Xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội: Người dân thôn Văn và lời kêu cứu Chủ tịch UBND thành phố
Pháp luật - Bạn đọc 29/12/2020 14:45
Theo đó, người dân thôn Văn vừa nhận được Thông báo số 484/TB-UBND về “Thời gian thực hiện Quyết định cưỡng chế thu hồi đất”. Trong đó nêu rõ: Sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ dân (theo Quyết định số 4067/QĐ-UBND và Quyết định số 7672/QĐ-UBND của UBND huyện Thanh Trì) vào lúc 8 giờ 30 ngày 30/12/2020. Khi thời gian cưỡng chế càng đến gần, người dân khẳng định họ càng trở nên vô cùng bất an. Họ lo lắng cho số phận những mảnh đất mà nhiều thập kỷ qua, các thế hệ người dân thôn Văn đã bỏ bao mồ hôi, công sức, tiền của để trồng trọt, phát triển kinh tế, nuôi sống bản thân và gia đình từ quỹ đất này. Nay diện tích đất ấy được thu hồi để phục vụ cho việc xây dựng một “khu di dân”, mà thực tế sẽ không có người dân tái định cư nào vào ở; dự án đang có dấu hiệu bị “biến tướng”, chuyển đổi mục đích sử dụng, “ngụy trang cho việc phân lô bán nền”.
Người dân thôn Văn trao đổi với phóng viên về những khúc mắc và trăn trở của mình liên quan đến Dự án “Xây dựng khu di dân phục vụ giải phóng mặt bằng Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An” và các dự án khác thuộc huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. |
Về lý do tại sao lại khẳng định “sẽ không có người dân tái định cư nào vào ở” trong khu di dân nêu trên, người dân thôn Văn cho biết: Tại Thông báo số 29/TB-UBND ngày 21/2/2020, UBND huyện Thanh Trì khẳng định: “Do thời điểm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án “Xây dựng khu di dân phục vụ giải phóng mặt bằng Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An và các dự án khác thuộc huyện Thanh Trì, TP Hà Nội”, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có thay đổi, không còn chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng đất ở, nên không có hộ dân nào được giao đất ở tại dự án khu di dân”. Có thể thấy, việc giải thích này rất mông lung, không đảm bảo yếu tố minh bạch thông tin. Vì vậy, người dân đề nghị UBND huyện Thanh Trì cần sớm công khai quy trình xây dựng khu di dân; làm rõ và công bố cho người dân hiểu về hệ thống những quy định có tính pháp lý được áp dụng trong việc xây dựng khu di dân thực hiện Dự án Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An và các dự án khác thuộc huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.
Người dân thôn Văn cũng đưa ra hàng loạt các thắc mắc như: Tại điểm 3, Điều 4, Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 31/3/2020 về việc ban hành một số nội dung về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn TP Hà Nội nêu rõ, UBND TP báo cáo Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT, trình Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ 10ha đất trở lên. Theo đó, Dự án này thu hồi 24,19ha đất trồng lúa của Nhân dân thôn Văn do UBND huyện Thanh Trì ban hành Quyết định thông báo thu hồi đất, giải phóng mặt bằng có tuân thủ các quy định của pháp luật?
Hay như thắc mắc của người dân về việc UBND huyện Thanh Trì chưa giải thích thấu đáo nội dung: Dự án thu hồi san nền đất lúa rộng 24,19ha tại thôn Văn là dự án xây dựng khu nhà ở thấp tầng với mục đích kinh doanh. Theo Luật Đất đai năm 2013, đơn giá đền bù phải được thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người dân. Giá chi trả phương án bồi thường, hỗ trợ là 162.000đồng/m2, so với giá đất sau khi được chuyển đổi (trên dưới 100 triệu đồng/m2) nên các hộ dân không đồng ý… Tập thể các hộ dân thôn Văn nhất thiết nguyện vọng đề nghị cấp đất dịch vụ 60m2/1 hộ và được đền bù thỏa đáng theo giá thỏa thuận. Đề nghị các cấp lãnh đạo huyện và xã xem xét mức giá đều bù cho các hộ được tăng lên, phù hợp với giá đất tại thời điểm hiện tại…
“Nếu các cấp lãnh đạo không lắng nghe những bức xúc của người dân, nếu những lời kêu cứu của chúng tôi không tới được với ông Chủ tịch UBND TP, thì chắc chắn chúng tôi sẽ trở nên bất lực trước sự áp đảo của lực lượng chức năng xã Thanh Liệt và huyện Thanh Trì. Khi đó, những quyết định “trái với lòng dân” sẽ được thực thi, đẩy người dân vào tình thế không thể xoay sở, phải chấp nhận thay vì đồng thuận thực hiện chủ trương của chính quyền”, người dân thôn Văn cho hay.
Khẳng định từ trước tới nay, người dân thôn Văn, xã Thanh Liệt đã nhiều lần giao đất để thực hiện 4 đến 5 dự án trên địa bàn, những lần giao đất này, người dân đều đồng thuận, chấp hành nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Bởi người dân hiểu đó là những trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phục vụ cho mục đích an ninh quốc phòng, công trình phúc lợi xã hội theo Điều 61, 62 Luật Đất đai. Tuy nhiên, Dự án “Xây dựng khu di dân phục vụ giải phóng mặt bằng Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An và các dự án khác thuộc huyện Thanh Trì, TP Hà Nội” là một dự án “rất khác”, “rất có vấn đề”. Việc thu hồi đất và bồi thường cũng không được chính quyền địa phương giải thích rõ ràng tới người dân.
Lưu ý rằng, đất đai bị buộc thu hồi theo các Quyết định số 4067/QĐ-UBND và Quyết định số 7672/QĐ-UBND đều là đất theo diện điều chỉnh của Nghị định 64/CP của Chính phủ. Các hộ dân tại thôn Văn được chính quyền địa phương chia, giao đất lâu dài theo Nghị định này, ổn định sản xuất kể từ mấy chục năm, đồng thời họ nộp thuế hay đóng sản lượng hàng năm rất đầy đủ. Vậy tại sao đến tháng 3/2018, những người dân nơi đây nhận được thông báo phê duyệt Dự án “Xây dựng khu di dân phục vụ giải phóng mặt bằng Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An và các dự án khác thuộc huyện Thanh Trì, TP Hà Nội” trên diện tích đất cấy lúa. Việc thu hồi đất của dân phải được sự thỏa thuận với dân mới đúng, nếu hợp lý thì dân sẽ giao đất cho huyện thi công dự án.
Dù việc khẳng định của UBND huyện Thanh Trì tại Thông báo số 29/TB-UBND ngày 21/2/2020, Thông báo số 39/TB-UBND ngày 2/3/2020, Thông báo số 56/TB-UBND ngày 1/3/2020,… đều có nội dung khẳng định việc thông báo thu hồi đất, thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Tổ công tác và chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất là đúng quy định của Luật Đất đai và các văn bản quy định hiện hành về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tuy nhiên, những phản ánh của người dân cũng không phải là không có cơ sở. Những phản ánh khẩn thiết yêu cầu sự giải thích của chính quyền từ phía người dân cũng rất hợp tình, hợp lý.
Tạp chí Ngày mới online xin chuyển những đề nghị nêu trên của người dân đến các cơ quan, ban ngành của xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì và TP Hà Nội. Đề nghị các cơ quan hữu quan xem xét kỹ nội dung đơn thư và lắng nghe những phản ảnh của người dân trước thời điểm chính quyền tổ chức cưỡng chế (hôm 30/12/2020). Đừng vì lý do gì mà bỏ qua nguyện vọng của dân. Bởi trong thực tế đã có rất nhiều những vụ việc trở thành điểm “nóng” do chính quyền địa phương chưa thực sự lắng nghe dân, vẫn nặng tư tưởng áp đặt từ phía công quyền... Trên hết, xin hãy thực hiện quan điểm: “Dù Nhà nước có thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người dân có đất nằm trong diện tích bị thu hồi”.