Trở lại bài “Tiếng kêu oan xé lòng của một gia đình có công với nước”: Không thể “vô cảm” trước nguyện vọng hợp pháp của cử tri!
Pháp luật - Bạn đọc 20/11/2019 09:52
Bà Quý mong muốn lãnh đạo các cấp, các ngành, các đại biểu của dân không “bó tay” trước sự “lộng quyền”, coi thường pháp luật; cũng không thể “vô cảm” trước quyền lợi hợp pháp, chính đáng của dân, đồng thời được đối thoại và công khai kết quả đối thoại theo quy định của pháp luật…
Kiến nghị bị bỏ qua hơn 3 năm
Bài “Về cuộc cưỡng chế phá dỡ ở phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP Hồ Chí Minh: Tiếng kêu oan xé lòng của một gia đình có công với nước”, đăng trên Báo Người cao tuổi số 93 ngày 11/6/2014, phản ánh: Người cao tuổi cũng bị cưỡng chế; người có công giúp đỡ cách mạng (được tặng Huân chương Kháng chiến) cũng cưỡng chế; và đang có khiếu nại (vì sẽ bị cưỡng chế “nhầm”) chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật cũng bị cưỡng chế để đập phá cho được căn nhà ở ổn định đã 11 năm (?!). Đáng tiếc, đây là “ý chí” của một số cán bộ lợi dụng chức quyền, cố tình đập phá “nhầm” nhà ở của gia đình bà Phạm Thị Quý.
Kể từ ngày bị đập phá nhà ở đến nay, gia đình bà Quý đã gửi nhiều đơn tố cáo, tố giác tội phạm đến nhiều lãnh đạo, cơ quan ở TP Hồ Chí Minh như: Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy; ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND; ông Phạm Văn Gòn, Viện trưởng Viện KSND TP; Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh; ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP… Nhưng các cá nhân và cơ quan đã dùng văn bản chuyển đơn lòng vòng, đến nay bà Qúy chỉ nhận được sự “im lặng”, khiến gia đình bà đang vô cùng thất vọng. Đâu là lí do đẩy gia đình bà Qúy vào thảm cảnh vậy? Phải chăng đó là sự tư thù, vì gia đình bà Qúy “dám” có đơn khiếu nại, tố cáo việc cố ý làm càn, coi thường pháp luật của một số cán bộ địa phương?
Quyết định số 68 ngày 8/2/2010 của UBND phường Tân Chánh Hiệp không có nội dung nào về đối tượng bị cưỡng chế. Bằng cớ dấu hiệu oan sai cho gia đình bà Phạm Thị Quý. |
Cuối bài viết trên, Báo Người cao tuổi kiến nghị: “Với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người cao tuổi, Báo Người cao tuổi chuyển nội dung đơn như tiếng kêu oan đến xé lòng của gia đình bà Phạm Thị Quý đến ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội, các cơ quan bảo vệ pháp luật của TP Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết theo quy định của Luật Báo chí”.
Kêu oan gần 8 năm, sao không giải quyết?
Anh Trần Công Hạnh, con bà Qúy bức xúc: “Căn nhà, thửa đất của gia đình tôi sử dụng ổn định từ năm 2001 đến nay; không tranh chấp, lấn chiếm với bất kì ai. Bất ngờ ngày 1/3/2012, Chủ tịch UBND quận 12 chỉ đạo đông người đến nhà đàn áp, xâm hại đến thân thể phụ nữ, mẹ già và trẻ nhỏ, của một gia đình có công nhất định cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhà nước. Đập nát tài sản, nhà ở, đẩy chúng tôi vào thảm cảnh “màn trời chiếu đất”, kéo dài đến nay, mà họ cho rằng là để thi hành Quyết định số 68 ngày 8/2/2010 của Chủ tịch UBND phường Tân Chánh Hiệp. Trong khi đối tượng bị buộc phải cưỡng chế trong quyết định này là: Vô danh; và việc đập phá nhà ở gia đình tôi, không có bất cứ biên bản vi phạm và quyết định xử phạt hành chính nào liên quan đến tên người hoặc địa chỉ căn nhà, thửa đất của gia đình tôi đang quản lí sử dụng hợp pháp (nhà xây dựng có giấy xin phép; đất sang nhượng đã có giấy chứng nhận chủ quyền sử dụng).
Nghiêm trọng hơn, khi gia đình tôi phát hiện hành vi dán Quyết định số 68 vào nhà, nên đã liên tiếp có đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến nhiều cấp Đảng, Nhà nước. Ngày 30/12/2011, Thành ủy TP Hồ Chí Minh, có Văn bản số 804-GB/VPTU; có Phiếu chuyển số 547/PC-PC của HĐND TP Hồ Chí Minh; ngày 27/2/ 2012, Trụ sở Tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ban hành Văn bản số 50HĐ/TDTU, yêu cầu Chủ tịch UBND quận12, giải quyết đơn. Nhưng không giải quyết khiếu nại theo luật định, mà lãnh đạo UBND quận 12 lại cố tình chỉ đạo đập nát tài sản, nhà ở của gia đình tôi (Báo Người cao tuổi số 53 (2413) ra ngày 2/4/2019 đã phản ánh).
Khi có Công văn “Hỏa tốc” số 4940/VPCP-V.I ngày 20/6/2016 của Văn phòng Chính phủ, gửi UBND TP Hồ Chí Minh, với nội dung: Văn phòng Chính phủ nhận được đơn, thư của một số công dân TP Hồ Chí Minh gửi Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ thấy có 8 đơn, thư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP Hồ Chí Minh (danh sách kèm theo có liệt kê đơn của gia đình bà Qúy). Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ kính chuyển UBND TP Hồ Chí Minh số đơn, thư trên để chỉ đạo kiểm tra, rà soát và giải quyết theo thẩm quyền.
Tưởng như ánh sáng công lí đã đến với gia đình tôi khi có công văn này. Nhưng UBND TP Hồ Chí Minh vẫn không cho tổ chức đối thoại làm rõ nội dung: Tại sao đập phá nhà ở, mà không có quyết định; không chịu giải quyết dứt điểm đơn khiếu nại, đơn tố cáo về nội dung này!
Ngày 23/9/2019, Thanh tra TP Hồ Chí Minh, có Báo cáo số 612/BC-TTTP-P4 kiến nghị Chủ tịch TP Hồ Chí Minh tổ chức đối thoại; ngày 31/10/2019, Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy nhận đơn của tôi, đã có chỉ đạo Chính quyền Thành phố đối thoại trực tiếp theo báo cáo 612 trên. Nhưng Chủ tịch TP Hồ Chí Minh vẫn “im lặng”?
Đến 10 giờ ngày 12/11/2019, tôi buộc lòng phải điện thoại cầu cứu, phản ánh với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thì được Thủ tướng hướng dẫn: “Gia đình phải bám lấy Chủ tịch TP Hồ Chí Minh”. Gia đình không biết “bám” bằng cách nào nữa, vì đã mỏi mòn “bám” hết Thành ủy, đến Chủ tịch TP Hồ Chí Minh từ năm 2012 đến nay, vẫn không được giải quyết. Gia đình tôi kêu oan gần 8 năm, sao không giải quyết, phải kêu oan đến bao giờ?”.
Như vậy, đơn khiếu, tố về việc: Không có quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, vẫn tổ chức đập phá nhà ở số 134/9A, đường Tân Chánh Hiệp 18, tổ 42A, khu phố 2, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 của gia đình bà Quý, đã được Văn phòng Chính phủ chuyển đến UBND TP Hồ Chí Minh giải quyết theo thẩm quyền, từ ngày 20/6/2016 đến nay, nhưng không được Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh giải quyết dứt điểm. Tính đến nay đã hơn 3 năm, mặc dù có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng) và pháp luật có quy định; và Báo Người cao tuổi đã có kiến nghị, nhưng vẫn chưa được ai giải quyết.
Đại biểu của dân không thể “bó tay” trước sự việc “lộng quyền” coi thường pháp luật! Bởi những lẽ trên, Báo Người cao tuổi tiếp tục kiến nghị các Đại biểu Quốc hội của TP Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết vụ việc trên theo chức năng thẩm quyền giám sát, có biện pháp để Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của gia đình bà Phạm Thị Qúy, người cao tuổi, gia đình có công với nước, được đối thoại và công khai kết quả đối thoại theo quy định của pháp luật.