Xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ: Cần xem xét lại bản án có dấu hiệu “oan sai”?
Pháp luật - Bạn đọc 02/06/2020 23:18
Năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/NĐ-CP về việc tổ chức giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình và cá nhân. Năm 1997, UBND các xã của huyện Thanh Sơn phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Phòng Địa chính tiến hành các thủ tục để giao đất cho các hộ dân. Năm 1998, hộ ông Hà Ngọc Yên và vợ là bà Đinh Thị Vịnh được UBND huyện Thanh Sơn cấp GCNQSDĐ tại tờ bản đồ số 6051, thửa 24, diện tích 37,8ha đất lâm nghiệp với mục đích khoanh nuôi tại khu Đá Giã, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn.
Giấy chứng nhận QSDĐ mà UBND huyện Thanh Sơn cấp cho hộ ông Hà Ngọc Yên và vợ là Đinh Thị Vịnh |
Sau khi được giao đất, gia đình bà Vịnh vẫn quản lý và sử dụng, nhưng đến năm 2004 phát hiện ông Đinh Văn Cởi, thường trú tại khu 5 xã Yên Lương vào khu vực đất của gia đình để trồng keo. Bà Vịnh đã yêu cầu gia đình ông Cởi dừng lại, không được tiếp tục trồng cây trên thửa đất của gia đình, nhưng ông Cởi bất chấp vẫn tiếp tục phát cây để trồng.
Tiếp đó, năm 2008 gia đình lại phát hiện ông Hồ Ngọc Thái, thường trú tại thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn vào phát cây trong diện tích đất lâm nghiệp của gia đình. Qua tìm hiểu, gia đình mới biết diện tích đất này do hộ ông Nguyễn Anh Bảo, thường trú tại khu 5 xã Yên Lương chuyển nhượng cho ông Thái vào năm 2007.
Khu đất của gia đình bà Đinh Thị Vịnh bị lấn chiếm, dẫn đến khởi kiện |
Sau khi phát hiện, gia đình bà Vịnh đã thực hiện nhiều biện phát ngăn chặn như yêu cầu, trình báo chính quyền địa phương xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn đối với hộ ông Cởi, ông Thái và ông Bảo lấn chiếm đất của gia đình. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không giải quyết dứt điểm, dẫn đến hộ ông Bảo, ông Cởi vẫn cố tình lấn chiếm, xâm phạm diện tích đất của gia đình bà Vịnh.
Vì lý do trên, gia đình bà Vịnh quyết định khởi kiện ra TAND huyện Thanh Sơn để giải quyết vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất”. Vụ án trên đã trải qua nhiều phiên xét xử và nhiều bản án dân sự như: Bản án sơ thẩm số 24/2015/DS-ST ngày 31/12/2015 của TAND huyện Thanh Sơn; Bản án phúc thẩm số 33/2016/DS-PT ngày 28/4/2016 của TAND tỉnh Phú Thọ; Bản án sơ thẩm số 32/2016/DS-ST ngày 19/10/2016 của TAND huyện Thanh Sơn; Bản án phúc thẩm số 41/2017/DS-ST ngày 16/5/2017 của TAND tỉnh Phú Thọ… nhưng lại bác đơn khởi kiện của bà Đinh Thị Vịnh, do anh Hà Ngọc Khoa đại diện yêu cầu hộ ông Nguyễn Anh Bảo, Đinh Văn Cởi và bà Đinh Thị Lan phải trả đất và giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất.
Căn cứ chưa được các cấp tòa xem xét “khách quan”
Hồ sơ giao đất, trình tự giao đất, cấp GCNQSDĐ tờ bản đồ 6051 thửa 24 tại Đá Giã, xã Yên Lương của gia đình hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Anh Bảo cho rằng, năm 1990, ông vào khu vực Bù Dụ khai hoang, canh tác là hoàn toàn không đúng. Bởi lẽ, xác nhận của UBND xã Yên Lương ngày 16/11/2016 có ghi: “từ năm 1994 trở về trước, khu vực Bù Dụ, Đá Giã (là đất nhà nước cấp GCNQSDĐ cho hộ bà Vinh, ông Bảo, ông Cởi năm 1998) thuộc quản lý của Đội 8 Lâm trường Tam Thắng. Từ năm 1994 đến năm 1996, UBND xã Yên Lương chưa giao cho hộ nào sử dụng, canh tác. Bên cạnh đó, trong hồ sơ của Tòa án còn có xác nhận của nhiều người dân thể hiện lời khai của ông Bảo không đúng như: xác nhận ngày 29/12/2013, của các ông, bà Vũ Thị Thường, Đinh Thị Xuân, Đinh Thị Lịch từng là công nhân Đội 8 thuộc Lâm trường Tam Thắng sinh sống lâu dài tại khu vực trên xác nhận đến năm 1994, Lâm trường Tam Thắng mới giải thể. Đây là chứng cứ hoàn toàn phù hợp với xác nhận của chính quyền địa phương. Hộ ông Hà Mạnh Tưởng khu 5 xã Yên Lương xác nhận vào năm 1994, khi Đội 8, Lâm trường Tam Thắng giải thể, ông Tưởng có vào khe Gốc Mít (nơi đang tranh chấp) làm lúa nương, đào ao, nuôi gà. Đến năm 1996, ông không làm nữa thì Nhà nước cấp diện tích đất trên cho hộ ông Hà Ngọc Yên (chồng bà Đinh Thị Vịnh).
Cũng tại hồ sơ, còn có xác nhận của ông Đinh Văn Hiển, Đinh Văn Giàng, Hà Thị Thu trú tại khu 5: thửa đất số 21 được giao cho nhím hộ ông Bảo, ông Hiển, ông Giàng, bà Thu, nhưng bìa đỏ đứng tên ông Bảo. Ông Hiển xác nhận ông Bảo có làm chung với các hộ trên 1 vụ keo theo dự án 327 kéo dài 7 năm từ năm 1997 đến 2004 thì thu hoạch.
Sau đó, ông Bảo không làm chung mà lấn chiếm thửa đất số 24 của gia đình bà Vịnh có vị trí bên ngoài thuận tiện hơn, sau đó bán luôn cho ông Thái. Hiện, ông Hiển, ông Giàng, bà Thu vẫn canh tác đúng số lô, số thửa được giao cho nhóm hộ ban đầu. Điều này càng khẳng định việc ông Bảo khai làm trên thửa đất số 24 của gia đình bà Vịnh từ năm 1990 là hoàn toàn không đúng…
TAND các cấp lại dựa vào giấy của ông Đinh Văn Cưu (Phó khu 4, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn) phụ trách ghi Biên bản giao đất ngày 12/11/1997 để làm căn cứ xem xét là không hợp lý.
Cũng tại các phiên xét xử, hộ ông Bảo, ông Thái, ông Cởi không hề có giấy tờ chứng minh xác thực của những lời khai, không có giấy tờ chứng minh hợp pháp tại thửa 24. Còn phía gia đình của bà Vịnh có đầy đủ pháp lý. Nhưng không hiểu vì lý do gì TAND các cấp lại bác đơn khởi kiện của gia đình bà Vịnh.
Vì vậy, để tránh oan sai kính đề nghị TAND Tối cao xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án trên, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Đinh Thị Vịnh.