Trông chờ quyết định khách quan của phiên tòa phúc thẩm!
Pháp luật - Bạn đọc 09/01/2024 20:59
Nội dung vụ án
Đơn của bà Nga nêu: “Tôi và ông Nguyễn Năng Phước là vợ chồng đã ly hôn theo Bản án sơ thẩm số: 155/2018/HNGĐ-ST ngày 27/9/2018 của TAND huyện Long Thành và Bản án phúc thẩm số: 08/2019/HNGDD-PT ngày 26/3/2019 của TAND tỉnh Đồng Nai.
Tôi và ông Phước chưa chia tài sản chung gồm: thửa đất số 155, tờ bản đồ 14 tại khu Kim Sơn, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; thửa đất số 300, tờ bản đồ 12 tại xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; thửa đất số 23, tờ bản đồ 20 tại khu Kim Sơn, thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Do đó, tôi khởi kiện ông Phước về việc chia tài sản chung đối với các thửa đất trên và cấp dưỡng nuôi con.
Tuy nhiên, có dấu hiệu ông Phước câu kết với ba mẹ ruột của mình để cho rằng các thửa đất trên là đất của cụ Nguyễn Đình Thơ và cụ Bùi Thị Thúy nhờ tôi và ông Phước đứng tên giùm, dù khi ly hôn cụ Thơ, cụ Thúy không yêu cầu đòi nhà đất của tôi.
Sau đó, cụ Thơ có đơn yêu cầu phản tố yêu cầu tôi và ông Phước trả lại các thửa đất trên; và kiện đòi tài sản, được TAND huyện Long Thành nhập vào vụ án chia tài sản chung sau ly hôn giữa tôi và ông Phước.
Thửa đất số 155, tờ bản đồ 14 tại khu Kim Sơn, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành |
Bản án số: 154/2022/HNGĐ-ST ngày 30/9/2022 của TAND huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai “V/v tranh chấp chia tài sản chung sau khi ly hôn; tranh chấp về cấp dưỡng; kiện đòi lại tài sản”, giữa: nguyên đơn: bà Nga; bị đơn: ông Phước; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: cụ Thơ, cụ Thúy, tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc “Yêu cầu cấp dưỡng nuôi con”; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc “Tranh chấp tài sản chung sau khi ly hôn”; chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Thơ “Kiện đòi lại tài sản”: buộc bà Nga, ông Phước trả lại cho cụ Thơ, cụ Thúy gồm: 82,5m2 thuộc thửa đất số 300; 653,6m2 thuộc thửa số 23; và 1.072m2 thuộc thửa đất số 155”.
Tuy nhiên, bà Nga cho rằng nội dung của bản án sơ thẩm trên đây có dấu hiệu thể hiện việc xét xử chưa khách quan. Đơn của bà Nga nêu:
Một, căn cứ vào lời khai miệng.
Hồ sơ vụ án thể hiện nhiều chứng cứ chưa được làm rõ; nhiều mâu thuẫn trong lời khai của ông Phước, cụ Thơ, và những người làm chứng chưa được làm rõ. Việc chỉ căn cứ vào lời khai bằng miệng, lời khai những người làm chứng để ban hành bản án, không chấp nhận yêu cầu chia tài sản chung sau khi ly hôn của tôi và buộc tôi, ông Phước phải trả lại các thửa đất trên là thiếu khách quan và có dấu hiệu vi phạm tố tụng.
Cụ Thơ, cụ Thúy, ông Phước và những người con của cụ Thơ với tư cách người làm chứng đều thừa nhận lý do cụ Thơ nhờ tôi và ông Phước đứng tên giùm thửa đất số 155, 300, 23 là do phần đất này nằm trong quy hoạch và thuộc diện bị thu hồi nên phải tách ra từng thửa nhỏ nhờ các con đứng tên giùm để sau này được hưởng một suất tái định cư. Đây là chứng cứ buộc phải có để giải quyết vụ án, thuộc trường hợp ông Phước, cụ Thơ và cụ Thúy phải có nghĩa vụ chứng minh chứng cứ này.
Tuy nhiên, cụ Thơ, cụ Thúy, ông Phước và những người con của cụ Thơ đều không cung cấp được chứng cứ để chứng minh. Mặc dù tôi đã yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ này tại phiên tòa nhưng TAND huyện Long Thành không thực hiện. Tôi cho rằng việc chưa làm rõ chứng cứ này là vi phạm tố tụng, không khách quan trong việc làm rõ vụ án. Cho đến nay các thửa đất này vẫn không bị thu hồi. Thửa đất này theo thông tin tôi tìm hiểu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thửa đất này hiện nay vẫn là thửa đất quy hoạch đất ở, không bị giải tỏa.
Cụ Thơ, cụ Thúy cho rằng, 2 cụ là người nhận chuyển nhượng trực tiếp đối với thửa đất số 23: 653.6m2 từ bà Phạm Thị Bảy năm 2003, sau đó cụ Thơ nhờ tôi và ông Phước đứng tên dùm. Tuy nhiên, căn cứ vào hồ sơ thì cụ Thơ không cung cấp được bất kỳ văn bản nào nhờ tôi và ông Phước đứng tên dùm thửa đất này. Cụ Thơ căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông Nguyễn Thanh Vân và cụ Thơ ký với nội dung “bán thửa số 23, tờ bản đồ số: 20, giá bán là: 20 triệu đồng, phía Đông giáp Phạm Thị Bảy ….”. Cụ Thơ khai do có sự chồng lấn tờ bản đồ địa chính với phần đất của ông Vân, không xác định được thửa đất nên mới nhờ ông Vân ký dùm giấy mua bán. Nhưng theo hồ sơ, nguồn gốc thửa đất bà Bảy bán cho ông Phước đã sử dụng ổn định từ lâu và cụ Thơ không cung cấp được chứng cứ chứng minh có sự chồng lấn tờ bản đồ địa chính. Tại phiên tòa sơ thẩm, chúng tôi đã yêu cầu thu thập chứng cứ này nhưng HĐXX không chấp nhận.
Hai, có dấu hiệu vi phạm tố tụng.
Căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) do ông Phước và bà Bảy ký kết được UBND thị trấn Long Thành xác nhận: “Các bên đã đọc rõ, đồng ý toàn bộ nội dung trong hợp đồng này, và đã ký tên vào hợp đồng trước mặt của tôi”. Tuy nhiên, bà Bảy lại cho rằng, bà không ký vào hợp đồng. Và mặc dù, có sự mâu thuẫn với chứng cứ nhưng Tòa án không triệu tập, không hỏi ý kiến và lấy lời khai của UBND thị trấn Long Thành là dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng (triệu tập thiếu đương sự trong vụ án).
Bản án số 154/2022/HNGĐ-ST ngày 30/9/2022 của TAND huyện Long Thành (trang đầu và trang cuối). |
Theo Khoản 2 Điều 98 và Điều 99 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019, 2020 quy định về lấy lời khai ngoài tòa án như sau: “Trường hợp biên bản ghi lời khai của đương sự được lập ngoài trụ sở của Tòa án thì phải có người làm chứng hoặc xác nhận của UBND cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản.” Tuy nhiên, lời khai của bà Bảy ngày 28/10/2020, do Tòa án lấy ngoài trụ sở Tòa án; biên bản ghi lời khai này thể hiện rõ không có người làm chứng, không có xác nhận của các cơ quan có chức năng thẩm quyền. Hơn nữa, Khoản 1 Điều 99 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019, 2020 quy định rõ: “Người làm chứng phải cam đoan về lời khai của mình”, nhưng trong biên bản ghi lời khai, bà Bảy không cam kết lời khai của mình là đúng sự thật. Biên bản lấy lời khai của bà Bảy có dấu hiệu được thực hiện trái luật, nên không có sự tin cậy để làm nguồn chứng cứ. Việc sử dụng biên bản lấy lời khai của bà Bảy làm căn cứ ban hành bản án sơ thẩm là dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng về việc xem xét đánh giá chứng cứ trong vụ án.
Ba, không cho đối chất giữa các đương sự để làm rõ sự thật vụ án.
Theo hồ sơ, vụ án còn nhiều khuất tất chưa được làm rõ, lời khai mâu thuẫn như tôi phân tích trên, nhưng Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm đã không cho đối chất giữa các đương sự để làm rõ sự thật vụ án, có dấu hiệu bỏ qua chứng cứ quan trọng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ban hành bản án thiếu khách quan, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cho tôi cả về thể chất và tinh thần. Việc ban hành bản án buộc tôi phải trả các thửa đất số 155, 300 và 23 là không có căn cứ, thiếu khách quan. Cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ.
Bốn, có dấu hiệu vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình
Căn cứ Khoản 6, Điều 7 Thông tư liên tịch số: 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ban hành ngày 6/1/2016 về hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình: Khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn, Tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn, Tòa án cần xem xét các yếu tố hoàn cảnh của vợ, chồng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia, bên gặp khó khăn và đang nuôi con sau khi ly hôn phải được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống, bảo đảm sự phát triển của con chung.
Việc Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm không xem xét việc tôi đang nuôi con chưa thành niên theo bản án ly hôn ban đầu, tôi là người nuôi các con chung, không phụ cấp mà lại ra bản án tuyên xử mức phí cấp dưỡng của ông Phước là 2.500.000 đồng và không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc tranh chấp tài sản chung sau khi ly hôn. Có công bằng không khi nhận định ông Phước không có việc làm để buộc mức phụ cấp thấp? Trong khi ông Phước vẫn kinh doanh có thu nhập, có bất động sản và tổ chức cưới vợ hết sức rầm rộ, xa hoa.
Mặt khác, theo, quy định: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại Khoản 1, Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. QSDĐ mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Theo quy định trên, thể hiện tất cả các tài sản tôi và ông Phước là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, không có bất kỳ bằng chứng, chứng cứ vật chất nào thể hiện tôi đứng tên dùm các tài sản cho cụ Thơ, cụ Thúy. Đồng thời, theo quy định tại Khoản 1, Điều 29 thì vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
Nếu QSDĐ là tài sản chung của vợ chồng thì vợ, chồng đều có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với QSDĐ đó.
Do đó, việc tòa án sơ thẩm xử bác toàn bộ yêu cầu tôi, cho đó là tài sản nhà đất của cụ Thơ, cụ Thúy nhờ tôi đứng tên dùm nhưng lại không có chứng cứ đứng tên dùm, là thể hiện một bản án thiếu cơ sở pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của tôi.
Năm, không áp dụng Án lệ!
Án lệ số: 02/2016/AL về vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản” được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 6/4/2016 và công bố theo ngày 6/4/2016 của Chánh án TAND Tối cao. Án lệ này quy định rõ về về công sức của người đứng tên dùm.
Tại Bản án sơ thẩm số 154, thừa nhận bà Thúy, ông Thơ nhờ bà Nga đứng tên dùm mặc dù không có bất kỳ chứng cứ nào thể hiện nhờ đứng tên dùm. Tuy nhiên, nếu thừa nhận đứng tên dùm như thế, thì cũng phải chia cho tôi phần công sức như Án lệ số: 02/2016 quy định. Tòa án sơ thẩm huyện Long Thành không áp dụng Án lệ này, là dấu hiệu bất chấp pháp lý.
Cần nói rõ thêm: Trong thời kỳ hôn nhân tôi là người kinh doanh và quản lý việc kinh doanh điện cơ của gia đình. Hằng ngày, việc quán xuyến kinh doanh do tôi quyết định, tôi là người tạo ra thu nhập chính cho đại gia đình cụ Thơ, cụ Thúy. Tôi cũng là người tạo ra doanh thu nuôi em ông Phước ăn học. Cha mẹ ông Phước là cụ Thơ, cụ Thúy đã già làm gì mà có thu nhập lớn để mua đất? Do việc kinh doanh tôi rất bận nên nhiều khi mua đất tôi còn đưa tiền cho ông Phước đi mua với cha ông Phước là cụ Thơ. Tôi chỉ quan tâm đất đứng tên ông Phước hoặc vợ chồng là được, việc giao tiền tôi cũng chỉ đưa ông Phước. Việc quán xuyến kinh doanh một mình tôi làm, điều này thể hiện rõ trong bản án ly hôn lần 1 có ghi nhận toàn bộ dòng tiền do tôi quyết định, kinh doanh. Và mặc dù chứng cứ tôi nộp cho Tòa án huyện Long Thành thể hiện rõ tôi quản lý kinh doanh hoạt động mọi thứ nhưng TAND huyện Long Thành đã ban hành bản án thiếu khách quan, không công tâm.
Từ các lẽ trên đây, tôi trông chờ, tin tưởng một quyết định khách quan, đúng pháp luật của Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai