Vụ cụ Lê Thị Gái ở phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh kêu cứu: Hệ lụy từ một bản án có dấu hiệu oan sai
Pháp luật - Bạn đọc 26/06/2020 09:55
Nội dung vụ việc
Cụ Lê Thị Gái, sinh năm 1937, ở xã Đại Hợp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Năm 1958, cụ đi thanh niên xung phong. Năm 1959, cụ nhập ngũ vào Bộ đội Hải quân. Năm 1965, cụ chuyển ngành về công tác tại Lâm trường Móng Cái. Chồng cụ là sĩ quan quân đội bị bệnh hiểm nghèo chết năm 1968. Vợ chồng cụ sinh được một người con trai là ông Lê Thanh Quang (sinh năm 1966). Sau khi chồng chết, cụ chuyển công tác về Trạm Thực nghiệm Yên Lập, nay là Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học Lâm - Nông nghiệp Quảng Ninh và về hưu 9/1983. Năm 1995, ông Lê Thanh Quang kết hôn với bà Đỗ Thị Nhung là công nhân Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thuộc Công ty than Uông Bí. Hai vợ chồng sinh được hai người con trai. Năm 2003, do mâu thuẫn gia đình, vợ chồng ông Quang, bà Nhung li hôn tại TAND huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên). Ông Quang nuôi người con lớn, bà Nhung nuôi người con bé. Về tài sản, Tòa án buộc ông Quang và bà Nhung phải trả cho cụ Gái thửa đất số 9A, diện tích 92,4m2, được thể hiện trên tờ bản đồ số 23, mà ông Quang và bà Nhung đang ở cùng với mẹ chồng. Tài sản trên đất là ngôi nhà xây gạch xỉ trị giá 42 triệu đồng. Bà Nhung được hưởng một nửa giá trị tài sản là 22 triệu đồng. Bà Nhung không đồng ý với quyết định của TAND huyện Yên Hưng đã làm đơn kháng cáo. Tại Bản án phúc thẩm ngày 8/7/2003 của TAND tỉnh Quảng Ninh xử, hủy phần tài sản trong bản án dân sự sau li hôn để xét xử lại theo quy định. Tại phiên tòa sơ thẩm vụ “Kiện chia tài sản li hôn” ngày 31/12/2003, TAND huyện Yên Hưng quyết định lấy cả phần đất mang tên cụ Gái để chia cho bà Nhung và buộc ông Quang phải trả cho bà Nhung 71,6 triệu đồng. Ông Quang và cụ Gái kháng cáo. Ngày 14/4/2004, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa phúc thẩm, bác đơn của bà Gái, ông Quang. Trong bản án ghi rõ: “Bà Lê Thị Gái phải có trách nhiệm cùng anh Quang làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho anh Lê Thanh Quang theo quy định chung”. Tiếp đó, Đội Thi hành án dân sự (THADS) huyện Yên Hưng (nay là Chi cục THADS thị xã Quảng Yên) bán đấu giá tài sản của cụ coi như thửa đất trên vô chủ, trong khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mang tên cụ Gái vẫn còn nguyên giá trị pháp luật. Giá trị tài sản là diện tích đất khi mang ra bán đấu giá, giá thị trường thời điểm đó khoảng 400 triệu đồng, nhưng “được” Trung tâm định giá mở đấu thầu là 157.696.000 đồng. Những người tham gia, chứng kiến cuộc đấu giá có nhiều ý kiến mâu thuẫn được ghi trong biên bản. Ông Trần Công Nguyên, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Hưng có ý kiến: “…Không nhất trí là khi tài sản đó chưa chuyển sang cho ông Quang (con đẻ bà Gái) thì không thể bán đấu giá được”…
Cụ Lê Thị Gái nhìn mái nhà đổ nát mà không được sửa chữa và Sổ đỏ mang tên cụ Gái. |
Trao đổi với chúng tôi, cụ Gái cho biết: “Trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến nay, Đội THADS huyện Yên Hưng nhiều lần lập đoàn cưỡng chế, nhưng đều phải dừng lại trước sự phản ứng của dư luận và Nhân dân, vì họ cho đây là bản án oan sai. Con chúng tôi không ở được với nhau, li hôn “chia con, chia cái”, tài sản chúng nó có gì chia nấy tôi không có ý kiến gì, nhưng bắt tôi “giao” mảnh đất mà cả đời tôi chắt bóp dành dụm để bán chia cho các con li hôn thì còn gì là đạo lí nữa? Thử hỏi công lí ở đâu?”.
Luật sư Bùi Thanh Vân, Công ty TNHH Luật 4.1 và cộng sự - Chi nhánh Quảng Ninh thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Việc Bản án dân sự phúc thẩm số 12/2004/DSPT ngày 14/4/2004 của TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên không rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của người có quyền lợi liên quan trong vụ án do đó không có căn cứ để xác định thửa đất của cụ Gái đã được UBND huyện Yên Hưng cấp sổ đỏ số S2010229, cấp ngày 15/5/2001 là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đến ngày hôm nay, sổ đỏ mang tên cụ Gái vẫn có hiệu lực và được Nhà nước bảo vệ theo quy định của Luật Đất đai. Việc thi hành án của Chi cục THADS thị xã Quảng Yên có nhiều dấu hiệu vi phạm nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án mà pháp luật đã quy định, có dấu hiệu lạm quyền và trái pháp luật.
Các cơ quan chức năng nói gì?
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này ông Hồ Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy thị xã Quảng Yên; ông Trần Đức Thắng, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên đồng quan điểm: “Vụ việc này rất phức tạp, mà nguyên nhân chủ yếu từ phía Tòa án và Cơ quan THADS. Về phía UBND thị xã Quảng Yên đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa giải quyết xong. Vấn đề ở chỗ không thể hỗ trợ cụ Gái được khi đang tranh chấp về thi hành án”.
Được biết, người trúng đấu giá mua thửa đất của cụ Gái là ông Tô Văn Bẩy, ở tổ 1, khu 1, phường Hà Lầm, TP Hạ Long, nhiều năm nay đã gửi đơn thư yêu cầu Chi cục THADS thị xã Quảng Yên bàn giao thửa đất của cụ Gái, bằng cách hoán đổi sang vị trí khác với trị giá tương đương. Theo như thông tin chúng tôi có được, Chi cục THADS thị xã Quảng Yên đang đề nghị UBND thị xã Quảng Yên dùng 3 lô đất ở thuộc Khu dân cư cao cấp Phú Minh Hưng, phường Quảng Yên trả cho ông Bẩy. Đối với quyền lợi của cụ Gái, Chi cục THADS Quảng Yên không đoái hoài đến.
Thay cho lời kết:
Những năm qua thực hiện việc cải cách công tác Tư pháp nhiều vụ án oan sai đã được các cấp tòa công khai xin lỗi, nhưng hệ lụy của nó vô cùng nặng nề. Bản án mà TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên trong vụ “Kiện chia tài sản li hôn” có dấu hiệu oan sai gây nên hệ lụy đến vật chất, đặc biệt là tinh thần của cụ Gái, một NCT, một cựu chiến binh, người có công với cách mạng. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng, trong đó có TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao nhanh chóng vào cuộc xem xét lại vụ án trên, trả lại sự công bằng và những quyền lợi hợp pháp của cụ Gáin