Văn hóa và những trò lố mang danh văn hóa
Trong mắt người già 05/07/2019 10:18
Buồn hơn, không chỉ những đứa trẻ “vắt mũi chưa sạch”, a dua, học đòi bắt chước không biết hay dở, gây ra chuyện tùm la tùm lum, mà cả những người có chức sắc, tên tuổi, được coi là “người của công chúng” cũng làm những trò lố, chuyện lố!
Sau khi đọc những lời tâm huyết đầy bức bối của một nghệ sĩ cao tuổi (được nhiều tờ báo đua nhau đăng), tôi trằn trọc khó ngủ. Chẳng phải vì tuổi già, cũng không phải do thời tiết nóng như đổ lửa, mà tại những lời vừa kể công, vừa hăm dọa của một “đại thụ” đối với “mầm non” mới vào nghề.
Nghệ sĩ ấy viết: “Mới bước chân đầu tiên được tung hô, tưởng mình là sao và hỗn. Thay đổi đi nếu không chú sẽ giúp cháu tỉnh ngộ. Chú từng yêu quý và nâng đỡ cháu lên bằng hai tay thì cũng buông ra cho cháu rơi xuống đất. Chắc cháu cũng hiểu được thế nào là “ăn cháo đá bát” chứ cháu”.
Vẫn biết con người nhiều khi không giấu nổi cảm xúc, không kìm được sự bực dọc trong lòng, nhưng với học trò còn “trẻ người non dạ”, có nhất thiết phải “đăng đàn”, “nói toạc móng heo” như thế, nhất là người được xem là thầy, bậc cha, bậc chú đã qua cái tuổi “tri thiên mệnh”!?
Rồi chuyện trên nhà đài nọ, một vị giám khảo cởi giày ném thẳng vào phía người dẫn chương trình, vì người dẫn cương trình không giới thiệu đội của mình. Có thể đây là kịch bản của nhà đài, nhưng hành vi thô thiển vô văn hóa ấy dù là kịch bản hay sự ngẫu hứng, thì việc cảnh trên xuất hiện trên màn ảnh nhỏ có hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người chứng kiến là chiêu trò quá lố…bịch (!?). Người đời, nhất là các văn, nghệ sĩ hay truyền câu: Không đánh phụ nữ, dù dùng một cánh hoa. Có lẽ người dẫn chương trình là nam giới nên nghệ sĩ có tuổi trên lột giày ra trừng phạt về hành vi hỗn láo với các “lão làng”?!
Hết các trò, các mánh để câu khách hay sao mà phải dùng đến cái chiêu hạ đẳng, phản văn hóa như vậy? Nghệ sĩ được cho là “triệu viu” mà tầm như vậy thì văn hóa, nghệ thuật Việt bao giờ mới lớn?!
Chưa hết! Sự chát đắng còn có trong câu giải thích về sai phạm trong quảng cáo của nhãn hàng Coca Cola của bà đương kim Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, bên cạnh việc chỉ ra các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam về quảng cáo, để tỏ ra mình là người am tường ngôn ngữ Việt, bà Cục trưởng còn xăng xái cho rằng: Từ “lon Việt Nam” có rất nhiều vấn đề... giả thử người ta thêm dấu, thêm mũ vào từ đó(!?).
Từ cái giải thích thừa thãi, lố lăng và thiếu văn hóa trên đã làm cho dư luận dậy sóng (đồng hình ảnh của Coca Cola tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội). Không hiểu tại sao một người có “cái lon” Cục trưởng lại ngây ngô giải thích bừa bãi như vậy?. Bởi với chức năng của người quản lí nhà nước, bà Cục trưởng chỉ chiểu theo quy định của pháp luật mà thực thi, cần gì phải “con cà, con kê”, “vạch áo cho người xem…” cái khoảng trống văn hóa thảm thê… của mình(!?)
Người xưa có câu: Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Cái tâm, cái tài, cái tầm ở đâu trong những phát ngôn, hành động như trên? Văn hóa gì khi cởi giày ném người khác ở chỗ công cộng có đông người? Có dạy trò nên người, khi chưa gì đã đe dọa nâng lên được thì cũng thả cho rơi xuống đất, thế gian này chỉ có mình ông sao? Quản lí nhà nước mà cứ suy diễn ngây ngô, ba vạ như thế, thì việc oan sai xảy ra là chuyện thường ngày(!).
Người già vốn khó ngủ, đọc các tin… tức trên lại làm cho giấc ngủ chậm đến hơn. Trằn trọc mãi, cuối cùng chỉ mong những người, các cơ quan có trách nhiệm nên dũng cảm, kiên quyết có những hành động cụ thể, thiết thực, để loại bỏ những hành vi phản văn hóa ra khỏi chốn công đường, nơi công cộng, làm cho đời sống xã hội ngày mỗi lành mạnh, tốt đẹp