Vụ bé trai bị bạo hành và chế tài của tội “Hành hạ người khác”
Pháp luật - Bạn đọc 31/08/2023 08:35
Trước đó, khoảng 16 giờ ngày 23/8/2023, người dân phường An Phú Đông phát hiện bà Trang trói bé T vào cột điện trong tình trạng trần truồng và dùng cán chổi đánh liên tục vào người bé. Bức xúc vụ việc, người dân đã gọi điện báo công an. Theo một số người dân sinh sống tại đây, bé T rất ngoan nhưng không rõ vì sao bà Trang lại hành hạ nạn nhân như vậy? Hàng xóm cũng cho biết, bà Trang thường xuyên trói bé T vào cột điện trong tình trạng không mặc đồ và đánh đập dã man. Mặc cho bé T khóc lóc van xin nhưng người phụ nữ này không tha. Người dân đến can ngăn thì bị bà Trang chửi bới, đe dọa.
Nhận tin báo, Công an quận 12 đã mời bà Trang và bố của bé T lên làm việc. Qua đó, xác định bé T mồ côi mẹ. Do phải đi làm bố cháu T gửi con cho bà Trang chăm sóc.
Bước đầu làm việc với cơ quan chức năng, bà Trang khai nhận, trong lúc trông coi cháu T học bài, bà Trang phát hiện cháu không làm bài tập. Bà Trang tức giận, cởi đồ cháu T, kéo ra trước nhà, dùng dây cáp internet buộc vào trụ điện dùng cán chổi đánh liên tiếp vào người cháu T khiến cháu la khóc. Cháu T vùng vẫy thoát khỏi dây buộc bỏ chạy thì bị bà Trang tiếp tục dùng cán chổi đánh, gây ra nhiều vết bầm tím trên cơ thể của cháu. Thời điểm bà Trang dùng chổi đánh cháu T, có nhiều người dân đi qua can ngăn nhưng bà Trang vẫn đánh.
Cháu T bị bà Trang trói vào cột điện để hành hạ |
Hiện, Công an quận 12 đang giám định thương tích của bé T, củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án.
Dưới góc độ pháp lí, luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Hành vi bạo hành của bà Trang đối với cháu T là rất đang lên án, nếu người dân không kịp thời phát hiện và thông báo cho cơ quan công an thì rất dễ xảy ra hậu quả thương tâm như: Gây thương tích nặng, sang chấn tâm lí, hoảng loạn ở trẻ, thậm chí có thể ảnh hưởng tới tính mạng.
Với hành vi trói và đánh cháu bé nhiều lần như vậy, bà Trang có dấu hiệu của tội “Hành hạ người khác” theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cơ quan điều tra có thể khởi tố đối tượng về tội danh này.
Theo luật sư Nguyễn Văn Đồng, pháp luật quy định, hành hạ người khác là hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình. Hành vi xâm phạm đến quyền được bảo hộ về thân thể, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm của người bị lệ thuộc. Hành vi đối xử tàn ác là làm cho nạn nhân đau đớn về thể xác và đè nén, áp bức về tinh thần như: đánh đập, giam hãm.
Trường hợp bị chứng minh và cáo buộc tội “Hành hạ người khác”, bà Trang có thể đối mặt với tình tiết tăng nặng là phạm tội với người dưới 16 tuổi được quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ 1 - 3 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội còn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường do xâm phạm sức khỏe của cháu bé theo quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015. Chi phí bồi thường gồm chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.
Ngoài ra, còn phải bồi thường chi phí hợp lí và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lí cho việc chăm sóc người bị thiệt hại...
“Qua sự việc cho thấy, các bậc cha mẹ cần xem xét khi gửi con cho những cá nhân, tổ chức dạy học, dạy kèm không có chức năng. Bởi những cá nhân và tổ chức này không đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, người dạy thiếu chuyên môn và kĩ năng nghề nghiệp, dẫn tới hiệu quả không cao và tiềm ẩn các rủi ro, hệ lụy đáng tiếc như vụ việc trên”, luật sư Nguyễn Văn Đồng nêu quan điểm.