Vụ tranh chấp đất giữa hộ ông Thửa với hộ ông Cổn ở thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh: Phát lộ nhiều góc khuất, chính quyền và các cơ quan chức năng cần là
Pháp luật - Bạn đọc 04/04/2019 08:11
Về nguồn gốc đất của hộ ông Thửa, sao không đối chiếu các văn bản giám định với các văn bản photo năm 2008 sao y bản chính?
Năm 1980, vợ chồng cựu binh Hồ Xuân Thửa chuyển ngành về công tác ở ngành ngoại thương tỉnh Quảng Bình. Thời gian đó, ông Nguyễn Đình Nhu quyền Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh tổ chức một đoàn cán bộ thăm quan hàng ngoại thương xuất khẩu của tỉnh Quảng Bình, đã gặp ông Thửa và đề nghị vợ chồng ông về quê dạy nghề làm chổi đót, đan mây tre xuất khẩu cho Nhân dân trong huyện. Không chỉ có lời mời, huyện này còn có chính sách “rải thảm đỏ thu hút nhân tài”, chính ông Nhu đã chỉ thị cho UBND xã Kỳ Châu và Kỳ Hoa, nhập hộ khẩu và cấp đất ở cho vợ chồng ông Thửa. Đó là nguyên nhân vợ chồng ông Thửa, bà Tương về quê và đó cũng là nguồn gốc vì sao vợ chồng ông Thửa được giao 200 m2 đất tại xã Kỳ Châu.
Năm 1980, khi trở về quê hương, hộ ông Thửa được UBND xã Kỳ Hoa cấp 400m2 đất ở thuộc khu vực Sông Trí mương làng (có xác nhận ngày 4/7/2008 của ông Nguyễn Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng Quy hoạch huyện Kỳ Anh và xác nhận ngày 6/7/2008 của ông Nguyễn Văn Yên, nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa).
Sau khi 400m2 đất ở của gia đình ông Thửa bị quy hoạch làm sân văn hóa, gia đình ông được chuyển đổi sang vị trí làm nhà hiện nay (193m2 ) thuộc thửa 884, tờ số 3, bản đồ địa chính năm 2002. Ngày 2/6/1984, ông Hà Xuân Thắng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Châu, kí quyết định cấp 200m2 ở xứ Cạnh Buồm sát Quốc lộ 1A cho hộ ông Hồ Xuân Thửa và bà Tạ Thị Tương, gồm: Quyết định phân đất nền nhà 170m2, (dài 17 m rộng 10m) có mốc giới 4 phía giáp ranh; Quyết định cấp đất quán nêu rõ, gia đình ông Thửa được cấp đất ngày 2/6/1984, cho HTX Liên Châu mượn đám đất làm nhà, để làm kho phân đạm sát Quốc lộ 1A, gia đình trích lại 30m2 (chiều dài 10m chiều rộng 3m) ghi rõ mốc giới 4 phía giáp ranh .
Cùng ngày 2/6/1984 có sự can thiệp của HĐND và UBND xã Kỳ Châu, ông Thửa, bà Tương, có giấy cho HTX Liên Châu xã Kỳ Châu mượn 170m2 để làm kho chứa lân đạm cho sản xuất nông nghiệp, có thỏa thuận ghi rõ: “Khi nào HTX Liên Châu không sử dụng nữa thì trả lại đất cho gia đình ông Thửa”.
Quyết định cấp đất cho hộ ông Thửa, thực hiện sau khi có ý kiến của Hội đồng cấp đất (hiện gia đình ông Thửa còn giữ văn bản gốc của hội đồng này, có chữ kí của lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh và xã Kỳ Châu, được chứng thực năm 2015).
Ba văn bản về nguồn gốc đất và việc cho HTX Liên Châu mượn đất (văn bản gốc giao cho Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh năm 2010) và Công an tỉnh đã mang đi giám định, kết quả văn bản bị tẩy xóa và chữ kí đè lên nơi tẩy xóa nghi là văn bản giả. Vậy giấy tờ gốc của hộ ông Thửa bị tẩy xóa từ bao giờ, trước, hay sau khi giao cho Thanh tra tỉnh? Nghi án này chưa được làm sáng tỏ. Gia đình ông Thửa cho biết: Năm 2008 gia đình đã photo công chứng 3 văn bản này. Năm 2010 Thanh tra tỉnh giải quyết khiếu nại của gia đình ông Thửa, ông Lê Văn Cường cán bộ Thanh tra gọi điện thoại cho bà Tương nói gia đình lên gặp ông Cường lấy quyết định về làm sổ đỏ, khi đi mang theo giấy tờ gốc cấp đất. Bà Tương mang giấy tờ gốc cấp đất giao cho ông Cường (không có văn bản nào xác nhận ghi nhận hiện trạng các loại giấy tờ này có bị tẩy xóa, sửa chữa hay không), từ đó các văn bản này bị thu giữ luôn.
Gia đình ông Thửa có nhiều văn bản đề nghị trả lại giấy tờ nguồn gốc đất của gia đình nhưng không được trả lại. Gia đình ông đề nghị được đối chứng văn bản gốc đem đi giám định (năm 2010) với văn bản gốc gia đình ông công chứng (năm 2008), nhưng chưa được Thanh tra và Công an tỉnh làm rõ việc này?
Dù văn bản gốc cấp đất bị thu giữ , nhưng hộ ông Thửa vẫn còn các giấy xác nhận của cán bộ UBND huyện Kỳ Anh và UBND xã Kỳ Châu những người năm 1984 đã cấp đất và đo đất giao cho gia đình ông Thửa cũng không được Đoàn kiểm tra UBND huyện và Thanh tra tỉnh xác minh làm rõ.
Xác nhận HTX Liên Châu bán 4 gian nhà kho chưa phân bón cho Công ty cấp 3 huyện Kỳ Anh 14 triệu đồng, còn đất nền của ôngThửa, bà Tương, được xã Kỳ Châu cấp năm 1984 và cho HTX Liên Châu mượn năm 1984 |
Cần làm rõ sổ mục kê năm 2002 mà ông Cổn đứng tên 281,1m2 đất
Sau khi đất nhà ông Thửa cho HTX Liên Châu mượn làm nhà kho chứa phân bón, một phần xã Kỳ Châu sát nhập vào thị trấn, HTX Liên Châu đổi tên là HTX Liên Hoa. Ông Đào Mạnh Hường người mượn đất của gia đình ông Thửa năm 1984, làm Chủ nhiệm HTX Liên Hoa (năm 1987) đã xây 4 gian nhà kho chứa phân bón. Năm 1989, HTX giải tán, ông Hường và ông Trương Quốc Chương (Thư ký kế hoạch) bán nhà kho cho Công ty cấp 3 huyện Kỳ Anh (14 triệu đồng). Người mua 4 gian nhà kho là ông Nguyễn Văn Thành khi đó là kế toán, sau này là Trạm trưởng Trạm Vật tư nông nghiệp Kỳ Anh (1998-2000) xác nhận, năm 1989, Công ty Vật tư nông nghiệp có mua lại của HTX Liên Châu 01 nhà gồm 4 gian để làm kho chứa phân bón. Thời kỳ đó ông Nguyễn Huy Cổn làm thủ kho, đến năm 1992 về nghỉ theo chế độ 176. Khi đó ông Cổn không có nhà ở, Trạm cho thuê ở tạm, sau đó đã chuyển nhượng lại 1 gian (tài sản trên đất của HTX Liên Châu) cho ông Cổn. Đến năm 1996, Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh quản lý tất cả các kho trên địa bàn của tỉnh và bán tiếp 2 gian nhà kho ở trạm Kỳ Anh cho ông Cổn.
Báo cáo ngày 18/1/2010 của Đoàn Kiểm tra UBND huyện Kỳ Anh nêu: Ngày 20/2/1992 ông Cổn có đơn mua 1 gian nhà kho của Trạm vật tư nông nghiệp Kỳ Anh.Ngày 20/2/1993, ông Nguyễn Văn Bảy, Trạm trưởng Trạm Vật tư nông nghiệp xác nhận việc mua nhà kho của ông Cổn, đồng thời trả lại đất cho UBND thị trấn (đúng ra phải trả lại đất cho gia đình ông Thửa như thỏa thuận ngày 2/6/1984-PV). Từ đây đất nhà ông Thửa biến thành đất của thị trấn và rất nhanh cùng ngày 22/2/1993, ông Nguyễn Kiên Quyết, Chủ tịch UBND thị trấn, xác nhận việc trả đất, đồng thời đề nghị UBND huyện làm thủ tục cấp đất cho ông Cổn. Ngày 9/3/1993, ông Nguyễn Huy Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện đồng ý cho Chủ tịch UBND thị trấn làm thủ tục sang tên tài sản và cấp đất ở cho ông Cổn. Ngày 8/12/1993, UBND thị trấn có Quyết định số 64/QĐ-UB về việc giao 56m2 đất cho ông Cổn.
Đến nay thì quá trình “biến đất mượn của gia đình ông Thửa thành đất của thị trấn” và cấp cho gia đình ông Cổn đã hoàn tất. Dấu tích đất của hộ ông Thửa theo sổ mục kê năm 1985 cũng “biến mất”. Tất cả những việc này hộ ông Thửa không hề biết.
Chỉ đến năm 2003, (19 năm sau kể từ khi gia đình ông Thửa cho mượn đất) hộ ông Cổn thuê người đến phá dỡ ki-ốt, gia đình ông Thửa mới biết đất nhà ông cho mượn đã được cấp cho hộ ông Cổn.
Khiếu kiện xẩy ra từ đây. Sau khi được cấp đất, năm 1993, năm 2005, hộ ông Cổn được cấp sổ đỏ. Quy trình cấp sổ đỏ cho hộ ông Cổn là chưa đúng quy định, bởi đang khiếu kiện, trái với quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003.
Sổ đỏ cấp cho gia đình ông Cổn năm 2005 khi tranh chấp đất đai với gia đình ông Thửa chưa được giải quyết |
Cũng theo báo cáo của Đoàn kiểm tra huyện Kỳ Anh, ngày 1/10 1994, UBND huyện có Quyết định số 259 cấp cho Trạm Vật tư nông nghiệp 228m2 đất, nhưng đến ngày 6/10/2003, thì hiện trạng đất sử dụng của Trạm theo bản đồ chỉ còn 89,2m2 chưa làm rõ được vì sao diện tích gần 149m2 đất thiếu hụt? Còn theo bản đồ năm 2002 tờ số 3 thửa 923, diện tích 281,1 m2 sổ mục kê phản ánh chủ sử dụng là ông Nguyễn Huy Cổn chưa được Đoàn kiểm tra làm rõ nguồn gốc đất trong khi đó hộ ông Cổn năm 1993 chỉ được cấp 56m2 thuộc tờ bản đồ số 03 thửa số 923?
( Còn nữa)
Đinh Quyết Thắng