Đừng để “viết tâm thư” trở thành phong trào
Trong mắt người già 16/01/2024 10:09
Tuy nhiên, qua theo dõi các phiên tòa xét xử các đại án gần đây thấy xuất hiện một tình tiết rất nhạy cảm đó là “viết tâm thư” gửi đến Tòa án để xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Tại phiên sơ thẩm xét xử đại án Việt Á, bị cáo Phạm Xuân Thăng, được hơn 100 giáo viên, cựu học sinh có đơn xin giảm nhẹ hình phạt; bị cáo Nguyễn Thanh Long, bị cáo buộc nhận hối lộ tới 2,25 triệu USD, cũng có người viết “tâm thư” xin giảm án. Hay như, đại án chuyến bay giải cứu, Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bị buộc tội nhận hối lộ 2 tỉ đồng, cũng được một số cán bộ, giáo viên gửi “tâm thư” tới Tòa án xin giảm nhẹ hình phạt…
Những “tâm thư” trình bày nhiều lí lẽ, thậm chí có những lí lẽ không liên quan đến hành vi phạm tội, mang đầy cảm tính. Hoặc nữa, một số không ít không viết “tâm thư” gửi đến Tòa án nhưng cũng viết những dòng trạng thái ngỏ ý nên giảm án cho các quan chức khi đã vi phạm pháp luật.
Chúng ta đều hiểu, pháp luật qui định: Mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, công ra công, tội ra tội, rõ ràng; vi phạm phải được xử lí, pháp luật phải thượng tôn. Công lao của các bị cáo đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý, được đề bạt, bổ nhiệm vị trí cao hơn, bổng lộc nhiều hơn; và được coi là một trong những tình tiết giảm nhẹ, sẽ được Hội đồng xét xử xem xét khi lượng hình.
Còn về tội, các bị cáo đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn cho nước, cho dân; làm giảm uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền; nhận hối lộ; phản bội lại lí tưởng phấn đấu đi đến hạnh phúc của Nhân dân… đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật.
Thế nên, những người không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới vụ án không nên có những hành vi viết đơn, kí gửi những “tâm thư” tới Tòa để xin giảm án cho các bị cáo.
Hãy để cơ quan thực thi pháp luật thực hiện công tác xét xử một cách độc lập, khách quan, công tâm, công bằng theo quy định hiện hành. Xin đừng để “cảm xúc riêng” thành phong trào “viết tâm thư” gửi Tòa án, tạo ra dư luận không lành mạnh trong xã hội.