Vụ đấu giá khu dân cư Hòa Lân, Bình Dương: Nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước?
Pháp luật - Bạn đọc 23/11/2020 16:56
Ngày 2/11/2020,Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về hoạt động bán đấu giá tài sản, trong đó nêu rõ một số tồn tại, hạn chế: xác định giá khởi điểm chưa sát với giá thị trường, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản chưa khách quan, lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản “sân sau”; giám sát quá trình tổ chức đấu giá chưa thường xuyên, buông lỏng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành thực hiện các giải pháp cụ thể để khắc phục. Đây là chỉ đạo rất kịp thời của Thủ tướng, vì nguy cơ thất thoát tài sản, tham nhũng trong hoạt động đấu giá là rất lớn.
Đấu giá khu dân cư Hòa Lân, liệu đã công bằng, bình đẳng?
Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn cho Công ty Thiên Phú vay, tính đến năm 2007 thì tổng nợ gốc là 1.117 tỷ đồng, tài sản thế chấp là Khu dân cư Hòa Lân với diện tích xấp xỉ 50 hecta (490.765 m2). Khoản nợ thành nợ xấu từ năm 2008, Công ty Thiên Phú đã đồng ý để Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn bán đấu giá khu dân cư Hòa Lân thu hồi nợ.
Ngày 25/5/2017, phiên đấu giá tài sản diễn ra. Giá khởi điểm của toàn bộ Dự án gần 50 hecta đất là 963 tỷ đồng. Có 3 doanh nghiệp tham gia đấu giá đã trả giá: Công ty đầu tư Thái Bình trả 1.283 tỷ đồng, Công ty phát triển nhà Thủ Đức trả 1.343 tỷ đồng, Công ty xây dựng A Đồng Hải trả 1.353 tỷ đồng. Công ty xây dựng A Đồng Hải (sau này đổi tên thành Công ty CP ĐT và PT Kim Oanh TP.Hồ Chí Minh – sau đây gọi chung là Công ty Kim Oanh). Công ty Kim Oanh được xác định là người trúng đấu giá. Theo quy chế đấu giá được ban hành và công bố trước khi đấu giá, người trúng đấu giá phải thanh toán toàn bộ số tiền trúng đấu giá trong vòng 45 ngày, kể từ ngày đấu giá thành. Biên bản đấu giá xác định: Người trúng đấu giá phải thanh toán 20% số tiền trúng đấu giá và ký Hợp đồng mua bán tài sản trúng đấu giá trước ngày 5/6/2017. Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá, ngày 5/6/2017, Công ty Kim Oanh không thanh toán số tiền 20%. Hết 45 ngày, Công ty Kim Oanh cũng không thanh toán toàn bộ số tiền trúng đấu giá. Gần 2 năm sau, cho đến ngày 15/3/2019, Công ty Kim Oanh mới thanh toán hết số tiển mua tài sản trúng đấu giá từ 25/5/2017. Mặc dù vậy, Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn và đơn vị tổ chức đấu giá là Công ty đấu giá Nam Sài Gòn cũng không yêu cầu hủy kết quả trúng đấu giá, để Công ty Kim Oanh mua được Dự án này.
Vụ việc trên vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc công bằng, bình đẳng, trung thực, công khai trong đấu giá. Cả 3 doanh nghiệp tham gia đấu giá đều trả giá trên cơ sở xác định phải thanh toán tiền ngay trong vòng 45 ngày, phải chuẩn bị kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính theo yêu cầu này. Chính vì vậy, Công ty kinh doanh nhà Thủ Đức (Thủ Đức House), một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lớn, có uy tín đã trả giá đến 1.343 tỷ đồng, chỉ thấp hơn Công ty Kim Oanh 10 tỷ đồng đã không trúng đấu giá.
Quy chế đấu giá công khai không cho phép trả chậm đến 2 năm. Thủ Đức House không ngờ rằng sau khi trúng đấu giá có thể chậm trả đến 2 năm. Hồ sơ đấu giá của Thủ Đức House được đánh giá là tốt nhất, có cả cam kết của ngân hàng trả ngay tiền nếu trúng đấu giá. Người có sẵn tiền thì không trúng, Công ty Kim Oanh không có tiền những vẫn trả giá liều thì lại trúng, liệu Công ty Kim Oanh có biết trước Ngân hàng Nông nghiệp sẽ cho mình kéo dài việc thanh toán lên đến 2 năm? Lý do chậm thanh thanh toán mà Công ty Kim Oanh đưa ra là các hộ dân không di dời, do cơ quan chức năng đo vẽ… đều là thuộc nghĩa vụ của Công ty Kim Oanh sau khi làm chủ đầu tư Dự án, không phải là căn cứ cho việc chậm thanh toán. Nội dung này cũng không có trong Quy chế bán đấu giá công khai. Đấu giá không công bằng, không bình đằng thì không thể có giá cao nhất. Nếu quy chế đấu giá công khai cho phép trả chậm hai năm, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia và giá trúng đấu giá chắc chắn sẽ cao hơn nhiều.
Nghiêm trọng hơn, Biên bản đấu giá quy định người trúng đấu giá phải tự thực hiện các thủ tục xin chuyển đổi chủ đầu tư, khi có văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì tổ chức công chứng mới công chứng được Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Dù chưa được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận là chủ đầu tư, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn, Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn, Công ty Kim Oanh vẫn ký Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá công chứng vào ngày 1/7/2017.
Nguy cơ thất thoát tài sản của Nhà nước?
Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn không yêu cầu hủy kết quả đấu giá, vẫn cho phép Công ty Kim Oanh mua tài sản mặc dù đến ngày 15/3/2019 mới thanh toán hết tiền, với lý do Công ty Kim Oanh chịu lãi phát sinh 8%/năm trên số tiền chậm thanh toán. Nếu tính số tiền chậm thanh toán 8%/năm thì tổng số tiền thu về cả tiền bán đấu giá cũng chỉ khoảng 1.500 tỷ đồng. Về bản chất, vào thời điểm 15/3/2019 (trả hết tiền),tài sản này mới được bán, chỉ với giá khoảng 1.500 tỷ đồng, giá định từ năm 2017, không định giá lại vào thời điểm 2019, không qua đấu giá lại. Việc trả chậm 2 năm với lãi suất 8% không có trong điều kiện đấu giá công khai, không cho các doanh nghiệp tham gia đấu giá khác có cơ hội biết và cân nhắc điều kiện này. Năm 2019, có thông tin về việc đã có nhà đầu tư trả hơn 3.000 tỷ đồng để mua dự án 50 hecta này. Số tiền chậm trả chỉ là 8%/năm, tưng ứng với lãi suất tiền gửi tiết kiệm, nếu Công ty Kim Oanh đi vay tiền ngân hàng thì chắc chắn mức lãi suất thông thường cũng cao hơn nhiều và khó có thể vay được vốn với Dự án đang đấu giá này. Trong khi đó, giá đất trên thị trường tại khu vực Dự án này đã tăng gấp nhiều lần từ năm 2017 đến nay.
Tổng nợ gốc của Công ty Thiên Phú với Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn là hơn 1.117 tỷ đồng, vay từ 2003 – 2007, nếu tính 10 năm, với lãi suất trong hạn 10%, chưa tính lãi quá hạn, thì tổng số tiền lãi phát sinh đến 2017 là hơn 1.100 tỷ đồng, tổng nợ gốc và lãi sẽ là hơn 2.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền Ngân hàng Nông nghiệp thu được vào năm 2019 sau khi bán đấu giá chỉ là khoảng 1.500 tỷ đồng. Nếu trừ các chi phí cho việc bán đấu giá, định giá, thuế… thì Ngân hàng không thể thu đủ toàn bộ gốc và lãi. Số tiền không thu được có thể lên đến cả ngàn tỷ đồng. Ngân hàng Nông nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, cả ngàn tỷ đồng của Nhà nước có nguy cơ bị thất thoát do vi phạm từ việc không hủy kết quả đấu giá của Công ty Kim Oanh. Ngân hàng thu không đủ nợ, bản chất là Nhà nước, ngân sách mất tiền, chủ sở hữu tài sản (Công ty Thiên Phú) mất tiền.
Công ty Thiên Phú đã khởi kiện vụ án ra TAND quận 7, TP.Hồ Chí Minh yêu cầu hủy kết quả đấu giá. Tòa án đã ra quyết định ngăn chặn, không cho chuyển dịch toàn bộ Dự án. Tuy nhiên mới đây, TAND quận 7 đã xét xử sơ thẩm và bác yêu cầu của Công ty Thiên Phú, gỡ bỏ biện pháp ngăn chặn, tức thừa nhận việc đấu giá là hợp pháp.
Nghị định 17/2010 và Luật Đấu giá năm 2016 đều quy định nguyên tắc bán đấu giá: Bình đẳng, công bằng, trung thực, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia. Thanh tra Bộ Tư pháp đã có kết luận khá rõ ràng. Nên chăng các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét lại Bản án của TAND quận 7 để hủy kết quả đấu giá, bán đấu giá lại, thu hồi tài sản thất thoát cho Nhà nước.