Vụ án ông Hồ Đình Tùng, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thị xã Nghi Sơn: Có dấu hiệu vi phạm tố tụng?
Pháp luật - Bạn đọc 10/11/2021 08:10
Ngày 4/10, phiên xét xử sơ thẩm đã tuyên ông Hồ Đình Tùng mức án 30 tháng tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp tổ chức, cá nhân”. Ngay khi phiên tòa kết thúc ông Hồ Đình Tùng đã làm đơn kháng cáo bản án.
Những dấu hiệu vi phạm tố tụng
Theo Cáo trạng số 77/CT-VKS-P2 (ngày 12/7/2021) của VKSND tỉnh Thanh Hóa, ông Tùng bị truy tố về Tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ngày 1/10/2021, TAND tỉnh Thanh Hóa đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tại tòa, trong quá trình thẩm tra, xét hỏi, tranh luận luật sư bào chữa cho bị cáo Hồ Đình Tùng đã phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm về tố tụng.
Bị cáo Hồ Đình Tùng tại phiên sơ thẩm |
Cụ thể, ngày 17/3/2021, Phó Viên trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Huyên ký Quyết định số 22/QĐ-VKS-P2 phân công Kiểm sát viên Lê Minh Huệ và Kiểm sát viên Lê Toàn thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm theo “Đơn tố cáo nặc danh” của tập thể cán bộ đảng viên, công chức, viên chức thị xã Nghi Sơn tố cáo ông Hồ Đình Tùng, Phó Chủ tịch HĐND thị xã Nghi Sơn có hành vi mạo danh người khác gửi đơn tố cáo đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh (…) nhằm bôi nhọ, xúc phạm ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn.
Thế nhưng, trong quá trình kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin, ngày 18/3/2021, khi chưa có quyết định khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can, ông Hồ Đình Tùng đã bị Điều tra viên Nguyễn Văn Chính thuộc Cơ quan ANĐT, Công an tỉnh Thanh Hóa và bà Lê Thị Hồng Nhung, điều dưỡng viên Bệnh viện Công an tỉnh Thanh Hóa dùng xi lanh lấy máu vào “một ống đựng mẫu máu của ông Hồ Đình Tùng”, nhưng không được Kiểm sát viên Lê Minh Huệ và Lê Toàn kiểm sát hành vi lấy máu ông Hồ Đình Tùng. Trong khi đó, việc lấy máu này để trưng cầu giám định không thuộc “Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định” theo quy định tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015.
Sau khi lấy máu của ông Hồ Đình Tùng xong, cũng trong ngày 18/3/2021, Thượng tá Đỗ Ngọc Dương, Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan ANĐT, Công an tỉnh Thanh Hóa căn cứ vào Biên bản thu giữ tài liệu ngày 16/3/2021 của Công an tỉnh Thanh Hóa; Căn cứ vào Biên bản thu mẫu máu của ông Hồ Đình Tùng vào ngày 18/3/2021; và căn cứ vào các điều 36, 39, 68, 205 và 208 Bộ luật TTHS năm 2015 ra Quyết định trưng cầu giám định số 13/QĐTCGĐ để tổ chức giám định.
Đối tượng giám định là 8 phong bì thư được giao nhận vào ngày 16/3/2021; Mẫu so sánh là mẫu máu thu của ông Hồ Đình Tùng. Tuy nhiên, Quyết định trưng cầu giám định số 13/QĐTCGĐ (ngày 18/3/2021) này không gửi cho Viện KSND tỉnh Thanh Hóa và các Kiểm sát viên cũng không thực hiện kiểm sát việc trưng cầu giám định. Việc đóng, mở niêm phong mẫu máu lấy của ông Hồ Đình Tùng để tự ý giám định không có mặt của các kiểm sát viên là việc làm rất tùy tiện. Nói cách khác, việc giám định không có Quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát là vi phạm vào khoản 3 Điều 205 Bộ luật TTHS năm 2015.
Việc tiến hành mở, kiểm tra hòm thư tại Bưu điện TP Thanh Hóa cũng không có Quyết định hoặc Lệnh phê chuẩn của Viện Kiểm sát là việc làm vi phạm tố tụng.
Theo hồ sơ vụ án, lúc 11 giờ 10 ngày 15/3/2021, ông Nguyễn Văn Hòa (Phó đội trưởng) và ông Tô Hùng Cường cán bộ của Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Bưu điện TP Thanh Hóa tiến hành mở, kiểm tra hòm thư tại Bưu điện TP Thanh Hóa kiểm tra có 8 phong bì thư, trong đó có 3 thư đề tên người gửi là Trần Văn Ngọc và 1 thư của bà Trần Thị Nhung; và trích xuất camera an ninh giám sát hòm thư của Bưu điện.
Hoạt đông này không có Quyết định hoặc Lệnh phê chuẩn của Viện KSND tỉnh Thanh Hóa là vi phạm vào Điều 197 Bộ luật TTHS năm 2015. Khoản 1 Điều 197, quy định: “Khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ. Lệnh này phải được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành”.
Mặt khác, sáng 15/3/2021, Hồ Đình Tùng bị cưỡng ép đưa về Công an Thanh Hóa. Theo đó, 14 giờ ngày 15/3/2021, Hồ Đình Tùng bị cán bộ Nguyễn Văn Diện (Cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Thanh Hóa) lập biên bản lấy lời khai. Việc bắt người và lấy lời khai này cũng không có quyết định hoặc Lệnh phê chuẩn của Viện Kiểm sát.
Như vậy, việc làm trên có dấu hiệu vi phạm Điều 20 Hiến pháp năm 2013; và vi phạm Điều 10 Bộ luật TTHS năm 2015, có nội dung: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về than thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang”.
Theo luật sư Lê Trọng Hùng, vào sáng ngày 15/3/2021, ông Hồ Đình Tùng (Phó Chủ tịch HĐND thị xã Nghi Sơn) khi đang ngồi trên xe taxi lưu thông trên đường Lê Hoàn, TP Thanh Hóa đã bị áp giải trái pháp luật, vì không có Quyết định của Tòa án, Quyết định hoặc Lệnh phê chuẩn của Viện Kiểm sát. Trong quá trình bị bắt giữ, những người bắt ông Hồ Đình Tùng không thông báo cho HĐND thị xã Nghi Sơn, trong khi ông Tùng đang là công chức được dân bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐND thị xã Nghi Sơn (thuộc Thường vụ Tỉnh ủy quản lý); và không thông báo cho gia đình ông Tùng biết. Trong khi bị bắt giữ trái pháp luật, thì phòng làm việc của ông Tùng tại HĐND thị xã Nghi Sơn bị kẻ gian đột nhập lấy trộm một số tài sản. Việc này, tại Tòa, bị cáo Tùng cho biết đã làm văn bản báo cáo với Công an thị xã Nghi Sơn nhưng đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Nhiều nội dung vụ án cần được làm sáng tỏ
Phiên tòa sơ thẩm khép lại với mức án 30 tháng tù cho bị cáo Hồ Đình Tùng. Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm và cần được các cơ quan tố tụng Trung ương xem xét thấu đáo một cách công bằng, khách quan là liệu vụ án này có bị hình sự hóa; quá trình tiến hành thu thập chứng cứ, tài liệu, bắt giữ người của Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Thanh Hóa có đúng với quy định của pháp luật?
Luật sư Lê Trọng Hùng hỏi người bị hại là ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn tại phiên sơ thẩm |
Đây là vụ án nghiêm trọng thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện. Về thẩm quyền điều tra, vụ án này thẩm quyền thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra nhưng Cơ quan ANĐT, Công an tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng Điều 17 Luật Tổ chức điều tra hình sự để điều tra. Trước khi chưa khởi tố vụ án, Cơ quan ANĐT đã lấy máu, lấy dấu vân tay mà không được sự đồng ý của ông Tùng là xâm phạm đến thân thể và quyền tự do công dân, việc áp giải, giữ người khi chưa có quyết định khởi tố vụ án là vi phạm Điều 20 của Hiến pháp năm 2013.
Cơ quan ANĐT kết luận điều tra là có dấu vân tay, AND và tế bào của ông Tùng trên các bì thư và đơn tố cáo là không có cơ sở, thiếu khách quan vì ông Tùng khẳng định là không gửi đơn thư đến các địa chỉ trường học, cơ quan, đơn vị hay cá nhân nào trên địa bàn thị xã Nghi Sơn sau khi ông nhận được đơn thư tố cáo của công dân gửi đến cho ông với tư cách là Phó Chủ tịch thường trực HĐND thị xã Nghi Sơn. Tuy nhiên, Cơ quan ANĐT kết luận quy tội cho ông Tùng là photocopy các đơn tố cáo đến bưu điện gửi là không đúng, không có cơ sở?
Việc khởi tố, điều tra, truy tố có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Công tác thu dấu vân tay và ADN có đúng quy định, có đáp ứng được các điều kiện để phân tích, làm rõ những mẫu Gen trên các bì thư là của ông Hồ Đình Tùng? Từ đó dẫn đến Kết luận điều tra có được cho là giá trị để chứng minh ông Tùng liên quan đến đơn thư tố cáo hay không?