TP Hà Nội: Wine Store - Rượu 125 Thái Hà “phớt lờ” chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vẫn mở cửa bán hàng
Pháp luật - Bạn đọc 04/04/2020 14:00
Thực hiện theo Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3, của Thủ tướng Chính phủ, về việc thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Civid-19.
Ngày 31/3/2020, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ra Chỉ thị số 05/CT-UBND, về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Chủ tịch TP Hà Nội đã yêu cầu tất cả các đơn vị trên địa bàn, phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, kể từ 0h, ngày 1/4/2020.
Trong đó, nội dung yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ đóng cửa, tạm dừng kinh doanh toàn bộ các dịch vụ kinh doanh, trừ các trường hợp sau: Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); Trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, văn phòng cho thuê, bệnh viện); Chợ dân sinh (gồm các gian hàng: lương thực, thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô); Các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); Các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả, trái cây; Chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh; Dịch vụ khám chữa bệnh; Dịch vụ ngân hàng; Cửa hàng kinh doanh xăng dầu gas khí đốt…
Các phương án ứng phó với dịch bệnh của Chính phủ và UBND TP Hà Nội đã nhận được sự đồng lòng ủng hộ của người dân. Toàn bộ hàng quán, cơ sở kinh doanh các dịch vụ không thiết yếu đều đóng cửa. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số cửa hàng vẫn không thực hiện nghiêm túc, làm tăng nguy cơ dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.
"Phớt lờ" chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, cửa hàng rượu 125 Thái Hà vẫn ngang nhiên mở cửa kinh doanh.Theo ghi nhận của chúng tôi vào ngày 2/4, cửa hàng La Guyennoise - 125 Thái Hà, chuyên bán rượu, vẫn hoạt động kinh doanh bình thường. Trong vai một khách có nhu cầu mua rượu, một nhân viên tại La Guyennoise - 125 Thái Hà cho biết, cửa hàng vẫn mở bình thường, mở từ sáng đến 20h30 hàng này mới đóng cửa. PV thắc mắc tại sao trong thời gian dịch bệnh này vẫn được mở cửa, nhân viên trả lời rằng: “Bên em có xin phép mở cửa nên chị qua lúc nào cũng được”. Chỉ vài phút sau đó, chúng tôi đã có mặt tại địa chỉ đúng như lời nhân viên tư vấn trước đó. Điều lạ thay, nhân viên và khách hàng vẫn lui tới đang diễn ra rất bình thường và cửa hàng hoạt động như những ngày bình thường khác. Một dấu hỏi được đặt ra, cửa hàng Rượu 125 Thái Hà đã xin phép ai để mở cửa trong khi toàn bộ hàng quán, cơ sở kinh doanh phải ngừng hoạt động “cài then, chốt chặt”? Các mặt hàng của đơn vị này kinh doanh liệu có đúng là mặt hàng thiết yếu của người dân?
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, La Guyennoise được thành lập cách đây 17 năm, rượu ở đây đều được nhập khẩu từ các quốc gia chuyên về rượu như Chile, Pháp, Tây Ban Nha, Ý…
Là 1 trong những nhà nhập khẩu và phân phối hàng đầu ở Việt Nam về các thương hiệu rượu lớn trên thế giới, cùng với đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên sâu kiến thức về sản phẩm, kỹ năng bán hàng và nền văn hóa về rượu. Các sản phẩm rượu do La Guyennoise phân phối hay bán trực tiếp tới tận tay người tiêu dùng luôn nằm trong Top các sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, và được khách hàng lựa chọn, trong đó phải kể đến các Chateau - loại rượu “signature” của Pháp như: Chateau Lafite Rothchild, Chateau Margaux, Chateau Latour... và các Thương hiệu lớn của Chile như: Valpieso, Undurraga...
Tuy nhiên một thương hiệu uy tín như vậy trên thị trường, chỉ vì lợi nhuận mà La Guyennoise - 125 Thái Hà cố tình “phớt lờ” chỉ đạo của Chính phủ. Công khai mở cửa bán hàng trong thời điểm này, bỏ mặc sức khỏe của khách hàng, tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến phương án phòng chống dịch mà cả nước đang nỗ lực thực hiện. Đây là một hành vi vi phạm, cần phải xử lý nghiêm.
Việc các cơ sở không chấp hành Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội là hành vi: Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, vi phạm vào một trong hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Hành vi trên có thể bị xử lý theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng.
Đối với việc cách ly xã hội, Thủ tướng cho rằng "Đây là khoảng thời gian vàng để hạn chế tối đa việc lây nhiễm ra cộng đồng. Nếu quyết liệt cách ly xã hội, cách ly người với người thì Việt Nam sẽ hạn chế được tổn thất. Ngược lại, nếu chúng ta không cương quyết việc này thì hậu quả khôn lường đối với sức khoẻ, tính mạng của nhân dân".
Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin.