Việc trì trệ cấp phép khai thác và chế biến vàng tại núi Hòn Mò O, tỉnh Phú Yên: Trách nhiệm thuộc về ai?
Pháp luật - Bạn đọc 12/03/2020 09:17
Khoáng sản bị hao hụt do … "vàng tặc"
Di chuyển bằng ô tô hơn 40km, ngược về phía Tây theo Quốc lộ 29, hướng từ TP Tuy Hòa, chúng tôi cùng Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cũng đến được núi Hòn Mò O vào một ngày nắng gắt đầu tháng 3. Chúng tôi không khỏi xót xa khi mỏ kim loại quý đã bị “vàng tặc” lấy đi một phần trữ lượng khoáng sản.
Với sự giúp đỡ của Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây và lực lượng an ninh địa phương dẫn đường, vượt dốc núi hiểm trở mới tiếp cận hàng chục căn hầm xuyên sâu vào lòng núi đã bị chính quyền phá sập, nhưng theo thời gian vẫn còn dấu vết nham nhở do vàng tặc để lại.
Ông Trần Văn Ân, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây cho biết: “Nhiều năm trước, khu vực này là điểm nóng về nạn khai thác vàng trái phép, an ninh trật tự tại địa phương đảo lộn, nhà nhà, người người kéo vào khu mỏ để tìm kiếm vàng mong đổi đời. Phu vàng không chỉ đánh đổi tuổi thanh xuân, mà nhiều người còn bỏ mạng ở vùng “đất hứa” này . Đã có 5 người chết vì sập hầm tại núi Hòn Mò O. Nơi khu vực đào vàng có địa hình trắc trở, gần 30 chiếc hầm đào sâu xuyên qua lòng núi, tạo thành địa đạo hầm hố nguy hiểm, nhưng phu vàng vẫn bất chấp tính mạng tìm vàng và cũng nhiều người may mắn giàu có, đổi đời, xây dựng nhà cửa.
Công an xã Đức Bình Tây chỉ khu vực bị vàng tặc khai thác trộm |
Thời gian vừa qua, chính quyền địa phương rất khó khăn mới quét sạch nạn khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng núi Hòn Mò O. Gần 4 năm nay, khu mỏ vàng mới được bình yên, nhưng nếu Nhà nước không sớm đưa vào khai thác và có an ninh bảo vệ thì nguy cơ quặng tặc quay lại bất cứ lúc nào, khi đó tình hình sẽ vô cùng phức tạp”.
Cũng theo chia sẻ của ông Trần Văn Ân, khai thác vàng quặng nguyên khai trong lòng núi không giống như vàng sa khoáng, muốn lấy được quặng, phu vàng bắt buộc phải đào xuyên sâu vào núi, phó mặc cho số phận, đầy rẫy những rủi ro. Nguy hiểm hơn, dân đào vàng đã đổ trực tiếp số lượng lớn hai loại chất kịch độc là Xianua và thủy ngân để sàng tuyển mới, có thể lấy được vàng đã nghiền quặng, gây nguy hại môi trường, ô nhiễm nguồn nước sông Hinh.
Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây chỉ cho Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (bên trái) về dấu vết hầm xuyên núi do phu vàng để lại trên núi Hòn Mò O. |
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành khoáng sản, núi Hòn Mò O đã hao hụt và bị lấy đi khoảng hơn 10% trữ lượng khoáng sản, vì nạn khai thác trái phép diễn ra trong một thời gian dài, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho Nhà nước.
“Quan điểm của xã rất ủng hộ và vui mừng khi có doanh nghiệp về khai thác mỏ, nhưng nhiều năm nay, mặc dù doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống đường giao thông, lắp đặt nhà lán, nhưng không hiểu vì vướng mắc gì? Mà đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai. Nếu cho doanh nghiệp khai thác, họ sẽ có lực lượng an ninh bảo vệ, giảm áp lực lên chính quyền, giải quyết một phần lao động địa phương, thu ngân sách, cải thiện hạ tầng khang trang hơn và kéo theo một số dịch vụ khác phát triển”, ông Trần Văn Ân mong muốn.
“Phớt lờ” chỉ đạo của Thủ tướng?
Theo quy hoạch, diện tích vùng khoáng sản mỏ vàng Hòn Mò O khoảng 42ha, nằm ở vị trí thôn Ty Bình, xã Đức Bình Tây, cách dòng Sông Hinh khoảng 300m, cách khu dân cư 10km. Khu khoáng sản vàng gồm: Vàng đá, vàng sa khoáng ở sông, suối, đất. Vàng non có độ tuổi khoảng 7-8 tuổi và một số kim loại khác.
Được biết, năm 2009, Công ty liên doanh Khoáng sản Chúng Thao Hằng Tân (Trung Quốc) và một doanh nghiệp trong nước lập dự án đầu tư khai thác vàng tại núi Hòn Mò O. Dự án khai thác có quy mô 165.000 tấn quặng/năm, trên diện tích khai thác mỏ 25ha và thời gian hoạt động 30 năm. Thế nhưng, sau đó doanh nghiệp này đã không thực hiện dự án.
Sau nhiều năm không có doanh nghiệp nào được chính thức cấp phép khai thác mỏ vàng, đến nay, một doanh nghiệp trong nước đã kiến nghị xin được quyền khai thác mỏ vàng Hòn Mò O, với cam kết về công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường. Nhưng tất cả hồ sơ đều nằm trên bàn giấy, đã 13 năm nay, dự án vẫn chưa được cấp phép khai thác?
Năm 2007, một doanh nghiệp trong nước đã mua lại toàn bộ cổ phần của phía Trung Quốc, dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh năm 2009. Nhà đầu tư đã bỏ ra hơn 60 tỷ đồng, đầu tư nhiều hạng mục dự án và hoàn thành mọi thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hơn 13 năm trôi qua, dự án vẫn chưa được cấp phép khai thác.
Để giải quyết dứt điểm vướng mắc trong cấp phép đầu tư dự án, năm 2018, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã có văn bản trả lời và đề xuất hướng giải quyết dự án khai thác, chế biến vàng tài Hòn Mò O. Đồng thời chấp thuận bổ sung khu vực này vào danh mục khu vực “không đấu giá”quyền khai thác khoáng sản. Qua đó hướng dẫn doanh nghiệp tổng hợp tài liệu địa chất để xác minh trữ lượng vàng tại mỏ, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở đủ điều kiện, để cấp phép khai thác khoáng sản, theo quy định của pháp luật hiện hành. Sau khi có chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT sẽ hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện việc lập hồ sơ cấp phép theo quy định của pháp luật.
Hơn 3 tiếng đồng hồ, giữa cái nắng gay gắt của miền sơn cước Sông Hinh, đầu tháng 3, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và nhóm phóng viên cũng hoàn thành chuyến thị sát thực tế núi Hòn Mò O |
Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, đã 3 lần Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến chỉ đạo và Văn phòng Chính phủ gửi công văn đôn đốc cho các bên liên quan, thậm chí yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, dự án khai thác, chế biến vàng Hòn Mò O vẫn giậm chân tại chỗ, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho Nhà nước và nhà đầu tư.
Theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, trách nhiệm để dự án trì trệ và kéo dài, gây lãng phí, thất thoát tài nguyên quốc gia, trước hết phải thuộc về Bộ TN&MT và UBND tỉnh Phú Yên, đã thiếu quan tâm và không thực sự quyết liệt trong hành động, có dấu hiệu cố tình “phớt lờ” ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ? Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan.
Báo điện tử Ngày mới sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.