Vụ khiếu nại đòi lại tài sản trên 45 năm ở tỉnh Đồng Tháp: Cần giải quyết dứt điểm dấu hiệu oan sai!
Pháp luật - Bạn đọc 28/07/2020 14:12
Bà Trương Thị Văn Minh trình bày về nội dung đơn với phóng viên |
Nhiều dấu hiệu oan sai
Bà Trương Thị Văn Minh, sinh năm 1950, ngụ tại 451 ấp An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp gửi đơn đến các cơ quan thẩm quyền, đồng thời đến game bài đổi thưởng tiền that phản ánh vụ việc có nhiều dấu hiệu oan sai cho cụ Trương Hòa Long, với mong mỏi lấy lại tài sản gia đình, dòng tộc”.
Theo đơn của bà Minh: Năm 1948, cụ Trương Hòa Long, sinh năm 1916, rời bỏ Hội Nông dân cứu quốc về Tịnh Thới, xã An Bình, huyện Cao Lãnh sinh sống. Từ năm 1950, cụ Long cùng các con tạo dựng được nhiều tài sản, gồm: Nhà máy xay lúa, nhà máy nước đá, hai căn nhà tại TP Cao Lãnh, và một lô nền nhà 8x25m. Trong đó có một căn nhà của riêng của vợ cụ Long (giấy tờ hợp thức hóa năm 1967) và một căn nhà của riêng bà Minh, con gái cụ Long (giấy thức hợp thức năm 1973). Xuyên suốt thời gian làm ăn trong kinh doanh, từ năm 1950 cho đến năm 1975, cụ Trương Hòa Long thường xuyên đóng góp, ủng hộ cho cách mạng về tiền bạc, gạo, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác, cũng như thường xuyên hỗ trợ các đợt đột xuất khác như thịt, nước đá, trái cây và tiền mặt để mua đồ phục vụ chiến đấu (có xác nhận của các nhân chứng là những cán bộ cách mạng đã hưu trí). Từ sau năm 1975, sau khi đất nước giải phóng, kinh doanh ngưng trệ, khó khăn, cụ Long già yếu nên lên TP Hồ Chí Minh ở với con gái tên Trương Thị Thông. Chưa được 3 tháng sau, ngày 6/7/1975, Ủy ban nhân dân huyện Cao Lãnh vin vào lý do vô căn cứ là cụ Long trước đây chống đối cách mạng, cộng sự chặt chẽ với địch, không chấp hành lệnh trình diện của chính quyền; UBND huyện Cao Lãnh tịch biên toàn bộ tài sản, nhà cửa và đất đai của gia đình cụ Long. Ngày 18/11/1975, cụ Long bị chính quyền địa phương bắt giam tại trại giam quản huấn Đám Lác (Sa Đéc) trong suốt 4 năm để điều tra và cải tạo.
Đến tháng 11/1979, sau khi Phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Đồng Tháp điều tra và nhận định rằng tội lỗi của cụ Long là vô căn cứ, cụ Long được thả về gia đình và qua đời không lâu sau đó. Gia đình cụ Long, mà đại diện ủy quyền là bà Trương Thị Văn Minh đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan thẩm quyền, chức năng để xin lại các tài sản bị tịch biên không đúng pháp luật. Theo xác nhận của Công an tỉnh Đồng Tháp, nếu UBND huyện Cao Lãnh căn cứ vào Quyết định số 297/CT ngày 2/10/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để tịch biên tất cả tài sản của gia đình cụ Long là không phù hợp đối tượng. Vì thực tế cụ Long và gia đình không thuộc đối tượng qui định trong Quyết định số 297 (không thuộc ở trong bộ máy chính quyền cũ), quy định tại Điều 1 và Nhà ở không thuộc diện (nhà vắng chủ) quy định tại Điều 2-Quyết định số 297.
Đơn của bà Trương Thị Văn Minh gửi đến khắp nơi, đánh động đến nhiều cơ quan ở Trung ương. Xác nhận cụ Trương Hòa Long có quá trình phục vụ Cách mạng gồm có các sĩ quan và cán bộ thời chống Mỹ. Trong xác nhận, có phần nêu lên là cụ Long đã từng vận động, với sự quen biết với Ngụy quyền, đã bảo lãnh 2 cán bộ (nằm vùng trong nhà máy nước đá) bị địch bắt, được thả.
Bà Trương Thị Văn Minh, phản ánh: Hai mươi năm “im lặng”, ngày 10/02/1996, UBND huyện Cao Lãnh, đành cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 4.590m2 cho gia đình cụ Long các thửa đất số 1374, 1375, 1376. Trong đó có thửa 1374, diện tích 1750m2, thuộc đất khuôn viên nhà máy nước đá. Năm 1975, khi kê biên tiếp quản, chính quyền địa phương chỉ kê biên diện tích khuôn viên nhà máy xay lúa, nhà máy nước đá nhằm bảo quản tài sản, bảo đảm cho công nhân có việc làm. Thửa đất số 1374 là phần đất không nằm trong Biên bản quản lý năm 1975 của chính quyền. Gia đình cụ Long mừng vui chưa được trọn vẹn thì 10 năm sau, ngày 9/5/2006, đột nhiên UBND huyện Cao Lãnh ban hành Quyết định số 841 thu hồi quyền sử dụng đất thửa 1374 với lý do: “Cấp sai đối tượng”. Và phần đất thu hồi lập tức được chính quyền huyện Cao Lãnh với tư cách người sử dụng đã cho người khác thuê. Gia đình cụ Long lại phản ứng quyết liệt, gửi đơn khắp nơi.
Cần giải quyết dứt điểm dấu hiệu oan sai!
Theo hồ sơ, thể hiện có các cáo buộc mà cho đến bây giờ không có chứng cứ, nhân chứng cho việc buộc tội cụ Long là: “Ông Long từng treo giải thưởng cho những ai giết được Việt Cộng”, “làm gián điệp cho địch”… Những lời cáo buộc này không biết từ ai và từ bao giờ, chỉ thấy xuất hiện sau khi Công văn số 1118/CV-VP ngày 11/9/1999 ban hành và được Cơ quan Công an tỉnh Đồng Tháp phúc đáp bằng Báo cáo số 83/BC-CAT (PA17) ngày 9/5/2000 xác định rằng: “Trương Hòa Long thường tiếp xúc và tổ chức ăn nhậu với Ngụy quân, Ngụy quyền tỉnh Kiến Phong cũ và đặc biệt với bọn cảnh sát để tạo thân thế làm ăn. Từ mối quan hệ trên có tin Trương Hòa Long làm gián điệp cho địch nên ngày 18/11/1975, bắt Trương Hòa Long đưa đi tập trung cải tạo đồng thời kê biên quản lý toàn bộ tài sản, nhà cửa của y. Nhưng trong thời gian giáo dục cải tạo không thấy phản ánh như trong hồ sơ về chứng cứ chứng minh Trương Hòa Long làm gián điệp cho địch. Ngày 12/11/1979, ông được trả tự do về quê quán ở xã An Bình, huyện Cao Lãnh và sau đó vài năm thì bị bệnh chết”.
Trong Báo cáo ngày 9/9/2000 của Trung tá Lê Phương Hồng, cựu Trưởng Phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Đồng Tháp: Sau 30/4/1975, với chức vụ Chỉ huy trưởng An ninh tỉnh, ông Hồng đã trực tiếp khai thác riêng Trưởng, Phó Ty cảnh sát tỉnh Kiến Phong cũ nhưng tất cả đều khai “Trương Hòa Long không nằm trong tổ chức tình báo CIA và mạng lưới tình báo của Ngụy Sài Gòn”.
Rõ ràng, chỉ cần cái tội “từng treo giải thưởng cho những ai giết được Việt Cộng” cũng đủ để cụ Long lãnh án tử hình rồi. Nhưng vụ việc đã được Phòng Bảo vệ Chính trị Công an tỉnh Đồng Tháp điều tra làm rõ; nhân chứng là cán bộ trực tiếp nhận sự đóng góp của cụ Trương Hòa Long xác nhận. Bộ Xây dựng đã gửi công văn cho UBND tỉnh Đồng Tháp về việc giải quyết khiếu nại của bà Trương Thị Văn Minh, gồm Công văn số 266/TTrXD-KNTC ngày 9/7/2010; Công văn số 279/TTr-KNTC ngày 23/6/2011 và Công văn số 95/TTr-XD ngày 28/6/2020, đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp cung cấp tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại gồm: Quyết định quản lý tài sản của cụ Trương Hòa Long; Thông báo số 107/TB-VP, ngày 22/12/2000 của Văn phòng UBND tỉnh; các chứng cứ về việc ông Trương Hòa Long chống phá cách mạng. Trong khi, thực tế chưa có chứng cứ nào cáo buộc cụ Long có tội (?!)
Từ một người có công, được các cán bộ đã từng nhận sự đóng góp tiền bạc, vật chất suốt thời chống Mỹ, xác nhận thành tích và đề nghị khen thưởng, cụ Trương Hòa Long trở thành kẻ “đã từng treo giải thưởng cho những ai giết được Việt Cộng”, “làm gián điệp cho địch”,v.v… . Các tội ác thì không có chứng cứ, còn những thành tích, công lao của cụ Trương Hòa Long thì được cán bộ xác nhận.
Cần thiết phải nói rõ thêm: Trong Báo cáo số 83/BC-CAT (PA17) ngày 9/5/2000 của Công an tỉnh Đồng Tháp có nội dung xác định: “Trương Hòa Long thường tiếp xúc và tổ chức ăn nhậu với Ngụy quân, Ngụy quyền tỉnh Kiến Phong cũ và đặc biệt với bọn cảnh sát để tạo thân thế làm ăn. Từ mối quan hệ trên có tin Trương Hòa Long làm gián điệp cho địch nên ngày 18/11/1975 bắt Trương Hòa Long đưa đi tập trung cải tạo đồng thời kê biên quản lý toàn bộ tài sản, nhà cửa của y. Nhưng trong thời gian giáo dục cải tạo không thấy phản ánh như trong hồ sơ về chứng cứ chứng minh Trương Hòa Long làm gián điệp cho địch.” Và “Sau 30/4/1975, với chức vụ Chỉ huy trưởng An ninh tỉnh, ông Hồng đã trực tiếp khai thác riêng Trưởng, Phó Ty cảnh sát tỉnh Kiến Phong cũ nhưng tất cả đều khai “Trương Hòa Long không nằm trong tổ chức tình báo CIA và mạng lưới tình báo của Ngụy Sài Gòn”.
Như vậy, vấn đề đang đặt ra là cần giải quyết dứt điểm những dấu hiệu oan sai! Bởi Phòng Bảo vệ Chính trị Công an tỉnh Đồng Tháp đã điều tra làm rõ về hồ sơ lí lịch bản thân cụ Trương Hòa Long; có nhiều dấu hiệu thể cụ Trương Hòa Long bị bắt giam oan, bị kê biên, tịch thu tài sản không đúng đối tượng! Đây là cơ sở để “đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức họp với các ngành liên quan trong việc giải quyết khiếu tố và trả lời dứt khoát cho đương sự, nhằm chủ động ngăn chặn khiếu nại kéo dài, gây hậu quả xấu cho địa phương” (Nội dung ở phần cuối cùng, trong Báo cáo số 83/BC-CAT (PA17) ngày 9/5/2000 của Công an tỉnh Đồng Tháp nói trên).