“Vaccine” cho... trẻ em!
Trong mắt người già 31/03/2021 10:30
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay không chỉ có Covid-19 cần vaccine, mà còn nhiều thứ “dịch bệnh” khác cũng đang rất cần “vaccine”, nhất là các “căn bệnh” đang có chiều hướng lan tràn “như nấm sau mưa” ngoài xã hội. Vài tuần trước xôn xao câu chuyện Thơ Nguyễn đưa lên kênh Youtube cái Clip truyền tải nội dung mê tín rất không tốt cho trẻ em, sau đó bị cơ quan chức năng phạt tiền 7,5 triệu đồng. Nhưng cốt lõi của vấn đề không nằm ở chuyện phạt mà lại ở chuyện lây lan “vi rút” xấu cho trẻ em của chị ta bấy lâu nay liệu có cơ quan nào kiểm soát? Nhưng xem ra, không chỉ có Thơ Nguyễn làm lây lan “vi rút” xấu độc trên mạng mà ngày nay có nhiều tổ chức, cá nhân cũng đang đầu độc trẻ em trên mạng hoặc vô tình hay cố ý.
Có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 tại Việt Nam có sử dụng thuốc lá điện tử |
Một thứ “bệnh” khác rất đáng lo ngại là tình trạng các trò chơi, quảng cáo bán hàng phản cảm rất không tốt cho trẻ em tại các cổng trường học, chợ nông thôn, trong các lễ hội. Nhưng quan ngại nhất vẫn là tệ nạn ma túy dưới nhiều hình thức kẹo, nước uống... đang đầu độc trẻ em mà người lớn dễ dàng bỏ qua. Các nhà khoa học cảnh báo, thuốc lá điện tử là điều kiện thuận lợi để cho người hút, nhất là trẻ vị thành niên sử dụng ma túy. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vốn sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu thuốc lá điếu thông thường mà phối trộn nhiều thành phần khác, không loại trừ bị lợi dụng để phối trộn cả ma túy.
“Vaccine” cho con trẻ thời nay quả rất khó nhưng không phải không làm được. Cần có hành lang pháp lí và dư luận rộng rãi với những tổ chức cá nhân lợi dụng mạng để đầu độc trẻ em. Các cơ quan chức năng nên kiểm tra gắt gao, xử lí nghiêm để răn đe. Quốc hội cũng cần bổ sung vào Luật Phòng chống ma túy cấm ngay thuốc lá điện tử, đừng để phải giải quyết hậu quả khi tác hại đã quá lớn như thuốc lá truyền thống. Bởi ở phương diện lợi nhuận thì thanh, thiếu niên lại là đối tượng mà ngành thuốc lá nhắm tới. Và thực tế, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận trường hợp cấp cứu do ngộ độc cần sa phối trộn trong thuốc lá điện tử. “Ngó” sang các quốc gia ASEAN họ đều ban hành quy định cấm các sản phẩm thuốc lá mới.
Chúng ta luôn coi thế hệ trẻ là “rường cột quốc gia” nhưng đó là lí luận còn thực tế cần hành động một cách toàn diện, mạnh mẽ, quyết liệt hơn, nhiều hơn để con trẻ có cuộc sống lành mạnh. Bởi, “Thanh niên có mạnh thì dân tộc mới mạnh” như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói.
Mong rằng, Nhà nước có một bộ tiêu chuẩn quốc gia để từ đó huy động toàn xã hội vào cuộc lo cho giới trẻ ngày càng phát triển khỏe mạnh, góp phần vào sự thịnh vượng của đất nước. Để sự hùng cường của Việt Nam từ khát vọng đến thực tế nhất định phải có môi trường “vô trùng”, phải có “Vaccine” để bảo vệ con người, nhất là giới trẻ.