Từ vụ thu hồi vườn cây không bồi thường, đến dấu hiệu cho doanh nghiệp thuê đất dưới hình thức liên kết (Kì 1)
Pháp luật - Bạn đọc 12/09/2020 09:20
Thu hồi đất giao cho doanh nghiệp nhưng không bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi
Trong Đơn khiếu nại và trình bày trực tiếp, Trung tá Nguyễn Đức Hưng, cán bộ Trại giam Xuyên Mộc cho biết: Gia đình ông được Trại giam Xuyên Mộc giao khoán đất để trồng cây tại ấp Bàu Chiên, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, gồm các diện tích: 6,5ha trồng điều được giao theo Biên bản bàn giao ngày 22/9/2010, do gia đình trồng năm 2009 và năm 2010 gồm 957 cây điều ghép, mật độ 8 x 8. Do khi bàn giao thấy diện tích đất trống còn nhiều, nên ông Đinh Quang Dĩnh, Phó Giám thị trại ghi vào biên bản, yêu cầu gia đình phải trồng kín hết số diện tích khai hoang còn lại, nếu không sẽ bị thu hồi. Vì vậy, gia đình trồng tổng số 2.000 cây điều ghép trên diện tích hơn 10ha. Ngoài ra, gia đình khai hoang 5,63ha năm 2010, trồng thêm 22.000 cây tràm trên diện tích này và diện tích 13ha vườn điều gia đình nhận hợp đồng với trại từ tháng 5/2004, tái kí hợp đồng ngày 1/6/2009 thời hạn đến tháng 6/2014.
Sau khi được giao các diện tích trên, gia đình thường xuyên chăm nom, canh tác để đất thêm màu mỡ, giúp gia đình cũng như đơn vị có nguồn thu nhập, góp phần bảo vệ đất của đơn vị không bị lấn chiếm, luôn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với diện tích đất được giao. Tuy nhiên, đến đầu năm 2014 (chưa hết thời hạn hợp đồng), Trại giam Xuyên Mộc giao 100ha đất cho Công ty CP thực phẩm Anh Khải Ký (Công ty Anh Khải Ký), trong đó có cả 16ha đất trồng điều và tràm của gia đình ông Hưng đang quản lí, sử dụng với các cây trồng đang đến thời kì chuẩn bị thu hoạch, nhưng không hề có văn bản thu hồi và phương án bồi thường, hỗ trợ.
Vườn điều gia đình ông Hưng trồng chuẩn bị đến kì thu hoạch thì bị thu lại giao cho Công ty Anh Khải Ký |
Theo tính toán của ông Hưng (dựa trên Quyết định số 66/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, về giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi… khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh), tổng số cây điều 1.857 cây x 533.500 đồng = 990.709.500 đồng; 18.480 cây tràm x 81.700 đồng = 1.509.816.000 đồng; tổng cộng 2.500.525.500 đồng (chưa tính khoản tiền hỗ trợ công tôn tạo đất theo quy định của pháp luật). Ông Hưng cho biết, ngày 15/8/2014, Công ty Anh Khải Ký tự ý chuyển vào tài khoản cá nhân của ông số tiền 150 triệu đồng, với nội dung “Hỗ trợ việc mua cây giống điều và tràm” trên diện tích 16ha gia đình ông Hưng trồng. “Gia đình tôi không nhất trí nhận số tiền này, vì phía Trại giam Xuyên Mộc và Công ty Anh Khải Ký chưa làm việc với tôi về các khoản bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, số tiền này không hề xứng đáng với giá trị tài sản đang có trên đất” – ông Hưng khẳng định với phóng viên.
Thu hồi vườn cây đã giao cho gia đình ông Hưng mà không bồi thường, hỗ trợ là trái luật
Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ thu thập được và kết quả xác minh thực tế cho thấy, những trình bày của ông Hưng nêu trên là có căn cứ. Ngày 23/5/2004, Trại giam Xuyên Mộc, do các ông: Đào Trọng Du, Đội Kế hoạch sản xuất; Dương Thành Tân, Thống kê; Lê Trọng Thảo, Kế hoạch sản xuất KA; Nguyễn Xuân Lý, Kế hoạch sản xuất KB, cùng ông Nguyễn Đức Hưng lập Biên bản bàn giao vườn điều số 02/2004/BBSX, có nội dung: “…tiến hành kiểm kê, đánh giá số, chất lượng vườn điều tại lô số 01, theo quy định của Hội nghị đấu thầu điều ngày 14/5/2004… Tổng diện tích 13ha; tổng số 1.026 cây, trong đó 940 cây phát triển bình thường, 70 cây sâu bệnh, 16 cây chết. Chúng tôi tiến hành lập biên bản bàn giao cho đồng chí Nguyễn Đức Hưng kể từ ngày 23/5/2004 để quản lí, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch điều và giao nộp sản phẩm theo hợp đồng.
Vườn tràm gia đình ông Hưng trồng đã 10 năm, cũng bị thu để giao cho Công ty Anh Khải Ký mà không được bồi thường |
Tại Biên bản bàn giao lập ngày 22/9/2010 giữa Trại giam Xuyên Mộc gồm các ông: Đinh Quang Dĩnh, Phó Giám thị; Nguyễn Văn Hường, Đội trưởng Kế hoạch sản xuất – Xây dựng; Nguyễn Hữu Khả, Kế hoạch sản xuất – Xây dựng với ông Nguyễn Đức Hưng (cán bộ phân trại K1) có nội dung: “Vườn cây trồng năm 2010, mật độ (8m x 8m). Sinh trưởng phát triển bình thường. Chúng tôi tiến hành lập biên bản bàn giao toàn bộ diện tích đất trên cho đồng chí Nguyễn Đức Hưng chịu trách nhiệm trồng dặm, chăm sóc quản lí vườn cây…”. Cũng tại Biên bản này xác định: diện tích đất là 6,5ha, cây điều trồng năm 2010 có 975 cây. Cuối Biên bản có bút tích của ông Đinh Quang Dĩnh, Phó Giám thị trại ghi: “đ/c Hưng nhận đất phải trồng điều trong năm 2010. Nếu không trồng hết diện tích đất, đơn vị sẽ thu lại đất”.
Biên bản hiện trạng lập ngày 12/2/2019 giữa các bên: ông Trần Văn Công, Phó đội trưởng Đội KH,HN,DN&XD; Hoàng Xuân Hùng, cán bộ thống kê; Nguyễn Đức Hưng, cán bộ quản giáo phân trại số 3 (người trồng cây) và ông Nguyễn Chí Tâm, đại diện Công ty Anh Khải Ký. Biên bản thống kê diện tích cây điều là 10,26ha, tổng số 1.857 cây (trong đó 1.464 cây sống và 393 cây chết), được trồng năm 2009 và năm 2010; diện tích cây tràm là 5,6ha, tổng số 18.480 cây, trồng năm 2010, tình trạng vườn cây đã khai thác. Tuy nhiên, Biên bản này chỉ có 2 người gồm ông Hoàng Xuân Hùng, cán bộ thống kê và ông Nguyễn Đức Hưng kí. Các ông Trần Văn Công và Nguyễn Chí Tâm không kí.
Vườn khoai môn sáp vàng đang xanh tốt cũng bị hủy hoại mà không được bồi thường |
Lẽ đương nhiên, vườn cây Trại giam Xuyên Mộc đã giao cho gia đình ông Hưng trồng, chăm sóc… khi thu hồi lại phải được bồi thường giá trị tài sản, là các cây điều, cây tràm. Thế nhưng, phía Trại giam Xuyên Mộc và Công ty Anh Khải Ký không bồi thường khoản này (theo ông Hưng tính toán là hơn 2 tỉ đồng), là trái pháp luật. Chưa kể, theo quy định của pháp luật về đất đai, khi thu hồi diện tích này giao cho doanh nghiệp, thì phải tính toán khoản hỗ trợ công tôn tạo đất cho gia đình ông Hưng. Thế nhưng, khoản hộ trợ này cũng bị lờ đi, là xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình ông Hưng.
Ngoài diện tích đất vườn cây điều và tràm, tháng 7/2014 gia đình ông Hưng còn thuê 2,5ha đất của Trại giam Xuyên Mộc, với giá 7 triệu đồng/ha/năm, để trồng khoai môn sáp vàng, thời gian thuê một năm, đã nộp 17.175.000 đồng tiền thuê đất. Gia đình ông Hưng đầu tư nhiều công sức, vật chất trồng được 30 luống khoai môn sáp vàng. Ông Hưng cho hay: “Vườn khoai môn sáp vàng đang phát triển xanh tốt, thì ngày 20/6/2015, ông Nguyễn Hữu Khá đưa phạm nhân và máy cày đến, hủy hoại toàn bộ vườn khoai môn sáp vàng của gia đình ông Hưng, thiệt hại 328.175.000 đồng. Tôi ra hỏi, thì ông Khả nói do ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám thị trại chỉ đạo”. Thế nhưng, ngày 8/8/2019, Thanh tra Cục C10 có Thông báo giải quyết đơn số 87/TB-TTr gửi ông Hưng, công nhận phản ánh của ông Hưng về việc vườn khoai môn sáp vàng bị phá là đúng, nhưng lại cho rằng đây là làm cỏ chống cháy mùa khô, rằng kiến nghị này đã hết thời hiệu nên không có căn cứ xem xét giải quyết.
(Còn nữa)
Bà Rịa - Vũng Tàu: Bằng đại học của ông Bí thư Đảng ủy phường Phước nguyên có dấu hiệu “phôi thật, học giả” Qúa trình học đại học của ông Bùi Anh Quang, Bí thư Đảng ủy phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có ... |
Huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Nhiều mâu thuẫn, khuất tấ trong kết luận đơn tố giác tội phạm Theo UBND xã Bàu Lâm, 1198m2 đất của hộ Nguyễn Văn Suốt, năm 1995 mới có giấy chứng nhận, nhưng năm 1994, ông Lê ... |