Viết tiếp vụ lùm xùm sau đám tang ca sĩ Vân Quang Long: Nhân thân và quá trình công tác của nhà giáo Lê Quang Hiếu và nhà giáo Nhâm Thị Tư
Pháp luật - Bạn đọc 07/05/2021 08:37
Chúng tôi tiếp tục hành trình về Đồng Tháp, để tìm hiểu nhân thân và quá trình công tác của vợ chồng nhà giáo Lê Quang Hiếu - Nhâm Thị Tư (bố mẹ của cố ca sĩ Vân Quang Long). Chúng tôi lắng lại, khi nhìn vợ chồng nhà giáo nghỉ hưu, nhưng phải đối mặt với nỗi đau khôn xiết, đó là vừa mất người con trai duy nhất, vừa phải chịu “búa rìu” của sự vu khống vô căn cứ.
Khi chúng tôi đến nhà, ông Lê Quang Hiếu bỏ dở việc chăm bón cây, vào chăm chút ban thờ, tay run run thắp nén nhang cho người con trai duy nhất của vợ chồng ông. Chân ông bị đau, nên đi lại có phần khó khăn. Ông cho biết, sức khoẻ của ông yếu hơn, kể từ ngày Vân Quang Long qua đời. Thế nhưng, vợ chồng ông vẫn bị kẻ xấu ác tâm lộng ngôn xúc phạm, chửi rủa, bêu rếu cả dòng họ Lê Gia là ăn cướp tiền phúng điếu của bé Helen (con của cô Ly).
Vợ chồng nhà giáo Lê Quang Hiếu – Nhâm Thị Tư |
Sự thực hai đấng sinh thành của cố ca sĩ Vân Quang Long đã sống như thế nào? Có đúng là thậm xấu như các thông tin đăng tải trên các kênh youtube thời gian qua? Chúng tôi tìm về nơi nhà giáo Lê Quang Hiếu và nhà giáo Nhâm Thị Tư công tác. Nơi công tác của nhà giáo Nhâm Thị Tư là Trường THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu, ở TP Sa Đéc. Tại UBND tỉnh Đồng Tháp và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi được tiếp cận thông tin về quá trình công tác và nhân thân của nhà giáo Nhâm Thị Tư.
Nhà giáo Nhâm Thị Tư vào ngành từ ngày 15/12/1977, với chuyên ngành sư phạm sinh học, trực tiếp giảng dạy 33 năm (từ năm 1977 đến năm 2010), sau khi nghỉ hưu được chọn làm thỉnh giảng tại trường đến nay, vẫn tiếp tục tham gia bồi dưỡng các kì thi học sinh giỏi các cấp, dạy chuyên môn và ôn thi vào đại học. Qua quá trình công tác, ngày 9/11/2010, nhà giáo Nhâm Thị Tư được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cao quý “Nhà giáo ưu tú”. Trước đó, ngày 21/12/2007, bà được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Ngoài ra, bà còn được nhận 3 bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào các năm: 2001, 2003, 2007. Ở cấp tỉnh, bà được UBND tỉnh Đồng Tháp tặng 16 bằng khen, do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học và tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi đoạt giải cấp quốc gia. Riêng trong các năm 2003, 2005 và 2006, bà được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”. Năm 2007, bà còn được Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Tháp cấp Bằng khen, do đạt thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ Chủ tịch Công đoàn Trường THPT thị xã Sa Đéc.
Nhà giáo Nhâm Thị Tư và đội tuyển học sinh giỏi |
Bên cạnh đó, bà còn được nhận nhiều giấy khen, vinh danh do đạt nhiều thành tích trong hoạt động nghiệp vụ: Bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia; Giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh; Giải “Viên phấn vàng” năm 2003; Giải Ba Hội thi thiết bị tự làm bậc THPT cấp tỉnh năm 2009; Thành tích xuất sắc trong hoạt động “Vì sự tiến bộ phụ nữ” ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2001 -2005; Thành tích trong phong trào thầy và trò cùng xây dựng thư viện trường học năm 2005 - 2006; Thành tích xuất sắc trong hoạt động “Vì sự tiến bộ phụ nữ” năm 2007; Thành tích tiêu biểu trong cuộc vận động, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2007 - 2009; Thành tích xuất sắc nhiệm vụ xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” năm học 2008 - 2009; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở liên tục 10 năm (từ năm 1999 đến 2009)… Bà còn được nhận các Kỉ niệm chương: Vì sự nghiệp giáo dục, Vì sự nghiệp công đoàn. Tháng 1/2009, bà được nhận Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp khuyến học của Hội Khuyến học Việt Nam, do GS.TS Nguyễn Thị Doan kí tặng.
Về nhà giáo Lê Quang Hiếu, ông vào ngành năm 1980, với chuyên ngành Anh văn, thuộc Đại học Sư phạm. Ông Hiếu có 34 năm trực tiếp giảng dạy (từ năm 1980 đến năm 2014). Giai đoạn từ năm 1980 đến năm 1990, ông Hiếu làm cán bộ Phòng THPT, thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, phụ trách môn Anh văn. Giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2006, ông Hiếu làm giáo viên giảng dạy môn Anh văn của Trường THPT Đồ Chiểu Sa Đéc, với chức danh Tổ trưởng bộ môn. Từ năm 2007 đến năm 2008, ông Hiếu được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường THPT Đồ Chiểu Sa Đéc. Sau đó ông chuyển sang làm Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Sa Đéc, đến tháng 4/2014, ông nghỉ hưu theo chế độ.
Trong quá trình công tác, nhà giáo Lê Quang Hiếu cũng được ghi nhận với các thành tích: Hai bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vào các năm 2004, 2008; Ba bằng khen do UBND tỉnh Đồng Tháp trao tặng, với thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các năm học 2003, 2007, 2010. Ông còn được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp trao tặng các danh hiệu: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, liên tục từ năm 1998 đến năm 2014; Giấy khen trong hoạt động công đoàn. Với những nỗ lực trong lãnh đạo và công tác chuyên môn, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp hai lần ghi nhận bằng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”, vào các năm 2000 và 2009. Ông cũng vinh dự được nhận hai Kỉ niệm chương: Vì sự nghiệp giáo dục và Vì sự nghiệp công đoàn.
Với một gia đình nhà giáo như vậy, rõ ràng họ không thể chấp nhận một cô gái như Ngô Thị Trúc Ly, với hoàn cảnh gia đình quá lu bu, mà chúng tôi đã phản ánh ở bài trước, khi cô Ly là tác nhân chính khiến gia đình của con trai họ (Vân Quang Long) tan vỡ. Theo chúng tôi, có lẽ họ sẽ nguôi ngoai mà cho qua, nếu cô Ly hành xử khác đi sau khi ca sĩ Vân Quang Long qua đời, nếu cô Ly không mạo danh, không âm mưu tranh giành tiền phúng điếu, không có những thông tin vu khống, nhục mạ danh dự, nhân phẩm của họ.
Vụ lùm xùm sau đám tang ca sĩ Vân Quang Long: Từ âm mưu chiếm đoạt kinh tế và những thông tin vu khống, bịa đặt trên mạng xã hội Gia đình nhà giáo Lê Quang Hiếu - Nhâm Thị Tư rơi vào tình cảnh mất mát, đau thương không thể tả xiết, khi người ... |