Trải lòng của người lao động Việt Nam giữa tâm dịch Deagu - Hàn Quốc
Phóng sự 28/02/2020 11:33
Sống đúng giữa tâm dịch là thành phố Deagu, anh Lê Phúc Lâm (Thanh Oai, Hà Nội), một lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, không khí căng thẳng, lo lắng đang bao trùm lên tất cả người Việt Nam đang sinh sống và lao động tại đây.
Anh Lâm là một người đã có tới 9 năm lao động ở xứ Kim Chi, chịu đựng không ít những sự vất vả, rồi nhớ nhà nhưng chưa khi nào trải qua cảm giác hoảng loạn như hiện nay. “Nơi chúng tôi làm việc chính là tâm dịch, khoảng hơn nửa tháng nay chúng tôi không dám thò mặt ra khỏi công ty” – Anh Lâm lo lắng.
Anh Lâm và những người bạn Việt Nam đang chịu khá nhiều áp lực vì dịch Covid -19 ngày càng diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc. |
Hiện anh Lê Phúc Lâm ăn ở ngay tại công ty, phòng của anh có 7 người Việt Nam, gồm 3 người Nghệ An, 2 người Quảng Ninh, 1 người Quảng Ngãi. Chính vì sợ dịch bệnh bùng phát và kéo dài nên họ đã quyết định tích trữ đồ ăn. Thức ăn đã được họ tích đầy tủ lạnh, mua thêm 100 quả trứng và 1 tạ gạo để ở phòng. Tuy nhiên, lượng thức ăn này chỉ đủ cho 7 người ăn uống trong 1 tháng.
Cũng theo lời anh Lâm chia sẻ thì từ khi xảy ra dịch đến nay, thu nhập của những công nhân như anh đã bị giảm tới quá nửa. Bởi lẽ, công ty này làm về cơ khí, do nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc và sau khi thành phẩm cũng xuất sang Trung Quốc. Nếu như trước đó anh cùng đồng nghiệp của mình thường làm ít nhất là 8 tiếng giờ hành chính và sau đó tăng ca thì nay anh chỉ phải làm có 6 đến 7 tiếng.
Từ khi bùng phát dịch đến nay, công ty đã ra lệnh cấm công nhân không được đi lang thang ngoài đường, không được đến các bến xe bus hay các bến tàu điện ngầm. Hàng quán đóng cửa gần hết, đường phố cũng vắng hoe, hiếm lắm mới thấy có bóng người.
Tủ lạnh đầy căng thức ăn được các công nhân người Việt tại Hàn Quốc tích trữ. |
Cũng giống như ở Việt Nam, Hàn Quốc cũng lâm vào tình trạng “cháy” khẩu trang. Dù không bị đẩy giá và được Nhà nước trợ giá tới 95% nhưng để mua được khẩu trang là điều gần như là không thể. Anh Lâm chia sẻ: “Hơn 1 tuần trước cách chỗ công ty tôi làm khoảng 3km người ta cũng phát khẩu trang miễn phí nhưng chẳng ai trong công ty tôi dám đến vì sợ nhiễm virus”
Lo lắng cho tình trạng nguy cấp nơi con em mình đang phải đối mặt, người thân của anh Lâm và các đồng nghiệp ở quê nhà thường xuyên gọi điện thăm hỏi và khuyên họ trở về. Tuy nhiên khi được hỏi nếu chính phủ Việt Nam cho máy bay sang đón thì những người xuất khẩu lao động như anh có đồng ý về không thì anh Lâm cho biết: “Nguy hiểm thì ai cũng sợ nhưng nếu thực sự phải lựa chọn thì chúng tôi sẽ phải tính toán rất kỹ. Bởi lẽ nếu bây giờ về chúng tôi sẽ mất rất nhiều. Đó là tiền lương tháng thứ 13 suốt 5 năm nay của tôi mà công ty đang giữ. Nếu tính ra nó vào khoảng 200 triệu, ngoài ra còn tiền tự ý phá bỏ hợp đồng cũng khoảng 100 triệu nữa”.
Đường phố Deagu không một bóng người giữa tâm dịch. |
Không chỉ những người lao động tại tâm dịch Daegu lo lắng, sợ hãi mà cuộc sống những người ở thành phố khác của Hàn Quốc cũng thay đổi. Anh Nguyễn Bá Lực (Hà Đông, Hà Nội), lao động người Việt Nam tại tỉnh Chang Won biết: “Cách đây 2 ngày, công ty bên cạnh có một người bị sốt, ngay sau đó cơ quan y tế đã đến đưa người này đi cách ly. Toàn bộ công nhân ở công ty đó đã đình công vì sợ hãi. Còn công ty của em vẫn làm việc bình thường”.
Tuy nhiên, theo như anh Lực thì công ty của anh sản xuất các bộ phận của máy xúc, máy ủi, nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc, việc hết nguyên liệu chỉ là vấn đề thời gian. Công ty của anh Lực có đến 150 người Việt Nam lao động, ai nấy cũng mang tâm trang hoang mang vì dịch bệnh ngày càng lan rộng trên đất Hàn Quốc. “Bọn em đã mua đầy đủ thịt, cá và gạo để tích trữ rồi. Mọi khi bọn em vẫn ăn cơm ở nhà bếp thế nhưng gần đây không người ngoại quốc nào dám ăn. Đến bữa là về phòng tự nấu nướng, mấy anh em ăn. Đi làm về đến phòng là đóng kín cửa. Chỉ cần nghe thấy một tiếng ho ngoài hành lang là mọi người lại run lên vì sợ. Tại vì bọn em đã được thông báo, gần khu em ở có 2 người Hàn Quốc dính virus rồi” - Anh Lực chia sẻ.
Theo như anh Lực, công ty anh làm cũng đang thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn để ngăn chặn dịch lây lan. Hàng ngày, trước khi vào xưởng làm tất cả đều được kiểm tra thân nhiệt, rửa tay. Mỗi người được cấp cho 5 khẩu trang y tế dùng dần, nước rửa tay được đặt khắp nơi.
Mỗi giờ điện thoại lại có tin nhắn từ cơ quan y tế thông báo, cảnh báo về tình hình dịch. “Thực sự là anh em đều rất sợ hãi, hôm nay đã có 2 người cắt hợp đồng để về Việt Nam. Một số đang nghe ngóng tình hình, nếu có hiện tượng là phải về ngay. Bản thân em mà thấy có 1 người ở công ty bị nhiễm Covid -19 là em cũng xin về. Cơ bản đây không phải là tâm dịch nên vẫn có thể về và thực hiện cách ly. Còn ở đúng tâm dịch thì muốn cũng không về được”- Anh Lực cho biết thêm.
Tối 25/2, Bộ LĐTB&XH có văn bản kết luận ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong cuộc họp với các đơn vị trực thuộc để triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với người lao động Việt Nam tại các quốc gia có dịch. Trong văn bản gửi đi lúc tối muộn, Bộ yêu cầu doanh nghiệp trong nước rà soát, nắm chắc tình hình lao động và phối hợp với các địa phương để kiểm soát chặt chẽ lao động qua lại đường mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới. Đối với lao động Việt Nam ở Daegu và Gyeongbuk (Hàn Quốc), Bộ LĐTB&XH khuyến cáo người lao động yên tâm làm việc, hạn chế đi lại, không đến các vùng có dịch và không rời khỏi quốc gia, vùng lãnh thổ đó khi không cần thiết. Việc này nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Theo đó, các doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần dừng ngay việc lao động đi làm việc tại các khu vực có dịch. Các doanh nghiệp không chấp hành sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hiện, Ban Quản lý lao động ngoài nước vẫn phải duy trì các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người lao động (kể cả lao động bất hợp pháp) chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định của các nước sở tại. Đối với những lao động về nước từ vùng dịch do hết thời hạn hợp đồng, về trước thời hạn hợp đồng và những trường hợp cá biệt khác thì đơn vị sẽ thực hiện việc tiếp nhận và cách ly y tế, giám sát theo đúng quy định của Bộ Y tế. |