Vừa chiếm đất, vừa “la làng”?
Pháp luật - Bạn đọc 23/09/2020 09:39
Năm 2013, ông Bùi Văn Thương mua lại mảnh đất của cụ Nguyễn Thị An (chết năm 2006), do những người thừa kế của cụ An bán, tại tổ dân phố số 4, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, với giá 750 triệu đồng. Việc chuyển nhượng đất của ông Thương được những người thừa kế của cụ An xác nhận và thực hiện chuyển nhượng có công chứng của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương. Ông Lương Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Bình thời điểm đó, đã xác nhận Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Thương và đồng thừa kế của cụ An. Sau khi nhận nhà, đất, ông Thương đã tiến hành sửa chữa lại ngôi nhà. Tuy nhiên, do điều kiện công việc, ông Thương phải công tác xa nhà. Không hiểu lí do gì, ông Nguyễn Viết Bình cũng có giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất mảnh đất của cụ An, do ông Nguyễn Văn Sự (người ở cùng cụ An, khi cụ An còn sống) bán (giấy viết tay ghi năm 2009). Vin vào giấy tờ này, ông Bình ngang nhiên chiếm dụng trái phép nhà và đất mà ông Thương đã mua.
Căn nhà ông Thương bỏ tiền mua nhưng đang bị ông Bình chiếm giữ. |
Ông Thương cho biết: “Do không đủ các chứng cứ pháp lí. Ngày 28/8/2020, ông Bình viết đơn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Yên Bình, tố cáo tôi đã có hành vi gian dối, chiếm đoạt các giấy tờ liên quan đến mảnh đất. Điều nực cười là nhà và đất do chính tôi đã bỏ tiền ra mua và được công nhận bởi chính chủ sở hữu trước của mảnh đất, cũng như đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật. Trong đơn tố cáo ông Bình cho rằng, tôi đã lợi dụng sự tin tưởng của ông ta lấy giấy tờ thửa đất mang đi “cắm”. Tuy nhiên, thực tế tôi mua đất và nhận giấy tờ đất từ chính các con - người thừa kế của cụ An, không cần bất kì sự đồng ý hoặc có liên quan gì đến bản thân ông Bình. Trong công văn trả lời của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Yên Bình, tới ông Bình đã khẳng định, sự việc theo đơn tố cáo tôi chỉ là vụ việc dân sự; không có căn cứ xác định có việc tôi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc trộm cắp tài sản như đơn tố cáo của ông Bình nêu. Bản thân ông Bình sau đó cũng phải tự nguyện rút đơn”.
Trước sự ngang ngược của ông Bình, ông Thương đã làm đơn nhiều lần gửi đến chính quyền thị trấn Yên Bình đề nghị giải quyết. Tuy nhiên từ năm 2013 đến nay, mặc cho nhiều lần ông Thương kiến nghị, ông Bình vẫn ngang nhiên chiếm hữu nhà, đất và các cơ quan hữu trách ở địa phương thì vẫn “lặng im”. Hành vi của ông Bình, cũng như thái độ của chính quyền sở tại khiến ông Thương không khỏi bức xúc. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Thương được chính Chủ tịch UBND thị trấn Yên Bình xác nhận, nhưng khi ông Bình đến chiếm nhà đất thì chính UBND thị trấn Yên Bình lại “im lặng”. Sau khi Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được công nhận, ông Thương đã cùng những người thừa kế của bà An thực hiện lại toàn bộ các giấy tờ xác nhận lại. Tất cả những chứng cứ pháp lí này đều được thực hiện đúng quy định. Nhưng tất cả điều đó chẳng có ý nghĩa gì khi nhà đất của ông Thương thực tế vẫn bị ông Bình chiếm giữ. Giấy tờ nhà đất không sang tên đổi chủ được, vì ông Bình luôn gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng.
Theo ông Lương Mạnh Thắng nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Yên Bình, người xác nhận cho hợp đồng chuyển nhượng của ông Thương, thời điểm công chứng, xác nhận hợp đồng chuyển nhượng của ông Thương là hoàn toàn đúng pháp luật, mảnh đất không có tranh chấp và đủ điều kiện để sang tên cho ông Thương.
Sự ngang ngược của ông Bình, không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Thương, mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự nhân phẩm của ông Thương, khi vu khống ông Thương gian dối chiếm đoạt tài sản của ông Bình. Nhóm phóng viên đã làm việc với ông Hoàng Hợp, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Bình nhưng chỉ nhận được vỏn vẹn câu trả lời: Bao giờ có kết luận của cấp trên thì sẽ trả lời. Như vậy quyền lợi của người dân vẫn đang bị ảnh hưởng và câu trả lời của chính quyền cơ sở thì chưa biết bao giờ(!?) Hi vọng, các cấp chính quyền sớm có câu trả lời để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.