Về thăm người cao tuổi làm kinh tế giỏi ở Ea Hồ
Phóng sự 25/06/2022 08:05
Vào sâu trong buôn làng, thăm những chủ vườn, chủ trang trại cao tuổi, tôi càng thấm thía hơn, trân quý hơn tính cần cù, chịu thương chịu khó, không cam chịu đói nghèo, không phụ thuộc con cháu mà vươn lên làm chủ cuộc sống bản thân, làm giàu cho gia đình và xã hội của những hội viên nơi đây.
Thăm trang trại của ông Y Sot Niê, dân tộc Ê Đê, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk |
Vườn sầu của hội viên cao tuổi Y Sot Niê
Vừa dẫn khách thăm vườn sầu riêng đang trổ hoa chi chít, ông Y Sot Niê, 70 tuổi, dân tộc Ê Đê vừa trả lời những câu hỏi của tôi một cách hài hước, hóm hỉnh. Dưới tán cây cao những vệt nắng lung linh nhảy múa. Ông chủ vườn cho biết, ông có trên 1,2ha trồng sầu riêng cổ thụ, thời điểm này cây đang cho hoa. Do đất tốt, lại đủ mưa nên hoa nở sai chi chít thành từng chùm như sung vậy. Muốn đậu được những trái to, ngon, bảo đảm chất lượng và mẫu mã đẹp, ông phải áp dụng thật tốt kĩ thuật và dành thời gian tỉa hoa. Công đoạn này rất tỉ mỉ, công phu, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, nếu không sẽ chạm vào làm rụng, hỏng hoa khác. Xen giữa sầu riêng, ông Niê trồng cà phê, tiêu, bơ và một số cây ăn trái khác. Ông bảo, bình quân mỗi héc ta thu khoảng 10 tấn sầu, mỗi năm cũng có tầm gần tỉ bạc. Hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ cũng khó khăn hơn, song ông bà cũng có vài trăm giắt túi.
Ông Y Sot Niê |
Nhớ lại những ngày đầu gây dựng trang trại, có biết bao là gian nan vất vả đổ lên đầu, lên vai hai vợ chồng Y Sot Niê. Có ít vốn đất, ông bà trồng cà phê, rồi bổ sung mấy chục cây sầu riêng. Tuổi trẻ có sức khỏe nhưng kinh nghiệm thì quá non nớt nên cứ lao vào làm, vừa vất vả, cực nhọc mà thu nhập chẳng là bao. Đàn con năm đứa (ba trai, hai gái) đang tuổi ăn tuổi lớn nên dù có loay hoay đủ cách mà cái vòng luẩn quẩn mãi chưa thoát ra được, cố lắm cũng chỉ đủ ăn. Nhìn ra xung quanh, họ cũng làm cà phê, tiêu, sầu, bơ mà sao nhẹ nhàng, thuận lợi đến thế. Rồi ông bắt đầu quan sát, tìm tòi, học cách làm giàu từ đất. Ông tìm hiểu cách trồng các loại cây, từ khoảng cách giữa các cây trồng sao cho hợp lí, vừa đúng kĩ thuật lại tận dụng diện tích. Rồi thời điểm bón phân, cắt tỉa cành thụ phấn hoa để cây đạt năng suất cao. Ông đi đến những gia đình có kinh nghiệm, gặp gỡ, trò chuyện, tham quan mô hình để rút ra cho mình cách làm phù hợp.
Sầu riêng trong trang trại ông Y Sot Niê đang cho hoa |
Sau vài năm, vừa lấy ngắn nuôi dài, vừa vay vốn ngân hàng đầu tư, Niê bàn với vợ mạnh dạn chuyển dần từ cà phê sang sầu riêng cho thu nhập cao hơn. Trong khuôn viên trang trại, ông nuôi thêm ít gia súc gia cầm, vừa phục vụ nhu cầu của gia đình, vừa có thêm đồng ra đồng vào tiêu vặt. Đến nay, sầu riêng của ông cũng đã trên hai chục năm tuổi, cho trái chín đều, ngon, bà con và các lái buôn trong vùng đều thích nên hàng chín là xuất được ngay.
Không chỉ tập trung làm kinh tế, ông Niê luôn sẵn sàng và tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Từ năm 1995 ông đã được cấp ủy, chính quyền và hội viên giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã cho đến năm 2021. Mới đây, ông tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng NCT Buôn Hô, với gần 60 hội viên và tham gia tổ hòa giải ở địa bàn dân cư. Dù ở cương vị nào, ông cũng xác định phải làm cho tốt, luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương. Tuyên truyền bà con thực hiện đầy đủ chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; tích cực hiến kế, hiến công, đóng góp tiền của xây dựng các công trình phúc lợi, chung sức chung lòng để quê hương ngày càng đổi mới, phát triển. Ông đi sâu đi sát từng hoàn cảnh, động viên hội viên tích cực tham gia sinh hoạt, lập danh sách những hội viên đến tuổi được mừng thọ, được bảo trợ xã hội hoặc những hoàn cảnh khó khăn để đề xuất cấp ủy, chính quyền và người dân xung quanh hỗ trợ.
Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Bình thăm vườn |
Làm giàu trên quê hương thứ hai
Ông Nguyễn Thanh Bình quê ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Những năm 90 của thế kỉ trước, trong một lần vào thăm người bà con ở vùng Tây Nguyên, ông đã thấy mình “có duyên” với khí hậu của mảnh đất Ea Hồ xa xôi này. Về quê, ông bàn với vợ con rồi rủ thêm mấy hai người bạn cùng vào đây lập nghiệp. Những năm đầu lạ nước lạ cái, vùng quê xa lắc này toàn rừng sâu, rậm rạp, nhiều thú dữ, cuộc sống vô cùng vất vả. Hai người bạn không chịu được lại trở về quê cũ. Nhưng ông Bình quyết không bỏ cuộc mà quyết tâm bám trụ, lập nghiệp, coi Krông Năng là quê hương thứ hai yêu dấu.
Bơ trong vườn nhà ông Nguyễn Thanh Bình |
Phát huy truyền thống gia đình, mẹ ông là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2 anh trai của ông đã hi sinh thân mình cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, ông tự nhủ mình và động viên vợ con nhất định phải vượt khó vươn lên. Ban đầu, chưa có vốn, ông mua ít đất làm nhà ở tạm. Rồi bằng sức lao động của mình, ông bà kiên trì phát nương làm rẫy, mở rộng diện tích. Bắt đầu từ cây cà phê, rồi chỉ bằng cuốc xẻng và hai bàn tay cần mẫn, ông bà đã làm nên khu vực vườn ao chuồng rộng lớn. Cuộc sống thêm phần vất vả khi bố mẹ ở quê già yếu, cứ đi về như con thoi, mỗi lượt đi lượt về có khi đến cả nghìn cây số. Song ông bà động viên nhau vượt qua tất cả, vừa làm tròn chữ hiếu nơi quê nhà, vừa nuôi con ăn học ở tận TP Hồ Chí Minh và chăm lo điền trang của mình trong các kì đến vụ.
Ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ cách chăm sóc sầu riêng để cho hiệu quả kinh tế cao |
Đến nay, ông Bình đã tạo lập được cơ ngơi khang trang tại thôn Hòa Bình với mô hình vườn ao chuồng, có vài héc ta trồng mắc ca, sầu riêng, bơ và vài trăm trụ tiêu, là những cây có giá trị kinh tế cao, làm giàu cho bao người dân vùng đất đỏ bazan màu mỡ này. Tôi hỏi thu nhập của gia đình ở thời điểm này là bao nhiêu, ông nhanh chóng tính nhẩm: Trừ chi phí tất tần tật cũng còn khoảng 300 - 400 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ tịch Hội NCT xã Ea Hồ cho biết: Ea Hồ là xã thuần nông, có đến 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống kinh tế người dân còn rất nhiều khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Tuy nhiên, hưởng ứng phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” do Hội phát động, hội viên NCT đã không cam chịu đói nghèo mà tích cực lao động sản xuất, tăng thu nhập cho bản thân, hỗ trợ con cháu cùng làm giàu và đóng góp xây dựng quê hương.
Hai năm qua, công tác Hội NCT cũng chững lại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ngay từ đầu năm, Hội NCT xã đã xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đề ra. Trong đó, tập trung cao điểm các hoạt động thăm hỏi tặng quà, chăm lo 20 NCT nghèo, NCT có hoàn cảnh khó khăn trong “Tháng hành động vì NCT Việt Nam” năm 2022; phát triển nguồn Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT và hỗ trợ CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Hà Quảng hoạt động sôi nổi, hiệu quả.