TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương: Cơ quan chức năng có khách quan trong việc giải quyết đơn thư của công dân? (Tiếp theo kì trước)
Pháp luật - Bạn đọc 12/02/2020 08:14
Trao đổi với phóng viên, bà Lương Thị Thu Thủy cho biết: “Tất cả các hành vi của bà Triều đã diễn ra liên tục từ nhiều năm nay đối với tôi và nhiều chủ thể kinh doanh trong chợ. Thực tế, hành vi của bà Triều ngày càng gia tăng về mức độ, làm cho nhiều chủ thể kinh doanh trong khu chợ bức xúc, đồng thời gây mất trật tự khu vực. Tôi đã nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương, song đều không nhận được hồi âm cũng như giải quyết đơn tố giác của công dân theo trình tự pháp luật”...
Sau nhiều lần tìm cách hòa giải không được, với gần 10 lá đơn nhiều loại, nhiều nội dung khác nhau, bà Thủy gửi tới các cơ quan chức năng như: Công an TP Thủ Dầu Một và Viện KSND TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương tố cáo bà Triều đã có nhiều hành vi mang dấu hiệu hình sự.
Rào chắn cản trở sinh hoạt tại kiot của bà Thủy |
Để minh bạch thông tin, phóng viên đến một số cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Bình Dương để đăng kí làm việc như: Công an TP Thủ Dầu Một, Viện KSND TP Thủ Dầu Một, Viện KSND, Cục Thuế, Thanh tra xây dựng Sở Xây dựng, Chi cục Quản lí đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương. Trong 6 cơ quan trên, thì có 3 cơ quan hợp tác với báo chí là Cục Thuế, Thanh tra xây dựng, Chi cục Quản lí đất đai. Cụ thể, Cục Thuế và Thanh tra xây dựng cung cấp thông tin và hẹn khoảng trên dưới một tháng sẽ gửi kết luận đến nhà báo; cơ quan Chi cục Quản lí đất đai cũng cung cấp khá nhiều thông tin tài liệu liên quan đến đơn thư của bà Thủy. Đối với 3 cơ quan còn lại, sự hợp tác với cơ quan báo chí rất hạn chế. Cụ thể, Công an TP Thủ Dầu Một và Viện KSND TP Thủ Dầu Một làm việc với nhà báo khoảng 10 phút thì bỏ dở không làm nữa, với lí do: “Chúng tôi làm xong hết rồi…và đã báo cáo lên thủ trưởng chờ giải quyết…”. Thiết nghĩ, 2 cơ quan này đều là cơ quan điều tra, khi nhận được thông tin vụ việc chắc chắn phải đi điều tra kĩ lưỡng, nhằm phục vụ cho công việc được minh bạch và công bằng. Đối với nhà báo, trách nhiệm phải thẩm định thông tin khi bạn đọc gửi tới hoặc cập nhật từ dư luận, nhằm thông tin được minh bạch, công bằng, khách quan để phục vụ cho công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của Nhà nước và xã hội giao. Như vậy, hai công việc của cơ quan điều tra và nhà báo có một phần giống nhau. Thế nhưng không biết lãnh đạo Viện KSND TP Thủ Dầu Một và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Dầu Một có tinh thần hợp tác và có trách nhiệm đối với cơ quan báo chí?
Cơ quan Viện KSND tỉnh Bình Dương có dấu hiệu không muốn tiếp nhận thông tin từ báo chí. Bởi, Viện KSND tỉnh Bình Dương trực tiếp gửi cho nhà báo Văn bản số 84/VKS-P12, ngày 13/01/2020, do ông Phó Viện trưởng Nguyễn Ngọc Hoàng kí, về việc hướng dẫn nhà báo, liên hệ với Viện KSND TP Thủ Dầu Một để được xem xét theo quy định của pháp luật. Văn bản trên cho rằng, nhà báo liên hệ nhầm cơ quan làm việc. Tuy nhiên trên thực tế, ngày 8/1/2020, nhà báo đã gửi văn bản đăng kí làm việc với Viện KSND tỉnh Bình Dương, về việc thẩm định thông tin từ đơn khiếu nại của bà Thủy đối với Viện KSND TP Thủ Dầu Một không giải quyết đơn thư của công dân theo đúng trình tự pháp luật.
Trong khi đó, theo hồ sơ vụ việc có Giấy báo tin số 807/BT-VKS-P12, ngày 5/11/2019, của Viện KSND tỉnh Bình Dương, do Kiểm sát viên Nguyễn Văn Hùng kí, về việc Thông báo chuyển đơn khiếu nại của bà Thủy đến Viện KSND TP Thủ Dầu Một và Văn bản số 03/VKS-KN, ngày 12/11/2019, của Viện KSND TP Thủ Dầu Một, do ông Phó Viện trưởng Ngô Hoài Phong kí, về việc thông báo và chỉ dẫn bà Thủy liên hệ Cơ quan Cảnh sát Điều tra công an TP Thủ Dầu Một để được nhận kết quả giải quyết.
Về những văn bản trên, bà Thủy cho biết: “Thực tế, tôi chưa nhận được Thông báo số 03/VKS-KN, ngày 12/11/2019, của Viện KSND TP Thủ Dầu Một. Khi tôi lên Viện KSND tỉnh Bình Dương nộp Đơn khiếu nại lần hai (15/12/2019) đối với Viện KSND TP Thủ Dầu Một, thì được kiểm sát viên hướng dẫn tới Viện KSND TP Thủ Dầu Một để giải quyết theo thẩm quyền. Tôi đến Viện KSND TP Thủ Dầu Một, thì được biết đã có Văn bản số 03/VKS-KN trả lời và gửi qua đường bưu điện. Nhưng phía bưu điện cho biết, không có văn bản nào của Viện KSND TP Thủ Dầu Một, gửi cho tôi!? Hơn nữa, khi tôi xem thì văn bản không gửi đúng địa chỉ theo đơn của tôi. Thông báo số 03 đến tay tôi là ngày 20/1/2020, do một nhân viên giao. Thêm vào đó, từ trước đến nay, tôi chưa được Công an TP Thủ Dầu Một mời lên giải quyết đơn thư lần nào. Đặc biệt, tôi chưa bao giờ nhận được Văn bản số 565/CSĐT-ĐTTH, của Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Dầu Một giải quyết theo như Thông báo số 03 của Viện KSND TP Thủ Dầu Một”.
Bà Thủy và các chuyên gia pháp luật cho rằng, căn cứ vào điểm a, Khoản 2, Điều 14; điểm a, c Khoản 1, Điều 15; điểm a, c, Khoản 2, Điều 15 Luật Khiếu nại năm 2011, các văn bản của Viện KSND tỉnh Bình Dương và Viện KSND TP Thủ Dầu Một chưa đúng với quy định của pháp luật. Cụ thể, điểm a, Khoản 2, Điều 14 quy định: Người giải quyết khiếu nại lần đầu có nghĩa vụ tiếp nhận khiếu nại và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp về việc thụ lí giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại;
Việc Viện KSND tỉnh báo tin đã chuyển đơn bà Thủy đến Viện KSND TP Thủ Dầu Một để thực thiện công tác kiểm sát theo thẩm quyền là chưa đúng theo tinh thần các điều luật nói trên. Trong khi đó, đối với bà Thủy thì Viện KSND TP Thủ Dầu Một là cơ quan bị khiếu nại.
Điều đáng nói, khi nhà báo và cơ quan báo chí liên hệ để phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin, phục vụ cho công việc, nhưng phía Viện KSND tỉnh lại hướng dẫn liên hệ với Viện KSND TP Thủ Dầu Một (?!). Câu hỏi đặt ra là cách giải quyết công việc của một số cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã đúng quy định của pháp luật và có tinh thần hợp tác với báo chí? (Còn nữa)