Trở lại vụ tranh chấp đất cho ở nhờ tại phường 12, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh: Lại chuyện “Trên bảo dưới không nghe”!
Pháp luật - Bạn đọc 31/07/2020 14:11
Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 7878/VPCP-V.1 ngày 28/7/2017 gửi UBND TP Hồ Chí Minh, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình |
Nội dung tranh chấp
Ngày 18/10/2016, Báo Người cao tuổi đăng bài: “Vụ tranh chấp đất cho ở nhờ tại phường 12, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh: Tự ý định đoạt đất của dân, nguyên nhân gây khiếu nại kéo dài”, phản ánh: Ông Huỳnh Vân Đức thường trú 61/4B đường Phạm Văn Chiêu, (khu phố7) phường 14, quận Gò Vấp, khiếu nại về việc thửa đất có diện tích 2.388m2, được Sở Địa chính thành phố công nhận quyền sử dụng đất thuộc Bằng khoán điền thổ số 924 đứng tên cụ Huỳnh Văn Lót (cha ông Đức). Đất cụ Lót đã mua ngày 19/5/1959; năm 1967, cụ Lót cho cụ Huỳnh Thị Sấm cất nhà ở nhờ 75m2 trên thửa đất trên, giao kết miệng: “Khi nào cụ Sấm chết thì cụ Lót sẽ lấy lại đất”. Cụ Sấm không có con nên đã nhận ông Nguyễn Thanh Hải làm con nuôi.
Năm 1983, cụ Sấm tự ý đăng kí đứng tên sử dụng 100m2 đất (có nhà ở) theo Chỉ thị 299/TTg. Năm 1992, cụ Lót phát hiện việc tự ý đăng kí này, xảy ra tranh chấp.
Ngày 10/12/1993, UBND quận Gò Vấp ra Quyết định số 1282/QĐ-UBQ: Công nhận cụ Sấm được nguyên canh, nguyên cư theo hiện trạng đang sử dụng (có hàng cau và hàng rào kẽm gai phân biệt). Cho phép cụ Sấm tiến hành làm thủ tục đăng kí quyền sử dụng đất (QSDĐ) và hợp thức hóa căn nhà theo quy định của Nhà nước. Giữ nguyên việc sử dụng lối đi chung giữa hai hộ.
Quyết định số 504/QĐ-ĐĐ-Tr ngày 25/8/1994 của Sở Địa chính thành phố: Công nhận cụ Sấm sử dụng theo hiện trạng phần đất có căn nhà mang số 61/9 tại phường 12, quận Gò Vấp; giữ nguyên lối đi chung giữa hai hộ cụ Sấm và cụ Lót đã sử dụng từ trước đến nay.
Quyết định số 6263/QĐ-UB ngày 25/8/1995 của UBND TP Hồ Chí Minh: Công nhận cụ Sấm được sử dụng hiện trạng khuôn viên phần đất có căn nhà mang số 61/9 tại phường 12, quận Gò Vấp (có hàng cau và hàng rào kẽm gai phân biệt). Đồng thời, cụ Sấm phải có trách nhiệm bồi hoàn phần đất trên cho cụ Lót. Công nhận cho cụ Lót được sử dụng phần đất còn lại thuộc bằng khoán điền thổ số 924, diện tích 2.388m2. Giữ nguyên lối đi chung giữa hai hộ đã sử dụng.
Tuy nhiên, Quyết định số 6263 nêu trên, công nhận cho cụ Sấm được sử dụng hiện trạng khuôn viên phần đất có căn nhà 61/9 tại phường 12 (nay là phường 14), nhưng không nói rõ diên tích và tứ cận mà chỉ nói chung chung; và lại còn cho cụ Sấm bồi thường cho cụ Lót phần đất sử dụng, gây búc xúc cho cụ Lót, dù quyết định chưa thực hiện được.
Trong khi, việc xác định ban đầu của UBND TP tại Văn bản số 185/TTPC ngày 13/4/1994 của Ban Quản lí đất đai thành phố đã công nhận đất sử dụng cho cụ Lót như vậy là quá rõ, đúng luật pháp. Nhưng không hiểu tại sao UBND TP lại yêu cầu cụ Lót giao thêm cho cụ Sấm đến 316m2, mà không có một cơ sở pháp lí nào (Văn bản số 5179/UB-PC ngày 31/8/2004), trong khi cụ Sấm chỉ đăng kí 100m2 (kê khai theo Chỉ thị 299/TTg, vượt thêm 25m2; và thậm chí cụ Lót chỉ cho cất nhà để ở 75m2.
Thửa đất tranh chấp (có nhà ông Nguyễn Thanh Hải) nhìn từ trong hẻm ra đường Phạm Văn Chiêu. |
Trên bảo dưới không nghe!
Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số: 7878/VPCP-V.1 ngày 28/7/2017 gửi UBND TP Hồ Chí Minh, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: kiểm tra, rà soát lại việc giải quyết khiếu nại của ông Huỳnh Vân Đức về việc tranh chấp quyền sử dụng đất tại quận Gò Vấp, xem xét việc nhà đất hiện nay của cụ Sấm do ai quản lí, có việc chuyễn nhượng hay không và có đúng quy định của pháp luật không, đề xuất biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 1/9/2017.
Ngày 3/8/2017, Văn phòng UBND TP có Công văn (Khẩn) số 10081/VP-NCPC gửi Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo rà soát việc khiếu nại của ông Huỳnh Vân Đức, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình liên quan khiếu nại của ông Huỳnh Vân Đức, quận Gò Vấp.
Tháng 4/2018, một lần nữa, ông Đức lại tiếp tục gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị, yêu cầu ông Nguyễn Thanh Hải (ông Hải là con nuôi, vì cụ Sấm đã chết) trả lại phần đất mà cụ Lót cho cụ Sấm cất nhà ở nhờ chỉ có 75m2.
Ngày 24/4/2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 3758/VPCP-V.1 gửi UBND TP Hồ Chí Minh: kiểm tra, rà soát kĩ lại việc khiếu nại của ông Huỳnh Vân Đức liên quan đến quyền sử dụng đất tại quận Gò Vấp. Cơ sở pháp lí về việc UBND TP Hồ Chí Minh không có quyết định thu hồi đất và không công nhận quyền sử dụng phần đất tranh chấp cho gia đình ông Huỳnh Văn Đức, nhưng khi giải quyết khiếu nại, UBND TP Hồ Chí Minh lại yêu cầu cụ Sấm bồi thường phần đất tranh chấp cho gia đình ông Huỳnh Vân Đức theo giá đất đền bù quy định tại Quyết định số 6263/QĐ-UB ngày 25/8/1995 của UBND TP Hồ Chí Minh là quá phi lí. Trong khi gia đình ông Đức vẫn quản lí sử dụng và thực hiện nộp thuế từ trước đến nay, ông Nguyễn Thanh Hải trên danh nghĩa chỉ là người ở nhờ, khi mẹ nuôi của ông Hải là cụ Sấm (đã chết) thì ông Hải phải trả lại đất cho cụ Lót. Bởi thực tế ông Hải không giấy tờ gì liên quan nguồn gốc thửa đất do cụ Lót đứng tên chủ quyền.
Công văn số: 3758/VPCP-V.1 ngày 24/4/2018 của Văn phòng Chính phủ gửi UBND TP Hồ Chí Minh |
Công văn số: 3758/VPCP-V.1 ngày 24/4/2018 của Văn phòng Chính phủ gửi UBND TP Hồ Chí Minh |
Công văn (Khẩn) số: 10081/VP-NCPC ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Văn phòng UBND TP gửi Sở Tài nguyên và Môi trường |
Ông Huỳnh Vân Đức, bức xúc: Tại sao quyền định đoạt phần đất 2.388m2 (thuộc quyền sử dụng của gia đình cụ Lót) không được tôn trọng? Việc cụ Sấm tự ý đăng kí đứng tên sử dụng phần đất 100m2 (trong tổng diện tích 2.388m2, bằng khoán điền thổ số 924, thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cụ Lót) có hợp pháp không, chưa được làm rõ? Tại sao trong các quyết định giải quyết khiếu nại về tranh chấp đất đai, lại không đề cập đến chủ đất là cụ Lót và người ở nhờ là cụ Sấm, nếu là người ở nhờ, thì quyền cho ở nhờ hay đòi lại đất phải thuộc về chủ đất, như vậy mới đúng pháp luật! Tại sao trên bảo dưới không nghe, bởi có nhiều chỉ đạo trên đây, nhưng đến nay tranh chấp, khiếu nại trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Gia đình chúng tôi mong mỏi các cơ quan thẩm quyền Trung ương và thành phố xem xét, sớm giải quyết dứt điểm theo đúng tinh thần nội dung ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.