Vụ tranh chấp đất của bà Ngô Thị Chơn với bà Lê Thị Thảo ở TP Cà Mau: Để thấu tình đạt lý cần phải giám đốc thẩm vụ án
Pháp luật - Bạn đọc 12/02/2020 09:07
Về vụ án này, qua tìm hiểu chúng tôi được biết:
Về nguồn gốc đất: Cha mẹ của bà Thảo là cụ Lê Văn Thành, cụ Châu Thị Đẹt. Năm 1968, cụ Thành và cụ Đẹt có khai phá một phần đất hoang, có chiều ngang giáp với đường vào cổng Bệnh viện Điều dưỡng 27m; chiều dài nằm song song với hàng rào Bệnh viện Điều dưỡng 25m. Trên phần đất này, 2 cụ bồi đấp đất thổ cư, xây dựng nhà ở, đào ao nuôi cá, trồng cây…
Năm 1985, cụ Thành qua đời. Ngày 20/12/1999, cụ Đẹt có đọc và nhờ cháu ghi hộ di chúc cho bà Thảo quản lý, sử dụng mảnh đất trên. Sau khi cụ Đẹt qua đời (ngày 29/5/2000), ngày 22/6/2009, anh em bà Thảo có lập Biên bản họp mặt gia đình, nội dung ghi rõ: “Đồng ý cho bà Thảo quản lý, sử dụng đất và nhà”.
Từ đó bà Thảo quản lý sử dụng đất trên liên tục cho đến nay. Trên phần đất này có trồng cây lâu năm, ao nuôi cá và trồng một hàng bông trang dài 4m; 1 sào phơi quần áo dài 6m; 1 cây chùm duột cao 4m; 5 cây tràm, đường lộ bê tông vào nhà ở, san lấp mặt bằng toàn diện tích, gia đình bà Thảo đã làm tròn nghĩa vụ đóng thuế đối với Nhà nước. Trước đây cụ Đẹt có đứng tên sổ mục kê, sơ đồ vị trí thửa đất số 26 – 27; tờ bản đồ số 07; tại khóm 5, phường 1, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Tên chủ sử dụng đất là Châu Thị Đẹt (năm 1999).
Về lý do bà Thảo đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án sơ thẩm số 88/2018/DS-ST ngày 19/7/2018 của TAND TP.Cà Mau và Bản án phúc thẩm số 295/2019/DS-PT ngày 7/11/2019 của TAND tỉnh Cà Mau:
Theo quyết định đình chỉ giải quyết Vụ án dân sự số 32/2019/QĐST-DS ngày 7/4/2009 của TAND TP Cà Mau, phía bà Ngô Thị Chơn, bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, ông Nguyễn Chí Dũng cũng không có kháng cáo quyết định đã có hiệu lực thi hành và quyết định đình chỉ giải quyết Vụ án dân sự số 01/2011/QĐST-DS ngày 6/1/2011 của TAND TP.Cà Mau có nội dung: “ Xét thấy sự việc đã được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, đồng thời nguyên đơn rút đơn khởi kiện”. Như vậy theo quy định của pháp luật, phía gia đình bà Chơn không có quyền khởi kiện dân sự nữa.
Biên bản lúc 14h20 ngày 25/5/2010, về việc ghi ý kiến các đương sự của TAND TP Cà Mau ghi: “Ông Nguyễn Chí Dũng con của bà Ngô Thị Chơn trình bày: Vào khoảng năm 1976 – 1977, bà Châu Thị Đẹt xin ở nhờ trên đất”. Biên bản lúc 14h21 ngày 21/4/2011, hòa giải tranh chấp đất tại UBND phường 1 ghi: “Ông Nguyễn Chí Dũng con bà Chơn trình bày: Năm 1975, cha mẹ ông cho bà Châu Thị Đẹt ở nhờ”.
Tại Bút lục số 34 và tại Đơn khởi kiện của bà Ngô Thị Chơn nại ra rằng: Bà Châu Thị Đẹt làm xác nhận ngày 12/3/1993, nhưng trong Tờ xác nhận chủ quyền được chính quyền khóm 5 và UBND phường 1 ký, đóng dấu, không có thể hiện chữ ký và thể hiện chữ viết của bà Châu Thị Đẹt, trong khi bà Đẹt lại không biết viết và không biết đọc chữ. Như vậy, chứng minh cụ Thành, cụ Đẹt ở trên đất khai phá từ năm 1968 và quản lý sử dụng cho đến nay được 40 năm.
Theo tài liệu, chứng cứ kèm CMND cấp năm 1978 và Đơn xác nhận của Công an phường 1 ghi; Bà Châu Thị Đẹt sinh ngày 13/1/1931; năm 1978 có hộ khẩu thường trú tại số 186B, đường Lý Văn Lâm, khóm 6, phường 1, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau (trước đây là số 168B, đường Lý Văn Lâm, thị xã Cà Mau, tỉnh Minh Hải), số HSHK: 20862; tờ số: 15-23.
Ngày 25/4/1978, cụ Đẹt làm CMND, trong hồ sơ Công an tỉnh Minh Hải thể hiện: “Bà Đẹt chỉ ký gạch thập chớ không biết ký tên”(kèm theo bản CMND , kèm theo hồ sơ Công an tỉnh Minh Hải (Cà Mau ).
Ngày 25/9/2003, bà Chơn, mẹ ông Dũng có đơn xác nhận nguồn gốc đất gửi cho UBND phường 1, Chủ tịch ký tên đóng dấu có nội dung: “Bà Chơn khai rằng đất này do bà tự khai phá và sử dụng ổn định từ trước đến nay không có tranh chấp (khai phá năm 1971)”.Ngày 23/10/2003, bà Chơn được UBND TP Cà Mau cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), bà Chơn chuyển QSDĐ cho con gái là bà Nguyễn Thị Ngọc Sương (GCNQSDĐ của bà Sương được UBND TP Cà Mau cấp 4/2/2004).
Theo bà Thảo, bà làm đơn khởi kiện bà Chơn và bà Sương thì tại Bản án số 01/2010/HC-ST ngày 18/6/2010 của TAND TP Cà Mau lại bác đơn yêu cầu của bà Thảo; vì vậy bà Thảo kháng cáo, tại Bản án số 02/2010/HC-PT ngày 4/11/2010 của TAND tỉnh Cà Mau sửa toàn bộ Bản án sơ thẩm số 01, hủy 1 phần Quyêt định hành chính số8248/QĐ-UBND ngày 23/10/2003 và Quyết định hành chính số 748/QĐ-UBND ngày 4/2/2004 của UBND TP Cà Mau về trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ.
Như vậy, chứng minh tài liệu, hồ sơ cấp giấy chứng nhận của bà Chơn, bà Sương là “đất tự khai phá”. Đây là bằng chứng, chứng minh tại hồ sơ của tòa 2 cấp.
Còn ông Dũng cung cấp hồ sơ nguồn gốc đất chế độ củ bằng bản photo, không có bản gốc, thì không là căn cứ chứng minh nguồn gốc đất chế độ cũ của ông Dũng và cũng không có chứng cứ nào để chứng minh vị trí nguồn gốc giấy tờ chế độ cũ nằm ngay vị trí nhà và đất của cụ Thành, cụ Đẹt và bà Thảo quản lý sử dụng từ năm 1968, đến năm 2009 xảy ra tranh chấp với bà Chơn là 40 năm. Theo Luật Đất đai, Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã ở, quản lý sử dụng ổn định. Theo hồ sơ Công an TP Cà Mau đang lưu trữ bản gốc trong hồ sơ hộ khẩu: Tờ xác nhận chủ quyền của bà Chơn, chứ không phải bản gốc cụ Đẹt viết giao cho gia đình bà Chơn giữ.
Căn cứ các chứng cứ như trên chúng tôi nhận thấy:
1/ Gia đình bà Thảo đã ở trên đất, cất nhà từ năm 1968 đến 2009 mới xảy ra tranh chấp, trong khoảng năm 1968-2009, gia đình bà Thảo xây dựng nhà ở, nhà cơ bản cấp 4, cũng không có ai ngăn cản việc xây dựng nhà ở.
2/ Đất hoang khai phá từ năm 1968, bồi đấp, san lấp mặt bằng thành đất thổ cư mà cấp sơ thẩm, phúc thẩm không tính thành tiền là chưa đúng quy định của pháp luật.
3/ Chứng minh nhân dân của cụ Châu Thị Đẹt đã có từ năm 1978, còn hồ sơ tại Công an tỉnh Minh Hải thể hiện chữ ký của cụ Đẹt là dấu gạch thập chứ không phải chữ ký (do cụ Đẹt không biết đọc, không biết viết).
4/ Tờ xác nhận chủ quyền của bà Ngô Thị Chơn, cụ Châu Thị Đẹt không có ký tên Đẹt. Bản gốc Tờ xác nhận chủ quyền của bà Chơn theo Công an TP.Cà Mau đang lưu trữ bản gốc trong hồ sơ hộ khẩu, chứ không phải bản gốc cụ Đẹt để viết giao cho gia đình bà Chơn giữ (tức mượn đất của bà Chơn) (phía Công an làm hồ sơ hộ khẩu chứ không phải gia đình bà Thảo làm hồ sơ, gia đình bà Thảo không biết tờ xác nhận chủ quyền).
5/ Bản photo hồ sơ giấy tờ gốc đất do ông Dũng xuất trình không phải bản gốc nên không có giá trị làm căn cứ giải quyết theo yêu cầu của ông Dũng.
6/ Bộ luật Dân sự năm 2005, tại Khoản 1, Điều 247 xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu “30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm chiếm hữu. Điều 236 xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật (30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm chiếm hữu).
Bởi các lẽ như trên, nhận thấy việc bà Lê Thị Thảo có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án sơ thẩm số 88/2018/DS-ST ngày 19/7/2018 của TAND TP Cà Mau và Bản án phúc thẩm số 295/2019/DS-PT ngày 7/11/2019 của TAND tỉnh Cà Mau là có cơ sở.
Để giải quyết vụ việc trên khách quan, thấu tình đạt lý, đề nghị Chánh án TAND Cấp cao, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh kháng nghị hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm nói trên, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đối với người khởi kiện hoặc bác đơn khởi kiện đối với người khởi kiện bất động sản 30 năm đã chiếm hữu. Đồng thời các cấp có thẩm quyền cho tạm hoãn thi hành Bản án sơ thẩm số 88/2018/DS-ST ngày 19/7/2018 của TAND TP.Cà Mau và Bản án phúc thẩm số 295/2019/DS-PT ngày 7/11/2019 của TAND tỉnh Cà Mau./.