“Ăn bẩn”
Trong mắt người già 15/11/2019 10:21
Hai ví dụ trên chỉ là “hạt cát” trong cái “núi” ăn bẩn của viên chức nhà nước thời nay. Đáng tiếc là những cảnh “ăn bẩn” tương tự ngày càng trở nên phổ biến như một thứ dịch lây lan đến chóng mặt.
Lâu nay, Đảng ta chủ trương đấu tranh phòng chống tham nhũng nhằm làm trong sạch bộ máy trong hệ thống chính trị để phục vụ Nhân dân tốt hơn. Những hành vi tham ô, lãng phí nếu bị phát hiện nhẹ thì kỉ luật, nặng thì xử lí hình sự và đương nhiên đều bị xã hội lên án, khinh rẻ.
Nhưng ở những vụ việc có tính chất xấu xa như tham nhũng, ăn chặn của người bị bệnh tâm thần, người già yếu không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, trẻ tàn tật... thì việc làm đó “bẩn” không gì bẩn hơn. Bởi những cú “ăn bẩn” ấy không chỉ làm mất đi những cơ hội được sống thêm của những người khốn khó nhất trong xã hội; cướp đi những miếng ăn của người già, trẻ tàn tật, viên thuốc cho người bệnh, kể cả bệnh tâm thần là điều xấu xa nhất trong những điều xấu xa, bẩn thỉu. Nguy hại hơn, việc làm của họ vô hình trung làm giảm hiệu quả những chương trình an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta vốn rất nhân văn về hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; các chương trình từ thiện, nhân đạo của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Nên nhớ, “ăn bẩn” không chỉ làm cá nhân họ bị “phơi nhiễm” bệnh tật mà còn có thể “di truyền” sang con cháu họ, thậm chí qua nhiều thế hệ. Ông cha ta từng nói: “Miếng ăn miếng nhục”, ấy thế mà những người từng được đào tạo dưới mái trường của chế độ mới từng hứa hẹn, tuyên thệ lại bị đồng tiền làm cho mờ mắt đến nỗi không nhận ra đâu là “bẩn” đâu là sạch.
Làm gì để chặn đứng nạn “ăn bẩn” đang là câu hỏi luôn nhức nhối trong xã hội. “Ăn bẩn” thời nay có sự hỗ trợ của 4.0 nên càng tinh vi rất khó phát hiện. Chỉ có cách huy động tai mắt rộng rãi của Nhân dân mới kịp thời vạch mặt kẻ “ăn bẩn” để đưa ra ánh sáng. Dư luận xã hội rất mong trong các cơ quan, đoàn thể có người “ăn bẩn” phải kịp thời đưa họ ra khỏi “đội hình”. Mặt khác, các nhà làm luật cần khẩn trương tính đến việc điều chỉnh quy định trong Bộ luật Hình sự, nâng mức xử lí hình sự với tội tham nhũng, đặc biệt là tăng hình phạt lên nhiều lần những hành vi tham nhũng, ăn chặn mà Nhà nước, các tổ chức từ thiện dành cho những người yếu thế, khó khăn, bệnh tật trong xã hội.
“Ăn bẩn” đang làm xấu hình ảnh đất nước Việt Nam trên đường đổi mới, hội nhập. Và những kẻ đã và đang “ăn bẩn” nên nhớ, họ không bao giờ có chốn dung thân trong lòng người Việt Nam vốn rất trọng đạo lí “đói cho sạch, rách cho thơm”.