“Tồn tại tuyển dụng”
Trong mắt người già 12/07/2022 14:03
Theo từ điển tiếng Việt, từ tồn tại được hiểu là trạng thái có thật, con người có thể nhận biết bằng giác quan, không phải do tưởng tượng ra; là sự vật còn lại, chưa mất đi, chưa được giải quyết…
Hiểu theo từ điển thì Hà Nội quá giỏi khi áp từ “tồn tại” vào việc tuyển dụng nhiều năm qua. Đây đúng là vấn đề còn lại, chưa mất đi, chưa được giải quyết và là một chuyện lạ có thật, “không phải do tưởng tượng ra”!
Vì “tồn tại” mà phải đi sát hạch lại chứng tỏ 84 nhân sự đã được tuyển dụng, bổ nhiệm này chưa đạt chuẩn theo quy định và do đó quy trình tuyển dụng cũng có “tồn tại”.
Các cán bộ ở Hà Nội đi "thi lại" hôm 13-6 |
Điều 36 của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 quy định rõ điều kiện đăng kí dự tuyển công chức là người có đủ các điều kiện sau đây được đăng kí dự tuyển công chức: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đủ 18 tuổi trở lên; có đơn dự tuyển; có lí lịch rõ ràng; có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ; các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.
Phải chăng 84 nhân sự được tuyển dụng kể trên chưa đủ một trong các điều kiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức. Ví như chưa có bằng cấp, chứng chỉ… theo quy định nên nay cần sát hạch để bổ sung vào hồ sơ? Nếu như thế mà chỉ coi là tồn tại thì đây quả là cách làm “sáng tạo”, một tư duy “đột phá”! Liệu một học sinh chưa thi, chưa có bằng tốt nghiệp nhưng vẫn được gọi nhập học đại học thì có thể gọi là “tồn tại”; hoặc một lái xe chưa được cấp bằng lái nhưng vẫn cho phép lái xe trên đường, nay sát hạch để cấp bằng!?...
Được biết, ngoài số “tồn tại” đã cũ thì trong kế hoạch sát hạch, nhiều nhân sự vừa mới nhận quyết định bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo cũng thuộc diện phải “khắc phục tồn tại”. Đó là một số trường hợp được cựu Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh kí quyết định bổ nhiệm 5 ngày trước khi bị bãi nhiệm, khởi tố, bắt giam vào 7/6/2022.
Ngôn ngữ tiếng Việt rất phong phú, cùng một sự vật, hiện tượng người ta luôn có nhiều cách nói khác nhau để làm tăng lên hay giảm nhẹ tính chất của nó. Tuy nhiên, trong thực hiện quy định của pháp luật không cho phép người ta diễn giải theo cách xảo thuật ngôn từ để giảm nhẹ tính chất của những vi phạm.
Một công chức được tuyển dụng không đủ tiêu chí, điều kiện theo quy định thì đơn giản đó là sai phạm trong thực hiện quy trình, quy định tuyển dụng. Để khắc phục thì cần xử lí nghiêm người đã gây ra sai phạm và hủy bỏ kết quả do sai phạm tạo ra.
Với 84 trường hợp “tồn tại tuyển dụng” của Hà Nội, thiết nghĩ cần thanh, kiểm tra lại toàn bộ để quy rõ trách nhiệm cá nhân, xử lí nghiêm người gây ra sai phạm và hủy bỏ các kết quả tuyển dụng đó.