Vụ khách hàng gây khó cho Công ty Khôi Nguyên ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa: Đổ lỗi cho đối tác, hay ăn vạ để chiếm đoạt tài sản?
Pháp luật - Bạn đọc 15/11/2019 09:35
Theo Hợp đồng dịch vụ giặt là số 05/HĐGL-2008 ngày 1/1/2008 với Công ty Tân Việt (Tân Việt), Công ty Khôi Nguyên có trách nhiệm giặt là các loại sản phẩm, được Tân Việt thanh toán tiền dịch vụ theo quy định khá cụ thể, chi tiết trong hợp đồng và phụ lục hợp đồng. Với hệ thống máy móc thuộc loại tân tiến, đội ngũ cán bộ, công nhân đông tới 70 người, nhiều năm qua Công ty Khôi Nguyên đã chiếm lĩnh khoảng 1/3 thị phần giặt là ở TP Nha Trang, trong đó có Tân Việt, thuộc Khách sạn Sunrise. Thế nhưng, đến tháng 3/2019, giữa Khôi Nguyên và Tân Việt xảy ra chuyện “cơm chẳng còn lành, …”. Đối tác gây khó cho Khôi Nguyên là ông Igo G.Raeuber, do Tân Việt thuê làm Tổng Quản lí khách sạn Sunrise. Diễn biến vụ việc như sau:
Ngày 26/2/2019, Khôi Nguyên nhận một lô hàng của Tân Việt, trong đó có một bộ vest thương hiệu Italia của ông Igo G.Raeuber, mà theo ông là được mua từ tháng 6/2018. Ngày 4/3/2019, ông Igo gửi tiếp 5 quần tây thương hiệu Caruso De52 để giặt khô. Tuy nhiên, sau chuyến đi công tác nước ngoài về, ông Igo chỉ sử dụng được 1 trong số 7 món. Ông Igo cho biết, quần bị co rút không thể mặc được, nên yêu cầu Khôi Nguyên bồi thường cho ông 6/7 món quần áo, với số tiền 7.000 Euro. Khôi Nguyên không chấp nhận, vì nếu chỉ một bộ vest và 5 cái quần, dù là thương hiệu gì đi chăng nữa, cũng không có giá lên tới 7.000 Euro, tương đương 175 triệu đồng. Mặt khác, để làm rõ thực tế lỗi hư hỏng của các mặt hàng này do đâu, Khôi Nguyên đã đưa ra một loạt khuyến nghị, để hai bên cùng trao đổi, nhằm đi đến thỏa thuận.
Công nhân Công ty Khôi Nguyên đang là gấp các loại khăn, ga, gối, nệm… |
Công văn ngày 10/4/2019, Khôi Nguyên nói rõ: “Lô hàng ngày 27/2/2019 khi Khôi Nguyên giao hàng, phía Tân Việt không có ý kiến gì (có 1 bộ vest). Lô hàng nhận ngày 5 và trả vào 7/3, Tân Việt cũng không có ý kiến. Đến 9/3, Khôi Nguyên mới nhận được ý kiến “ủi chưa đạt yêu cầu, đề nghị ủi lại”, Khôi Nguyên thực hiện và sau 3 giờ đã trả hàng, Tân Việt cũng không phản hồi. Mặt khác, căn cứ vào bản mô tả hàng hóa ngày 5/3/2019, do Tân Việt cung cấp, thì “mông quần đã rạn rách nhỏ, lưng quần rạn vải và xù…”. Điều đó chứng tỏ, hàng đã được sử dụng nhiều lần. Ngày 10/3/2019, Khôi Nguyên chính thức nhận được thông tin lô hàng quần áo của ông Igo G.Raeuber bị hư hỏng, ngày 26/3/2019, ông Igo có đơn khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại cho cá nhân ông, với giá 7.000 Euro và thực tế Tân Việt đã giữ của Khôi Nguyên số tiền 140 triệu đồng”.
Với thái độ cầu thị, Khôi Nguyên vẫn thống nhất quan điểm bồi thường cho khách hàng, với những phương án hết sức cụ thể. Ngày 17/5/2019, Khôi Nguyên làm việc với Giám đốc tài chính, đại diện của Tân Việt, để xác định mức độ thiệt hại và nhu cầu đền bù của khách hàng. Khôi Nguyên đồng ý đền bù trong phạm vi và mức độ, đúng với chất lượng hàng mà khách hàng đang sử dụng. Ngày 6/6/2019, Khôi Nguyên làm việc với ông Igo, trao đổi trên tinh thần thiện chí giữa Khôi Nguyên và Tân Việt. Tại cuộc gặp, hai bên đã xác định một số nội dung: (1) Quan hệ giữa Tân Việt và Khôi Nguyên, không liên quan đến quần áo của ông Igo bị hư hỏng. Vì thế, Tân Việt không thể dùng việc giữ lại số tiền 140 triệu đồng, mà lẽ ra Tân Việt phải thanh toán cho Khôi Nguyên theo Hợp đồng. Ông Igo đồng ý quan điểm đó. (2) Việc đền bù là giữa ông Igo và Khôi Nguyên, trong đó Tân Việt có liên đới trách nhiệm (vì sau 5 ngày, kể từ ngày giao hàng, Tân Việt mới thông báo hàng hỏng, trong khi theo Hợp đồng là sau 12 giờ). (3) Xác định rõ, Tân Việt đã kiểm tra hàng trước khi nhận lại hàng sạch và tại thời điểm đó không có khiếu nại gì.
Ngày 12/7/2019, Khôi Nguyên tiếp tục gặp Tân Việt trao đổi, đưa ra phương án cụ thể: Khôi Nguyên sẽ mua quần áo đúng với thương hiệu, kích cỡ của ông Igo. Ngày 17/7/2019, Tân Việt thông báo cho Khôi Nguyên: Ông Igo đồng ý nhận bồi thường hàng thương hiệu Hugo Boss, do Khôi Nguyên mua theo đúng kích cỡ của ông Igo. Ngày 20/7/2019, Tân Việt thông báo kích thước cho Khôi Nguyên, nhưng khi Khôi Nguyên triển khai thực hiện, thì ông Igo lại thay đổi lập trường, không yêu cầu bồi thường bằng hiện vật nữa, mà bồi thường bằng tiền. Ngày 15/9/2019, tại Hà Nội, hãng Hugo Boss tổ chức buổi bán hàng riêng, Khôi Nguyên cử lãnh đạo mời ông Igo ra Hà Nội để lựa đồ, nhưng Igo không ra. Ngày 24/9/2019, lãnh đạo Khôi Nguyên có chuyến công tác sang London (Anh), Khôi Nguyên đề nghị được mua cho ông Igo hàng chất liệu là len Cashimir, với giá là 575 bảng/bộ (khoảng 30 triệu đồng), mặc dù hàng của ông Igo chỉ là cotton len. Tưởng rằng ông Igo sẽ chấp nhận, nhưng không. Đến lúc này, ông Igo lại thay đổi quan điểm: Không nhận quần áo nữa, mà nhất định đòi trả số tiền 7.000 Euro.
Như vậy, từ tháng 2/2019 đến tháng 11/2019 (và chưa biết đến bao giờ), Tân Việt, mà cụ thể là ông Igo G.Raeuber, đã chiếm dụng của Khôi Nguyên số tiền 140 triệu đồng, bằng 1/3 quỹ lương của Công ty. Hành vi của Tân Việt và ông Igo, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của 70 công nhân của Khôi Nguyên. Điều đáng phê phán hơn, sau khi vụ việc xảy ra, Tân Việt còn đơn phương hủy hợp đồng dịch vụ giặt là với Khôi Nguyên, đã từng tồn tại tốt đẹp 14 năm nay.
Ông Igo G.Raeuber là người Đức, được Tân Việt của Việt Nam thuê làm Tổng Quản lí khách sạnh Surise. Do đó, ông phải sống và làm việc theo nếp sống văn hóa và pháp luật Việt Nam. Nếp sống văn hóa, đạo lí của người Việt Nam là: Làm công thì phải trả lương; mất mát hư hỏng thì phải bồi thường; có lỗi thì xin lỗi và khắc phục lỗi. Pháp luật Việt Nam quy định: Quan hệ làm ăn kinh tế phải có hợp đồng. Mất mát hư hỏng đến đâu thì bồi thường đến đó theo hợp đồng, không được thổi giá lên để vòi vĩnh. Một bộ quần áo vest và mấy cái quần dài của ông Igo đã qua sử dụng, thổi giá khoảng 30 triệu đồng, để bắt những người lao động Việt Nam bồi thường số tiền 140 triệu đồng, vừa trái đạo lí, vừa vi phạm pháp luật Việt Nam. Hành vi chiếm giữ số tiền 140 triệu đồng của Tân Việt và ông Igo gần một năm nay, có thể xem là hành vi chiếm giữ tài sản trái phép, được quy định tại Khoản 1, Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015. Khoản 1, Điều 176 quy định: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lí hợp pháp, hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng… thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Thiết nghĩ, Công ty Tân Việt và ông Igo G.Raeuber cũng nên có thiện chí với Công ty Khôi Nguyên, để giải quyết vụ việc một cách êm đẹp; vừa có tình, lại đúng lí; thể hiện một doanh nhân nước ngoài có văn hóa, hiểu biết và tôn trọng văn hóa, cũng như pháp luật Việt Namn