như nông thôn chưa có thói quen ăn nấm thay rau, trong khi nấm ăn có giá trị dinh dưỡng cao hơn. Tôi cùng các đồng nghiệp bỏ nhiều công sức để nghiên cứu, thử nghiệm nuôi và thu hoạch được nhiều giống nấm có giá trị dinh dưỡng cao nhưng đem biếu người ta cũng không lấy, có hôm phải bỏ đi tiếc đứt ruột”. Xuất phát từ niềm trăn trở đa dạng khẩu phần dinh dưỡng trong bữa cơm cho cộng đồng, đến nay, sau hơn 50 năm nuôi trồng, nghiên cứu về nấm, bà ngày càng thấy nấm có nhiều hoạt chất tốt, phù hợp làm thực phẩm và cả chữa bệnh, nên càng say mê nghiên cứu.
Không chỉ nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh giỏi, PGS. TS. Nguyễn Thị Chính còn là nữ doanh nhân có tấm lòng nhân ái. Trong giai đoạn Hà Nội và cả nước đang phải gồng mình chống dịch Covid-19, khi biết tin có bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mắc virus SARS-CoV-2, bà đã gửi tặng bệnh viện hơn 1.000 hộp nấm các loại trị giá 150 triệu đồng; tặng 100 suất quà từ nấm cho NCT từ 65 tuổi trở lên. Bà cũng tích cực ủnng hộ, tham gia đóng góp các hoạt động xã hội, cho các chương trình từ thiện với tổng kinh phí tài trợ khoảng hơn 1,2 tỉ đồng.
Đến nay, PGS. TS. Nguyễn Thị Chính vẫn say mê nghiên cứu và phát triển nhiều dòng sản phẩm từ cây nấm. Bà trở thành tấm gương tiêu tiểu trong phong trào NCT làm kinh tế giỏi, đồng thời tạo việc làm cho hàng chục lao động tại Hà Nội và một số tỉnh, thành khác.
Với sự nỗ lực của mình, năm 2018, PGS. TS. Nguyễn Thị Chính vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm 2022, bà được Trung ương Hội NCT Việt Nam trao tặng Kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò NCT Việt Nam”. Khi nhắc về PGS. TS. Nguyễn Thị Chính, nhiều bạn bè đồng nghiệp thường yêu mến gọi bà là “Bà chúa nấm” hay “Nữ hoàng nấm”. Danh xưng cao quý này không chỉ là sự trân trọng, mà còn ghi nhận những nỗ lực đóng góp của bà đã dành cho sự nghiệp nghiên cứu và phát triển cây nấm.